Đau mắt đỏ kiêng ăn gì và lúc nào cần đến bệnh viện?

0
2168

Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân của đau mắt đỏ thường là nhiễm vi khuẩn, virut hoặc phản ứng dị ứng… Bệnh không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng, sau một tuần bệnh sẽ khỏi. Nếu không điều trị đúng cách dễ biến chứng…

Đau mắt đỏ kiêng ăn gì và lúc nào cần đến bệnh viện?
Dịch đau mắt đỏ thường xẩy ra vào lúc giao mùa

Người đau mắt đỏ nên kiêng ăn gì?

Người bị đau mắt đỏ nên kiêng: các loại thực phẩm như tỏi, ớt, hành, hẹ hay thịt chó… vì dễ gây cảm giác nóng, rát cho mắt hoặc tình trạng đỏ hơn.
Ngoài ra nên kiêng ăn đồ ăn tanh trong thời gian mắc bệnh như cá, mực, tôm, cua…. vì có thể tác động xấu vào tình trạng của viêm kết mạc, làm cho tình trạng đau mắt đỏ ngày càng nặng hơn.
Không nên uống rượu bia vì đây là các chất kích thích có thể làm giảm tầm nhìn, giảm khả nặng nhận biết nhạy bén của mắt xuống một cách đáng kể và khiến cho bệnh càng nặng hơn.

Người đau mắt đỏ nên ăn gì cho nhanh khỏi?

Ngoài ra, để bệnh có thể nhanh khỏi, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, bổ sung trong thực đơn các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, các vitamin A, B12, C, D… có trong rau cải bó xôi, rau cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang… rất tốt cho những người đau mắt đỏ bởi chúng rất giàu các tiền tố benta-carotene sẽ chuyển hóa thành vitamin A giúp mắt sáng, khỏe mạnh.

Bệnh đau mắt đỏ lây như thế nào?

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và lây lan nhanh chóng gây nên dịch đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt…, và qua tiếp xúc trực tiếp như: dùng chung khăn, gối, tay bị nhiễm dụi vào mắt. Muốn tránh lây lan, người bệnh phải đeo khẩu trang, đeo kính vừa để bảo vệ mắt vừa tránh dụi mắt, không dùng chung đồ đạc với người khác, tránh sinh hoạt chung trong phòng máy lạnh hay phòng kín gió. Không cần nhỏ thuốc khi chưa mắc bệnh, vì thuốc nhỏ mắt không phòng ngừa được bệnh đau mắt đỏ.

Biểu hiện của đau mắt đỏ

Khi bị nhiễm Adenovirus, bệnh nhân có triệu chứng giống bị nhiễm siêu vi như hơi nóng sốt, hơi mệt mỏi, đau họng, nhưng những triệu chứng này rất mơ hồ, thường có đau hạch trước tai (đụng vào rất đau). Tại mắt còn có những triệu chứng đặc trưng như: đau, đỏ, cộm, xốn cả hai mắt, chảy nước mắt, sưng phù mi nhưng nhìn không bị mờ, dịch tiết (ghèn) ở mắt thường trong, nhiều hay ít tùy trường hợp, ghèn làm dính mi khi ngủ dậy. Khi bị bội nhiễm vi trùng, ghèn thường đục, nhiều và màu vàng. Nếu không bị bội nhiễm hay biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày.

Đau mắt đỏ khi nào nên đi khám?

Khi phát hiện mắt đỏ hay cảm giác khó chịu ở mắt, người bệnh nên đi khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn đúng và kịp thời, đồng thời phát hiện những bệnh nguy hiểm khác có thể nhầm với đau mắt đỏ như: glocoma, viêm màng bồ đào, viêm loét giác mạc… Bệnh nhân cần đeo khẩu trang, đeo kính, tránh dùng chung đồ dùng với người khác và tránh đến nơi đông người ít nhất 3 – 5 ngày.

Không dùng cùng một lọ thuốc nhỏ mắt cho nhiều người; nên dùng bông gòn sạch thấm dịch tiết nhẹ nhàng một lần rồi bỏ đi, tránh dụi mắt, tránh chạm vào bên trong mắt, nhất là tròng đen có thể gây viêm hay loét giác mạc. Cần rửa tay bằng xà bông nhiều lần trong ngày, trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.
Việc điều trị bệnh không thể diệt được virút gây bệnh mà chỉ điều trị tùy theo triệu chứng:
– Nếu mắt đỏ ít, không sưng phù nhiều, ghèn trong, chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý.
– Nếu có ghèn đục có thể nhỏ kháng sinh.

Phòng tránh

Bệnh thường xảy ra theo mùa, nhất là những tháng giao mùa giữa mùa hè và mùa thu hay mùa đông. Việc phòng ngừa rất cần thiết, nhất là ở những người có cơ địa yếu, khả năng miễn dịch không bình thường như: những người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính, sử dụng thuốc chống viêm và ức chế miễn dịch, trẻ em… bằng cách rửa tay sạch, tránh tiếp xúc với những bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Tránh đến nơi đông người như: nhà hàng, khách sạn, quảng trường, bệnh viện… khi mùa dịch đến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây