Để ngừa đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn, cần giúp bé rửa tay với xà bông và nước ấm thường xuyên. Không để bé dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, tăm bông vệ sinh mắt, khăn giấy, gối đầu với người khác.
Nhiều trường hợp, đau mắt đỏ ở bé được phòng tránh bằng khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục cho mẹ trong thai kỳ.
Điều trị bệnh đau mẳt đỏ
Chứng đau mắt đỏ ở bé sơ sinh:
Để phòng tránh hiện tượng này, bác sĩ thường dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh, vệ sinh mắt bé ngay sau khi chào đời. Tuy nhiên, một số trường hợp, thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có thể gây viêm màng kết cho bé. Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trước khi có ý định mang thai nên khám và điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa (nếu có) để tránh lây nhiễm cho bé.
Đau mắt đỏ do virus thường tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu nghi ngờ đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bé dùng thuốc mỡ (thuốc nhỏ mắt) chứa kháng sinh.
Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ
Đôi khi, việc đếm số giọt thuốc nhỏ mắt cho bé đúng theo chỉ định của bác sĩ là khó khăn. Vì thế, bạn hãy đặt đầu lọ thuốc vào góc trong của mắt bé (khi bé đã nhắm mắt); sau đó, khi bé mở mắt, thuốc sẽ từ từ chảy vào trong. Nếu vẫn khó khăn, bạn nên yêu cầu bác sĩ cho thuốc mỡ nhỏ mắt cho bé. Thuốc mỡ được quết trên mí mắt (mắt đã nhắm) rồi khi thuốc tan, nó sẽ chảy vào trong mắt.
Nếu bé bị đau mắt đỏ do dị ứng, bác sĩ sẽ kê thuốc chống dị ứng cho bé, gồm thuốc uống và thuốc nhỏ mắt.
Một chiếc gạc mát (hoặc ấm) sẽ khiến đôi mắt bị đau của bé dễ chịu. Bạn có thể vệ sinh góc mắt bị bệnh cho con cẩn thận với nước ấm và đầu tăm bông. Cách này cũng loại bỏ nhử ướt và nhử khô khiến mắt bị dính chặt vào buổi sáng.
Thời điểm nên đưa bé đi khám
Nếu bạn nghi bé bị đau mắt đỏ, cần đưa bé đi khám ngay. Bác sĩ sẽ quyết định nguyên nhân và cách điều trị. Nếu bé kêu bị đau mắt, thay đổi thị giác, nhạy cảm với ánh sáng, bạn cũng cần đưa con đi khám sớm. Nếu đau mắt đỏ không cải thiện sau 2-3 ngày điều trị thì cũng cần đưa con đi khám.