Chớ nên chủ quan với bệnh đau mắt đỏ

0
2130

Thời điểm giao mùa hay khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao… làm nhiều người mắc bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc).

Chớ chủ quan với bệnh đau mắt đỏ

Đây là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và người đã mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc lại.

Dễ làm nhiều người mắc

Theo các bác sĩ, sở dĩ bệnh dễ làm nhiều người mắc bởi đau mắt đỏ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh hay cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại… Đặc biệt, những nơi có mật độ người đông như bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe tàu mà cự ly gần cũng rất dễ lây bệnh.

Người bị đau mắt đỏ thường đỏ mắt (đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai) và có ghèn. Người bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, cảm giác cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều ghèn (màu xanh hoặc màu vàng), buổi sáng ngủ dậy, hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt mi mắt sưng nề, mọng, đau nhức, chảy nước mắt.

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.

Cách phòng bệnh đơn giản

Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Các biện pháp cụ thể mọi người cần thực hiện như sau:

Khi chưa mắc bệnh:

Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày. Không dùng tay dụi mắt.

Khi đang có dịch đau mắt đỏ:

Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:

Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.

Không dùng chung thuốc nhỏ mắt và đồ đạc với người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ.

Hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…

Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.

Không được chủ quan khi bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Nguy hiểm hơn, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Do vậy, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không nên chủ quan mà cần xử trí như sau:

Lau rửa dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

                  Chớ nên chủ quan với bệnh đau mắt đỏ

Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.

Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Khi bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước. Do vậy để tránh lây cho mắt còn lại, người bệnh cần nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra.

Người bệnh nên nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến nơi đông người và ngủ riêng.

Dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt và không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây