Đau mắt đỏ: Họa từ những bài thuốc truyền miệng

0
2135

Dù chưa đến “chính vụ” nhưng thời gian gần đây, tại các bệnh viện chuyên ngành Mắt, số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng lên. Các chuyên gia một lần nữa cảnh báo, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nhưng nếu người dân tự chữa không đúng cách bằng các bài thuốc truyền miệng, bệnh có thể trở nặng.

Số bệnh nhân bắt đầu tăng

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, hiện trung bình 50 người đến khám mắt thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ, tỷ lệ 20%. Tại Bệnh viện Mắt Hà Đông (Hà Nội), TS.BS Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15-20 bệnh nhân đến khám. Còn tại Bệnh viện Mắt Trung ương, vì chưa đến “chính vụ”, số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tuy không ồ ạt như mọi năm nhưng cũng gia tăng.

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, hay dùng chung các vật dụng với người bệnh đau mắt đỏ như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch đau mắt đỏ bùng phát. Bệnh thường gặp vào mùa hè nắng nóng, hay thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí cao.

Đau mắt đỏ “rục rịch” vào mùa: Đừng tự rước họa bằng những bài thuốc truyền miệng

Khám đau mắt đỏ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt 

Tại Bệnh viện Mắt Hà Đông (Hà Nội),ThS.BS Trần Tiến Đạt, Khoa Khám bệnh cho biết: “Những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu rất dễ bị nhiễm bệnh. Triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ là bệnh nhân cảm thấy nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, chói, mi mắt sưng nhẹ, chảy nước mắt. Khi bệnh toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ và có ghèn, khó mở vào buổi sáng. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc… Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, có thể gây thành dịch. Chỉ cần một người mắc có thể lây cho gia đình, cộng đồng nhất là những nơi tập trung đông người”.

Lo bệnh nhân chữa bằng “mẹo”

Theo BS Nguyễn Vinh Quang, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội), hiện trung bình cứ 50 người đến khám mắt thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ. Bệnh tuy lành tính nhưng nếu người dân tự ý chữa trị đau mắt đỏ ở nhà không đúng loại thuốc, đến khi không khỏi, nặng mới đến khám sẽ thường để lại di chứng nặng nề.

Còn TS.BS Nguyễn Thu Hương lại lo ngại khi vào đỉnh dịch (thường ở tháng 7, tháng 8 hàng năm), mọi người chủ quan tự chữa vì nhiều người bị đau mắt đỏ. Mùa dịch mọi năm, không ít người vì tra đủ thứ thuốc không đúng chỉ định, đặc biệt là lạm dụng kháng sinh khiến người bệnh bị biến chứng viêm kết mạc rất lâu khỏi.

Không tự ý chữa bệnh đau mắt đỏ bằng các bài thuốc dân gian

ThS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương thông tin thêm: Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám trong tình trạng nặng do dùng thuốc truyền miệng từ lá trầu không, hạt khô của các loài cây. Mặc dù đã có khuyến cáo nhưng năm nào Bệnh viện cũng tiếp nhận những biến chứng do tự điều trị.

Các bài thuốc trị đau mắt đỏ hiện được lan truyền trên mạng như: Dùng 2 quả trứng gà luộc lên bóc vỏ, lăn lên 2 mắt là hết bệnh đau, hay lấy một nhánh củ gừng và 4 ngọn cây lá mơ gồm thân, lá và hoa, sau khi rửa sạch giã nát lấy nước thấm vào vùng mắt bị đau, còn phần bã của chúng dùng để đắp kín vùng mắt. Ngoài ra, nhiều người còn truyền nhau các bài thuốc dân gian như rau mùi, hạt cây thì là, khoai tây, mật ong… đắp, rửa mắt. Nhận định về các bài thuốc này, các chuyên gia về mắt cho hay, các bài thuốc Đông y không thể chiết xuất thành thuốc tra mắt được. Có chăng đây chỉ là những bài thuốc hỗ trợ. Khi đã bị đau mắt đỏ biện pháp tốt nhất là vệ sinh tốt và dùng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Biến chứng khó lường của bệnh đau mắt đỏ

Theo ThS. BS Hoàng Cương, đau mắt đỏ lây qua 3 đường chính: Hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt và quan hệ vợ chồng, vì vậy để phòng tránh, cần chặn những đường lây này. Việc nhìn nhau không gây lây truyền đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, khỏi sau 7 – 10 ngày. Đau mắt đỏ gây dịch dễ lây lan, gần như đã thành thường niên vào mùa thu ở Hà Nội. Khi tiết trời bắt đầu sang thu, hanh khô bệnh sẽ ít đi.

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh. Trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nói chung, do vậy cũng dễ bị đau mắt đỏ. Ngược lại người già ít gặp đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

ThS.BS Trần Tiến Đạt lưu ý: “Đối với người bệnh bị đau mắt đỏ hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt”.

Đau mắt đỏ

Liên quan đến bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, cách phòng tránh đau mắt đỏ quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch… Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ

– Đỏ mắt, ra gỉ, không gây mờ mắt đó là 3 dấu hiệu chủ yếu của đau mắt đỏ.

– Dấu hiệu báo trước: Sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai.

– Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày: Đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành.

– Giai đoạn lui giảm trong 5 ngày: Các triệu chứng dần biến mất, mắt trắng dần ra.

– Thường bệnh đau mắt đỏ chỉ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng sau một thời gian nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và có cách điều trị kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây