Bạn đã chữa đau mắt đỏ đúng cách chưa?

0
2103

Hiện tượng đau mắt đỏ chỉ kéo dài khoảng 10 ngày và thường tự khỏi mà không cần đến sự can thiệp y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn vẫn cần biết cách chữa đau mắt đỏ để áp dụng nhằm phòng ngừa biến chứng xảy ra.

Bác sĩ có thể chẩn đoán hiện tượng đau mắt đỏ hay viêm kết mạc chỉ bằng cách đặt câu hỏi về các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bạn gần đây.

Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch từ mắt bạn để phân tích. Bạn sẽ phải chờ lâu để nhận kết quả xét nghiệm vì các chuyên viên có thể cần nuôi cấy vi sinh nếu bác sĩ nghi ngờ các tình huống sau:

  • Có dị vật trong mắt
  • Nhiễm khuẩn cấp tính
  • Nhiễm trùng qua đường tình dục

Tuy viêm kết mạc có thể tự khỏi, nhưng nếu gặp phải trường hợp nghiêm trọng, bạn vẫn cần đến một số biện pháp chữa đau mắt đỏ theo chỉ định y tế kịp thời để tránh dẫn đến các biến chứng sau này.

Bạn cần chữa đau mắt đỏ như thế nào?

Cách chữa đau mắt đỏ thường dựa trên việc tập trung làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn sử dụng nước mắt nhân tạo hay dùng khăn ướt làm sạch mí mắt, đồng thời chườm lạnh hoặc ấm nhiều lần trong ngày.

Bên cạnh đó, kính áp tròng mà bạn đang đeo cần phải khử trùng qua đêm trước khi tái sử dụng. Tuy nhiên, nếu có thói quen đeo kính áp tròng, tốt nhất bạn nên chuyển sang sử dụng kính mắt cho đến khi hết bệnh. Kính áp tròng hiện tại và các dụng cụ đi kèm như khay đựng kính cũng cần được bỏ đi để tránh tái phát bệnh sau đó.

Tương tự, bạn cũng nên thay mới các mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm mắt sau khi hết bị đau mắt đỏ.

Hầu hết trường hợp viêm kết mạc là do nhiễm khuẩn, nên bạn sẽ không cần chữa đau mắt đỏ bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh. Bởi vì lúc này thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì, thậm chí có nguy cơ gây hại bằng cách khiến cơ thể lờn thuốc trong tương lai hoặc phát sinh phản ứng phụ. Bác sĩ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn khi đau mắt đỏ do virus gây ra.

Bạn đã chữa đau mắt đỏ đúng cách chưa?

Chữa đau mắt đỏ do dị ứng

Nếu trường hợp của bạn là viêm kết mạc dị ứng, bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc nhỏ mắt thích hợp, kèm theo một số loại thuốc giúp kiểm soát các phản ứng dị ứng, chẳng hạn như:

  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc ổn định dưỡng bào
  • Thuốc kiểm soát viêm
  • Thuốc thông mũi
  • Steroid
  • Thuốc chống viêm

Thuốc nhỏ mắt không kê đơn chứa thành phần kháng histamine và chống viêm cũng có thể mang lại hiệu quả tương đối. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào để chữa đau mắt đỏ.

Bạn cũng có thể giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng bằng cách tránh xa mọi nguyên nhân gây dị ứng khi có thể.

Thay đổi lối sống và biện pháp chữa đau mắt đỏ tại nhà

Để đối phó với các triệu chứng của hiện tượng đau mắt đỏ cho đến khi nó chấm dứt, bạn có thể thử một số biện pháp như sau:

Áp dụng nhiệt lên mí mắt

Bạn hãy sử dụng một miếng vải sạch hoặc bông tẩy trang tiệt trùng nhúng vào nước ấm và vắt khô trước khi nhẹ nhàng áp nó lên mí mắt. Tùy vào cảm giác của mình mà bạn có thể dùng nước ấm hoặc mát sao cho thoải mái.

Nếu đau mắt đỏ chỉ xảy ra ở một bên mắt, đừng dùng miếng vải hoặc bông chạm vào mắt còn lại để hạn chế nguy cơ lây lan.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Một lời khuyên khác để chữa đau mắt đỏ từ các chuyên gia nhãn khoa là sử dụng thuốc nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt không kê đơn, còn gọi là nước mắt nhân tạo, có khả năng giảm các triệu chứng. Mặt khác, một số thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần kháng histamine hoặc một số dược liệu khác sẽ hữu ích cho những người bị viêm kết mạc dị ứng.

Bạn đã chữa đau mắt đỏ đúng cách chưa?

Ngưng sử dụng kính áp tròng

Khi bạn đang bị đau mắt đỏ, việc đeo kính áp tròng có nguy cơ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn bởi khả năng tăng cường:

  • Sự khó chịu ở mắt
  • Nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Dị vật xuất hiện trong mắt

Do đó, bạn nên ngừng sử dụng loại kính này cho đến khi bệnh khỏi hẳn. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý bỏ hết các kính áp tròng hiện tại cùng với dụng cụ kèm theo như khay đựng kính sau khi hồi phục để tránh tình trạng tái phát.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ nhãn khoa, nếu bắt gặp bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến mắt khiến bạn lo lắng hoặc triệu chứng đau mắt đỏ trở nặng và kéo dài bất thường.

Bởi vì những lần khám bệnh thường diễn ra rất nhanh chóng, bạn nên chuẩn bị tốt cho cuộc hẹn của mình. Phần nội dung dưới đây có thể giúp bạn hiểu rõ bản thân cần làm gì.

Bạn có thể làm gì?

  • Liệt kê tất cả triệu chứng bạn gặp phải
  • Lên danh sách các loại thuốc, chất bổ sung vitamin hoặc thực phẩm chức năng đang dùng
  • Liệt kê những câu hỏi muốn cùng bác sĩ tham vấn

Một số thắc mắc bạn muốn hỏi bác sĩ

Thời gian khám bệnh tương đối hạn chế, nên việc chuẩn bị sẵn các câu hỏi mà bạn muốn tham vấn ý kiến bác sĩ có thể giúp bạn tận dụng tối đa khoảng thời gian này. Hãy liệt kê tuần tự từ việc quan trọng nhất. Đối với hiện tượng đau mắt đỏ, có thể bạn sẽ muốn hỏi:

  • Nguyên nhân gây bệnh
  • Những loại xét nghiệm cần thực hiện
  • Những phương pháp điều trị có sẵn
  • Nguy cơ bị lây nhiễm sang mắt còn lại
  • Các loại thuốc sử dụng để chữa đau mắt đỏ
  • Các tài liệu tham khảo
  • Thời gian tái khám

Một số câu hỏi từ bác sĩ

Ngược lại, bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi, bao gồm:

  • Thời gian triệu chứng xuất hiện
  • Tần suất cũng như tình trạng triệu chứng như thế nào
  • Đã từng thử qua bất kỳ biện pháp nào để cải thiện triệu chứng chưa
  • Yếu tố, theo bạn, khiến triệu chứng ngày một nặng hơn
  • Chỉ một mắt bị ảnh hưởng hay cả hai
  • Có sử dụng kính áp tròng không
  • Cách vệ sinh và bảo quản kính áp tròng
  • Đã từng tiếp xúc với những người bị viêm kết mạc hoặc cảm lạnh hay cúm trong thời gian gần đây không

Tổng kết

Nếu bị đau mắt đỏ, bạn cần ghi nhớ những điều sau để bệnh nhanh khỏi và không để lại biến chứng:

  • Không sử dụng kính áp tròng trong thời gian phát bệnh
  • Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay với xà phòng thường xuyên
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây