Khi đau mắt đỏ, ngoài đeo kính râm như thông thường, bạn nên đeo thêm khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) là một trong những bệnh lý phổ biến ở mắt, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trên thực tế, có thể bạn đã bị nhiều lần đau mắt đỏ hoặc chưa từng mắc phải bệnh này nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện nay, tần suất mắc các bệnh lý ở mắt khá cao.
Trong năm, bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra ở mùa hè hoặc giai đoạn chuyển từ hè sang thu. Các bác sĩ khuyến cao, thời gian gần đây, bệnh này bùng phát mạnh vào tháng 9, tháng 10.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ:
ThS. BS Đinh Yên Lục, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt quốc tế DND cho biết, có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ như do vi khuẩn, virus.
Việc lây lan đau mắt đỏ do lây nhiễm trực tiếp. Bệnh lây qua đường hô hấp, nước bọt và đặc biệt là nước mắt của người bị bệnh vì đây là nơi chứa rất nhiều virus gây bệnh.
Chỉ cần bạn cầm nắm vào những vật dụng như nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… thì bạn đều có thể bị lây bệnh. Dụi mắt là thói quen không tốt khiến bệnh dễ lây lan rộng.
Vì thế, khi đau mắt đỏ, ngoài đeo kính râm như thông thường, bạn nên đeo thêm khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
đau mắt đỏ nên đeo thêm khẩu trang
Cách xử trí khi bị đau mắt đỏ:
ThS. BS Đoàn Anh, khoa Đáy mắt, Bệnh viện Mắt quốc tế DND cho biết, sưng mi, sưng mắt và đau nhức tại mắt là hai triệu chứng dễ nhận biết của bệnh đau mắt đỏ mà bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
– Với bệnh đau mắt đỏ do virus thông thường, bạn chỉ cần vệ sinh mắt, tránh nhiễm khuẩn kèm theo. Bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày.
– Với những người bị đau mắt đỏ kèm theo nhiễm khuẩn, cần dùng thêm thuốc kháng sinh tra mắt và vệ sinh mắt thật tốt để tránh những biến chứng.
– Với trẻ nhỏ, rất dễ mắc thêm biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm.