Năm kinh nghiệm cầm lái an toàn tài xế cần nhớ

0
3079

Mới đây, các chuyên gia huấn luyện của Audi đã có buổi chia sẻ về những kinh nghiệm hữu ích trong việc cầm lái hàng ngày.

1. Xác định khoảng cách vô lăng tối ưu

Năm kinh nghiệm cầm lái an toàn tài xế cần nhớ

Nên để ghế lái ôm trọn phần lưng bạn để đảm bảo an toàn khi vào cua

Nhiều tài xế thường chọn vị trí ngồi khi cầm lái theo cảm giác. Họ thường ngồi sao cho có được cảm giác thoải mái cũng như cho phép họ “với” được tới vô lăng, thuận tiện điều khiển cần số và các nút bấm chức năng nào đó. Tất nhiên việc ngồi sao cho thoải  mái nhất là điều hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ việc ngồi đảm bảo thoải mái không đồng nghĩa với việc tạo được không gian tối ưu cho thao tác lái.

Theo các chuyên gia của Audi, lái xe có thể xác định khoảng cách lý tưởng từ ghế ngồi tới vô-lăng bằng cách đặt lòng bàn tay lên điểm 12 giờ của vô-lăng và duỗi thẳng cánh tay. Lúc này, lưng của bạn phải sát hết mức với ghế lái.

Ở tư thế ngồi thông thường, khi vào cua hoặc trong các tình huống di chuyển khó như lách hoặc vượt xe khác thì người lái (nhất là các lái  mới) thường có xu hướng tiến gần tới vô-lăng để ôm lấy nó, thậm chí có nhiều người còn kéo ghế sát với vô-lăng để có được cảm giác tự tin hơn. Tuy vậy, việc làm này lại khiến thao tác xoay vô-lăng bị vướng víu và đa phần người lái sẽ không thể phản ứng kịp khi cần góc lái lớn.

2. Ghế ngồi không phải chỉ để dựa!

Ngoài xu hướng ôm lấy vô-lăng, rất nhiều lái xe thích sử dụng các loại đệm lưng, lót ghế và đặc biệt là sử dụng tấm thảm lót có các viên gỗ tròn vì cho rằng nó mang đến cảm giác thoáng và dễ chịu. Tuy vậy, theo các chuyên gia Audi, đây là thói quen rất không tốt. Thực tế, hầu hết các hãng sản xuất xe hơi đều thiết kế ghế ngồi (nguyên bản) có dáng lõm, ôm lấy người cầm lái. Đặc biệt, càng những xe có tốc độ cao thì độ lõm của ghế càng lớn. Chắc chắn các hãng sản xuất xe hơi không phải tự nhiên mà đồng loạt thiết kế ghế ngồi như vậy.

Theo các chuyên gia của Audi, sau khi chọn vị trí ngồi tối ưu như trên, điều quan trọng bạn cần chú ý là phải đảm bảo cho lưng bạn “dính” ghế trong suốt hành trình xoay vô-lăng. Tư thế ngồi này giúp cho toàn bộ phần thân giữa của bạn được ghế ôm trọn và giữ vững ổn định kể cả khi xe vào cua ở tốc độ cao hay xảy ra tình huống khẩn cấp. Trong quá trình lái, vì bất kỳ lý do gì mà bạn tự đẩy lưng mình lên cao, ra khỏi phần lõm của lưng ghế cũng tức là bạn đã làm mất hiệu quả của thiết kế này.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu về quá trình lái xe đã chỉ ra rằng, trong các tình huống khẩn cấp, con người thường có phản xạ tự nhiên là bấu víu vào thứ gì đó. Đối với lái xe, vật mà họ thường bấu víu chính là vô-lăng. Trong tình huống xảy ra va chạm, xe đang văng ngang mà lưng của bạn không được giữ ở lưng ghế thì theo phản xạ, bạn sẽ cố bấu lấy vô-lăng. Như vậy, chắc chắn bạn sẽ bị mất lái.

3. Phanh khẩn cấp, không đơn giản như bạn nghĩ

Với việc thử phanh ABS trên chiếc Audi Q5 và A6 mới được công bố, Giám đốc đào tạo Audi khu vực Đông Nam Á, ông Richard Sorensen đã chỉ ra cách sử dụng phanh khẩn cấp rất hữu ích. Trong tình huống bạn di chuyển lên đỉnh dốc, khi vừa vượt qua cao điểm mà bất chợt phát hiện một chiếc xe tải đang đỗ bên vỉa hè thì theo thói quen thông thường, lái xe sẽ đạp chân ga. Việc làm này sẽ tạo ra quán tính, đẩy người lái về phía trước khiến lực phanh bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, phanh ABS cũng sẽ không hoạt động chính xác và hiệu quả khi chân phanh không nhận được áp lực liên tục.

Ông Sorensen cho biết, trong trường hợp này, thay vì ngồi và đạp phanh theo cách thông thường thì người dùng nên đạp phanh bằng toàn bộ trọng lượng thông qua việc đứng hẳn lên bàn phanh. Điều này sẽ cung cấp cho hệ thống phanh ABS một lực tối đa và hoạt động hiệu quả.

4. Bí quyết sử dụng ABS

Năm kinh nghiệm cầm lái an toàn tài xế cần nhớ

Lái xe hoàn toàn có thể làm chủ vô lăng và hướng xe khi hệ thống ABS đang hoạt động

Hầu hết mọi người đều hiểu nguyên tắc hoạt động của hệ thống chống bó cứng phanh ABS là giúp bánh xe tránh rơi vào hiện tượng bó cứng do người dùng hoảng hốt đạp chết phanh khi xảy ra tình huống khẩn cấp, giữ độ bám đường. Tuy vậy, rất ít người biết rằng ABS còn có chức năng quan trọng là giúp xe vẫn có thể điều khiển được khi có tình huống phanh khẩn cấp xảy ra (kể cả khi bạn đã phanh cứng chết, không nhả giữa chừng). Điều này đồng nghĩa với việc, khi xe di chuyển trong lúc phanh (phanh mà xe chưa dừng hẳn), người lái vẫn có thể điều chỉnh lái khá thoải mái giúp xe tránh các chướng ngại vật chứ không phải là buông tay, phó mặc cho số phận. Chuyên gia của Audi khuyến cáo rằng trong tình huống trên, người lái vẫn tiến hành điều khiển xe và chỉ nên nhả phanh khi xe đã dừng lại hẳn.

5. Tư thế ngồi lái để tránh xương đùi đâm vào tim khi xảy ra va chạm

Trong buổi chia sẻ với các lái xe, ông Sorensen cho biết, đa phần các lái xe (nhất là lái xe số tự động) thường có xu hướng duỗi thẳng chân khi điều khiển xe. Thói quen này thực sự gây nguy hiểm khi xảy ra va chạm mạnh. Bởi lẽ, khi va chạm mạnh xảy ra, phần đầu xe sẽ bị ép khiến cho toàn bộ phần ngăn cách với khoang lái và tablo bị đẩy mạnh về phía lái xe. Trong trường hợp này, chấn thương là điều không tránh khỏi. Tuy vậy, nếu lái xe duỗi thẳng chân thì nhiều khả năng xương ống đồng hoặc xương đùi bị ép lên, đâm vào phần ngực khiến mức độ nguy hiểm càng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, các chuyên gia của Audi khuyên bạn, nên mở đầu gối sang hai bên một chút thay vì để ghế ngồi quá xa và tại tư thế lái thẳng tuột để hạn chế tối đa các rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây