Cách vận dụng tiếp thị linh hoạt trong hoạt động của startup

0
567

Giảm thiểu rủi ro và chi phí, tạo ra sự tin tưởng và minh bạch, thúc đẩy văn hóa thực hiện là những lợi ích của tiếp thị linh hoạt.

Agile marketing (tiếp thị linh hoạt) là một cách tiếp cận áp dụng tinh thần agile (phát triển linh hoạt, xuất thân từ lĩnh vực phát triển phần mềm) vào lĩnh vực marketing với mục tiêu cải tiến tốc độ, khả năng dự đoán, minh bạch và thích ứng nhanh với thay đổi.

Về bản chất, các startup luôn ưu tiên việc tiết kiệm chi phí. Họ phải cân nhắc thấu đáo mỗi khi chi tiền, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp thị. Và agile marketing là giải pháp phù hợp.

Giới phân tích nhận định tiếp thị linh hoạt khá phù hợp với các doanh nghiệp ngày nay vì nó có thể đáp ứng yêu cầu không ngừng thay đổi, tạo ra các ý tưởng lớn hơn, tốt hơn với tốc độ và hiệu quả cao hơn.

Backhoa nêu ra 7 lí do các startup nên áp dụng agile marketing.

1. Giảm thiểu rủi ro

Agile marketing giúp doanh nghiệp sớm tìm ra các ý tưởng. Trước khi triển khai chiến dịch quy mô đầy đủ, phương pháp này cho phép bạn sớm nhận ra liệu ý tưởng này có thể gây tiếng vang hay không.

Trước tiên, startup cần tìm ra sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP – Minimal Viable Product). MVP là “tiền thân” của sản phẩm hoàn thiện cuối cùng trước khi được đưa ra công chúng.

Sản phẩm MVP có thể là một bài đăng hoặc một email với mục đích giúp startup sớm có được những bài học thực tiễn. Hoặc lý tưởng hơn, MVP có thể giúp doanh nghiệp thử nghiệm một số phiên bản nhằm sớm tìm ra những khả năng thất bại từ đó tập trung vào những phương án thực sự hiệu quả.

Quá trình này giúp sàng lọc những sáng kiến mang tính chủ quan ra khỏi kế hoạch marketing của bạn.

2. Tìm ra những ý tưởng tốt hơn

Một trong những nguyên tắc của agile marketing là bắt đầu từ những thứ nhỏ, học hỏi và tăng quy mô. Một khi đã hiểu được những phản hồi và mong muốn của khách hàng thì việc cải thiện sản phẩm là điều rất quan trọng.

Quá trình agile cho phép các nhóm áp dụng các bài học của mình để cải thiện sản phẩm MVP tốt hơn. Cách tiếp cận cơ bản này cho phép bạn theo kịp và thậm chí đi trước trên thị trường vốn thay đổi hằng ngày. Đây là điều cần thiết để cạnh tranh trong khi những phương pháp tiếp thị truyền thống không làm được điều này.

3. Xây dựng sự hợp tác và tin tưởng

Quá trình agile marketing tạo ra sự phối hợp tốt hơn giữa các nhóm trong và ngoài công ty khi giúp quản lý cấp trên có thể tham gia tích cực vào quy trình hoặc ủy quyền một ai đó ra quyết định. Và yêu cầu đặt ra là các quyết định cần được đưa ra một cách nhanh chóng thay vì chần chừ.

Thực tế cho thấy khả năng thành công phụ thuộc nhiều vào việc sớm đưa những ý tưởng thô (đã được đánh bóng) ra công chúng. Những cuộc họp nhanh hằng ngày giúp duy trì đà phát triển, thúc đẩy môi trường tự điều hành và trách nhiệm.

Cách vận dụng tiếp thị linh hoạt trong hoạt động của startup

Các thành viên chủ chốt nên cùng ngồi lại khoảng 15 phút mỗi ngày để thảo luận ba điều: Hôm qua bạn đã làm được gì, bạn sẽ làm được gì hôm nay và những rào cản nào ngăn bạn đến với thành công? Chính sự kết nối và cộng tác liên tục này sẽ tạo ra “cộng đồng” thực sự trong môi trường làm việc.

Agile marketing đòi hỏi việc thảo luận trực tiếp, sự tin tưởng, khả năng quyết đoán và cảm giác chung về quyền sở hữu trong nhóm.

4. Đẩy mạnh “văn hóa thực hiện”

Agile marketing khuyến khích các nhân viên nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Nếu trao quyền cho đúng người thì sẽ cần ít cuộc họp hơn, ít lãng phí thời gian và ít rào cản hơn.

5. Tạo sự minh bạch và tự tin

Các công cụ quản lý dự án, hoặc họp hành mỗi ngày như: Trello, Slack, Jira,… được tạo ra nhằm liệt kê các nhiệm vụ, phân công sở hữu hoặc hỗ trợ giao tiếp trong thời gian thực. Qua đó giúp mọi người biết được:

– Những gì đang xảy ra tại mọi thời điểm trong vòng đời dự án – Ai chịu trách nhiệm về cái gì – Tiền (của khách hàng) được sử dụng ra sao.

Một phần quan trọng không kém của quy trình làm việc này là chia tách công việc thành các “đợt nước” rút kéo dài hai tuần. Việc yêu cầu phải có một sản phẩm vào cuối mỗi vòng “chạy nước rút” cũng nhằm đảm bảo toàn đội cảm thấy tin tưởng rằng quá trình làm việc đang có kết quả.

6. Làm nhiều hơn với chi phí thấp hơn

Các công ty khởi nghiệp thường có nguồn tài nguyên hạn hẹp, và agile marketing cho phép các nhóm tập trung vào những điều quan trọng và hiệu quả nhằm giảm bớt gánh nặng công việc.

Bằng cách chia nhỏ các dự án (lớn và nhỏ) thành các sản phẩm có thể quản lý, và tạo ra danh sách các công việc còn lại cần thực hiện, các thành viên trong nhóm có thể làm việc cùng nhau để đẩy nhanh nhiệm vụ hoặc hoàn thành quá trình nước rút.

7. Sử dụng kết quả theo thời gian thực dựa vào dữ liệu

Các startup không thể phát triển chậm chạp trên thị trường, nhưng họ cũng không có nhiều ngân sách để có được cơ hội canh tranh vượt qua các đối thủ.

Tuy nhiên, startup có thể vượt trội và tiến đến việc trở thành một thương hiệu hoặc đại lý lớn và phức tạp hơn nhờ vào agile marketing. Nó cho phép startup dẫn đầu xu hướng và đọc được ý nghĩ khách hàng trong thực tế.

Phương pháp tiếp thị agile cho phép doanh nghiệp sớm tiếp cận được khách hàng với ngân sách thấp hơn, ít rủi ro hơn cùng ý tưởng tốt hơn.

Việc tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, truyền tải đúng thông điệp vào đúng thời điểm trước các đối thủ khác sẽ giúp startup tạo được sự khác biệt trước các đối thủ cạnh tranh khác.