Dịch đau mắt đỏ xuất hiện “trái mùa” ở Hà Nội khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Các bác sĩ khuyến cáo 3 điều tuyệt đối cấm làm nếu không muốn bị giảm thị lực, hỏng mắt.
Theo ghi nhận của PV, những ngày này, bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 150-200 người đến khám mỗi ngày vì đau mắt đỏ.
Các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9, 10. Năm nay, thời tiết thay đổi thất thường nên dịch có xu hướng tăng cao ngay từ những tháng đầu năm.
Bác sĩ Phạm Thị Minh Châu – bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây ra, hoặc do dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, sưng húp, ken đặc dử mắt, chảy nước mắt…
Tự ý điều trị đau mắt đỏ vô cùng nguy hiểm
Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nó gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh như khó chịu, đau nhức và nếu không chăm sóc cẩn thận thì có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn.
“Sau khi khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày, không dụi mắt, nhất là khi tay không được vệ sinh sạch. Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để đảm bảo vệ sinh…”, bác sĩ Châu tư vấn.
Cục Y tế dự phòng cho hay, khi người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần xử trí kịp thời:
– Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
– Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
– Trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
– Tránh ôm ấp khi trẻ bị bệnh, ngủ riêng.
– Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, người đau mắt đỏ tuyệt đối không được làm 3 điều sau nếu không muốn hỏng mắt:
1.Bệnh nhân không nên tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là các thuốc chứa corticoid, tránh biến chứng có thể dẫn đến mất thị lực.
2. Không để mắt làm việc quá sức, nhất là khi làm việc với sách vở, máy tính, điện thoại…
3. Không dùng lá trầu không để chữa đau mắt đỏ. Việc làm này vô cùng nguy hiểm bởi trầu không có thể gây kích thích, làm mắt đỏ, sưng thêm.
Các bác sĩ khuyên rằng, “con mắt là cửa sổ tâm hồn”, khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ ngay để được hướng dẫn sử dụng thuốc một cách chính xác nhất.