Bệnh đau mắt đỏ – Cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả

0
2158

Đau mắt đỏ là căn bệnh cấp tính thường gặp. Bệnh có thể lây lan nhanh chóng từ người sang người. Nếu ko được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đau mắt đỏ rất thường gặp, bệnh có những triệu chứng rõ ràng, dễ nhận biết. Nguy cơ lây lan cao nhưng phần lớn là lành tính. Bệnh không quá nguy hiểm, nhưng ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt, học tập và lao động.Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, đau mắt đỏ có thể kéo dài và gây ra những biến chứng khó lường, ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh sau này.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ hay bệnh viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng ở mắt, thường do vi khuẩn, virus hoặc phản ứng dị ứng gây ra.

Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng mắt có màu đỏ. Bệnh thường khởi phát đột ngột và lan nhanh chóng từ mắt bên này sang bên kia. Đau mắt đỏ lây nhanh từ người này sang người khác nên dễ tạo thành dịch.

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ

– Virus:

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên bệnh đau mắt đó. Trong đó adeno virus chiếm tới 80% các trường hợp viêm mắt đỏ cấp.

Viêm mắt đỏ do virus dễ lây lan khi tiếp xúc với nước mắt của bệnh nhân; khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Bệnh thường tự giới hạn và tự khỏi trong vài ngày mà không cần điều trị.

– Vi khuẩn:

Một số vi khuẩn thường gặp gây bệnh đau mắt đỏ là Staphylococus, Hemophilus Influenza…

Đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể gây những tổn thương nặng cho mắt nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể lây qua dịch tiết nước mắt hay vật dụng dính dịch tiết chạm vào mắt.

– Dị ứng:

Có thể do các tác nhân gây dị ứng như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, hóa chất…: chiếm từ 15%- 40%, khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng,tùy cơ địa mỗi người, thường xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát.

Triệu chứng đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ biểu hiện rõ ràng bằng dấu hiệu mắt bị đỏ và có ghèn mắt. Thông thường người bệnh bị đỏ một mắt trước, rồi sau đó lan qua mắt thứ hai. Ghèn mắt thường là nước trong hoặc ghèn có màu vàng.

Ghèn mắt có thể màu xanh hoặc vàng, hai mí mắt có biểu hiện sưng mọng sau đó mắt trở nên đỏ do cương tụ mạch máu.

Một số người bị viêm kết mạc có giả mạc sẽ lâu khỏi hơn những người khác (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy).

Ngoài triệu chứng mắt đỏ và có ghèn, người bệnh cũng cảm thấy mệt mỏi, đau họng, có thể sốt. Mắt đau nhức, nổi cộm, chảy nhiều nước mắt, tai có thể xuất hiện hạch.

Bệnh nhân vẫn có thể nhìn thấy bình thường dù mắt đau và nhiều ghèn mắt, thị lực không bị giảm sút.

Tuy nhiên, một số trường hợp cảm thấy sợ ánh sáng, bị chói mắt và mờ thoáng qua. Nếu để nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt.

Cách xử lý khi bị đau mắt đỏ

Để điều trị đau mắt đỏ, cách hiệu quả nhất là phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh và giải quyết. Do đó, khi có dấu hiệu đau mắt đỏ người bệnh cần đi khám ở các cơ sở chuyên khoa về mắt để được các bác sĩ thăm khám và tìm ra tác nhân gây đau mắt.

Không nên tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt khi chưa rõ nguyên nhân. Có thể dùng nước muối sinh lý hay nước mắt nhân tạo để rửa mắt, làm sạch ghèn mắt và giúp đôi mắt đỡ cảm giác cộm và khó chịu.

Khi rửa mắt, lưu ý rửa bên mắt bị đau nhẹ trước, sau đó mới rửa bên mắt đau nặng hơn. Khi rửa mắt cần dùng bông hoặc gạc hứng bên dưới để tránh làm nước mắt, ghèn mắt rơi rớt ra giường, đệm sẽ tạo thành nguồn gây bệnh cho người khác.

Sau khi rửa sạch hai mắt thì dùng gạc khô lau khô rồi rửa tay bằng xà phòng diện khuẩn. Băng, gạc dùng để rửa mắt phải bỏ vào thùng rác, không vứt lung tung trong phòng để tránh lây nhiễm cho người khác. Rửa sạch tay sau đó mới được nhỏ thuốc mắt.

Nếu việc rửa mắt được thực hiện đúng cách thì chỉ sau 3-4 ngày, mắt sẽ không còn tiết ra nhiền ghèn mắt. Mặc dù mắt vẫn đỏ, những đã đỡ bị chói mắt và vẫn chảy nước mắt.

Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ do virus, chỉ cần tiến hành rửa mắt đúng cách hàng ngày thì sau 7-10 ngày bệnh sẽ khỏi mà không cần sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Đau mắt đỏ

Trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn, bên cạnh rửa mắt bằng nước muối sinh lý, bác sĩ có thể chỉ định tra thêm dung dịch kháng sinh, mỡ kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin… có thể uống thêm thuốc giảm phù.

Trường hợp viêm kết mạc có giả mạc thì phải bóc giả mạc ra trước rồi mới tra thuốc để thuốc ngấm tốt hơn.

Nếu đau mắt đỏ do dị ứng, cần tránh dụi mắt để không làm tổn thương giác mạc. Có thể sử dụng một miếng gạc đặt vào tủ lạnh khoảng 2030 phút rồi đắp lên mắt để làm dịu cơn ngứa.

Ngoài ra, có thể dùng thêm một số loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn như Naphcon-A hoặc Opcon-A. Các thuốc này có chứa kháng histamin và tác nhân gây co mạch.

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách li để tránh lây nhiễm, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sau 5-7 ngày nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, người bệnh cần tái khám để bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị.

Bên cạnh đó, cần tăng cường bổ sung các dưỡng chất, đặc biệt là vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Người bệnh cần uống nhiều nước, đeo kính mát để bảo vệ mắt.

Nếu bệnh có dấu hiệu nặng hơn cần tới ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Tránh trường hợp chủ quan, không điề trị ngay có thể dẫn tới suy giảm thị lực và các biến chứng nguy hiểm khác.

Cách phòng bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhưng khá lành tính. Bệnh lây từ người qua người thông qua tiếp xúc với dịch tiết từ mắt người bệnh, nước mắt của người bệnh, qua đường hô hấp khi hắt hơi, ho…

Mầm bệnh có thể sống trong môi trường bình thường tới vài ngày và có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh 1 tuần.

Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là đảm bảo vệ sinh và cách ly triệt để với người bệnh.

– Khi không có dịch:

Cần đảm bảo vệ sinh cá nhân. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch để hạn chế lây nhiễm virus, vi khuẩn.

Không sử dụng chung chăn, gối, khăn mặt, chậu rửa mặt với người khác. Khăn rửa mặt phải thường xuyên giặt với xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

Tuyệt đối không dùng tay dụi mắt. Nên đeo kính bảo vệ mắt khi đi ngoài đường. Nếu mắt bị bụi vào, rửa mắt bằng nước muối sinh lý để là sạch.

– Khi đang có dịch đau mắt đỏ:

Tiếp tục duy trì vệ sinh cá nhân, tăng cường rửa tay với xà phòng và dung dịch sát khuẩn.

Rửa mắt hàng ngày với nước muối sinh lý. Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt và các đồ dùng cá nhân với người bị đau mắt.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, nếu tiếp xúc nên đeo khẩu trang. Trong nhà có người bị đau mắt đỏ thì không nên ngủ chung giường với người bệnh trong thời gian đau mắt và sau khi bệnh đã khỏi ít nhất 1 tuần.

Nếu trong gia đình có nhiều người cùng bị đau mắt đỏ thì không được dùng chung cùng một lọ thuốc để tránh lây nhiễm chéo và khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

Hạn chế tới nơi đông người và nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện, nơi công cộng… Không nên đi bơi và tắm ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây