Bà bầu bị đau bụng có nguy hiểm không?

0
3070

Bà bầu bị đau bụng có lúc chỉ là đau râm ran nhưng đôi khi lại đau quặn. Cơn đau này có khi không nguy hiểm, nhưng bạn cũng không nên chủ quan, nó có thể báo hiệu bạn sắp sinh non hay bong nhau thai.

Khi kích thước bụng bầu ngày càng lớn hơn, đây cũng là lúc bạn sắp được gặp con yêu chào đời. Mang thai là một quá trình không phải dễ dàng đối với nhiều thai phụ. Trong đó, bà bầu bị đau bụng thường xảy ra. Hãy chuẩn bị tinh thần trước và xử lý kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu bà bầu bị đau bụng được đề cập dưới đây.

Hình ảnh bà bầu bị đau bụng 

Đau dây chằng tròn

Đau dây chằng tròn là một cảm giác khó chịu khi bạn đột nhiên đổi tư thế. Hiện tượng này xuất hiện từ vùng bụng dưới (hoặc ở bên trong, từ tử cung xuống háng). Cơn đau thường ngắn, mạnh và thốn. Thông thường, bạn sẽ trải nghiệm cơn đau này trong tam cá nguyệt thứ 2. Nếu cảm thấy không được thoải mái lắm, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa để được kê thuốc acetaminophen nếu cần thiết.

Táo bón và sình bụng

Khi mang thai, mức độ progesterone trong cơ thể bạn sẽ tăng lên. Do đó, thực phẩm đi qua đường tiêu hóa thường chậm hơn. Trong trường hợp này, bạn nên uống nhiều nước, ăn các thực phẩm giàu chất xơ, tập thể dục nhẹ nhàng để khắc phục hậu quả. Nếu muốn thấy kết quả nhanh hơn, bạn có thể hỏi bác sĩ xem liệu bạn có dùng thuốc làm mềm phân được không.

Cơn gò Braxton Hicks

Nhìn chung, các cơn gò Braxton Hicks là lành tính, nhưng chúng có thể bị nhầm lẫn với các cơn co thắt khi chuyển dạ (hoặc sinh non). Sự khác biệt nằm ở chỗ, nếu xuất hiện cơn gò chuyển dạ thật, bạn cần nhập viện ngay. Còn nếu đó là một cơn gò Braxton Hicks thông thường, bạn vừa có thể đang gò, vừa xem tivi bình thường mà không sao cả. Song nếu bạn đau kèm theo các triệu chứng như chảy máu, sốt hoặc rối loạn thị giác, tốt nhất là bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Mang thai ngoài tử cung

Cứ 50 mẹ bầu sẽ có 1 trường hợp mang thai ngoài tử cung. Đây là hiện tượng trứng sau khi thụ tinh đã phát triển ở một nơi khác ngoài tử cung, thường là trong các ống dẫn trứng. Ngoài ra, dấu hiệu đau và chảy máu nghiêm trọng giữa tuần thứ 6 và tuần thứ 10. Những phụ nữ đã từng mang thai hay bị lạc nội mạc tử cung, bị thắt ống dẫn trứng hoặc đã từng đặt vòng tránh thai thường có nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Sẩy thai

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, hiện tượng chảy máu và co thắt thường do nhiều nguyên nhân gây ra. Bà bầu bị đau bụng có thể là dấu hiệu của sẩy thai. Các triệu chứng khác là đau lưng, phát hiện cục máu đông tại âm đạo và giảm dấu hiệu mang thai.

Sinh non

Hiện tượng sinh non là mẹ bầu sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Sinh non thường đi kèm với hiện tượng co thắt thường xuyên và đau lưng dai dẳng. Nhiều triệu chứng bao gồm dịch âm đạo thay đổi, chảy máu âm đạo và đau bụng, chuột rút.

Bong nhau thai

Bong nhau thai là trường hợp khá nguy hiểm với mẹ bầu và thai nhi. Bong nhau thai có nghĩa là nhau thai sớm tách ra khỏi thành tử cung của bạn. Hiện tượng này thường xuất hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Hiện tượng thường gặp là đau bụng dữ dội, có xuất hiện máu đen hoặc đỏ và dịch chảy ra từ âm đạo. Trong trường hợp này, bạn sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho bạn và thai nhi. Các trường hợp khác nếu không nghiêm trọng, bạn vẫn có thể sinh con theo cách tự nhiên.

Bên cạnh những vấn đề trên, có một số nguyên nhân khác gây đau bụng hoàn toàn tự nhiên và không nguy hiểm khi bạn đang mang thai. Bà bầu bị đau bụng khi tử cung lớn hơn. Bên cạnh đó, những cơn đau có thể xuất phát từ virus dạ dày, sỏi thận, u xơ tử cung hoặc do nhạy cảm với thực phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây