Bà bầu có nên tiêm phòng cúm?

0
489

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng phụ nữ mang thai nên được ưu tiên tiêm phòng cúm để bảo vệ cả mẹ và con. Thực tế tại Việt Nam nhiều chị em vẫn không dám tiêm vì sợ ảnh hưởng đến con.

Bà bầu có nên tiêm phòng cúm?

Trong vụ cúm đại dịch H1N1 năm 2009, nhiều thai phụ mắc cúm nhập viện trong tình trạng rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Vì thế mùa cúm này, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng phụ nữ mang thai nên là nhóm được ưu tiên tiêm phòng cúm đầu tiên (cả cúm mùa và cúm đại dịch), xếp trên cả người già, trẻ và những người mắc bệnh mãn tính.

Bà bầu có nên tiêm phòng cúm?
Ảnh: Medicalobserver.

Theo ABCNews, bà bầu đặc biệt dễ bị tổn thương khi mắc cúm vì hệ miễn dịch của họ suy giảm để thích ứng với thai nhi đang phát triển. Khi hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể người mẹ không thể tự chống lại bệnh cúm dễ dàng. Bệnh có thể tiến triển nặng lên và dẫn đến viêm phổi và những vấn đề sức khỏe khác. Thậm chí nếu thai phụ không nặng đến mức cần nhập viện thì em bé cũng dễ sinh nhẹ cân hoặc sinh non, đặc biệt nếu người mẹ bị cúm trong thời kỳ 3 tháng đầu.

Việc tiêm phòng không gây bệnh cúm cho chị em vì virus trong mũi tiêm đã bất hoạt. Thậm chí ngay cả khi trẻ chào đời, kháng thể chống cúm trong cơ thể người mẹ cũng được truyền qua con thông qua nhau thai và bảo vệ bé trong 6 tháng đầu. Sau thời điểm đó, bạn có thể đưa con đi tiêm phòng cúm. Một phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng cúm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.

Cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm Mỹ cũng khuyến cáo nếu bạn đang có bầu thì một liều vắcxin phòng cúm là cách bảo vệ an toàn nhất. Vắcxin đã được tiêm cho hàng triệu bà bầu trong nhiều năm. Nó cũng đã được chứng minh là không gây hại đến thai phụ cũng như thai nhi.

Trong khi đó, tại Việt Nam các chuyên gia tỏ ra khá dè dặt khi chỉ định tiêm phòng cúm cho thai phụ.

Trong số các trường hợp tử vong vì cúm đại dịch H1N1 năm 2009 tại Việt Nam thì có đến một phần tư là thai phụ.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, hiện nay hầu hết các vắcxin không tiêm cho phụ nữ mang thai trừ mũi uốn ván. Với vắcxin ngừa cúm, bản thân nhà sản xuất cũng không chống chỉ định tiêm cho thai phụ.

“Tuy nhiên vì không có nghiên cứu trên thai phụ nên các chuyên gia thường không khuyến cáo tiêm. Nếu đặt trong tình huống dịch bệnh nguy hiểm thì nên cân nhắc giữa nguy cơ tiêm và không”, tiến sĩ Cảm nói.

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội) cho rằng, nếu đang có dịch cúm kinh khủng như năm 2009 thì chị em nên cân nhắc tiêmđể bảo vệ thai cũng như bà mẹ. Còn nếu không có dịch gì thì có thể không cần thiết phải tiêm.

“Thông thường trong 3 tháng đầu thai kỳ thì hạn chế các can thiệp, việc tiêm vắcxin phòng cúm cũng thế. Sau giai đoạn này có thể tiêm nếu thấy cần thiết. Về nguyên tắc, vắcxin được điều chế từ virus cúm ‘đã chết’ nên an toàn cho bất kỳ người nào muốn tiêm. Vì thế,trường hợp nào đã chót tiêm thì cũng không cần quá lo lắng”, bác sĩ Dung nói.

Tốt nhất là nếu có kế hoạch có bầu thì chị em nên đi tiêm phòng trước ít nhất một tháng, chỉ cần tiêm một mũi. Phụ nữ mang thai bị mắc cúm thì nên đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây