Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám trong tình trạng nặng do dùng thuốc truyền miệng từ lá trầu không, hạt khô của các loài cây.
Dù chưa vào mùa dịch, xong thời gian gần đây số ca mắc đau mắt đỏ tại một số bệnh viện chuyên khoa mắt đang tăng lên. Các chuyên gia cảnh báo, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nhưng nếu tự chữa không đúng cách bằng các bài thuốc truyền miệng như xông bã trầu không, xông nước muối, bệnh có thể trở nặng.
Một người mắc là cả nhà ‘dính’ theo
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm vi-rút, vi khuẩn hoặc môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, hay dùng chung các vật dụng với người bệnh đau mắt đỏ như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch đau mắt đỏ bùng phát. Bệnh thường gặp vào mùa hè nắng nóng, hay thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí cao.
Với những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu rất dễ bị nhiễm bệnh. Triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ là bệnh nhân cảm thấy nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, chói, mi mắt sưng nhẹ, chảy nước mắt. Khi bệnh toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ và có ghèn, khó mở vào buổi sáng.
Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc… Bệnh đau mắt đỏ rất rễ lây lan, có thể gây thành dịch. Chỉ cần một người mắc có thể lây cho gia đình, cộng đồng nhất là những nơi tập trung đông người.
Đau mắt đỏ cần tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ
Chữa bệnh đau mắt đỏ theo dân gian: Nên hay không?
Theo BS Nguyễn Vinh Quang, Trường khoa Khám bệnh BV Mắt Hà Nội, đau mắt đỏ là bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng. Hiện trung bình cứ 50 người đến khám mắt thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ. Bệnh tuy lành tính nhưng nếu người dân tự ý chữa trị đau mắt đỏ ở nhà không đúng loại thuốc, đến khi không khỏi, nặng mới đến khám sẽ thường để lại di chứng nặng nề.
Ths. Bs Hoàng Cương, Phó trưởng Phòng quản lý khoa học và đào tạo, BV Mắt TƯ thông tin thêm: Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám trong tình trạng nặng do dùng thuốc truyền miệng từ lá trầu không, hạt khô của các loài cây. Mặc dù đã có khuyến cáo nhưng năm nào BV cũng tiếp nhận những biến chứng do tự điều trị.
Trên nhiều trang mạng đang truyền nhau các ‘bài thuốc’ trị đau mắt đỏ như dùng 2 quả trứng gà luộc lên bóc vỏ lăn lên 2 mắt là hết bệnh đau, hay lấy một nhánh củ gừng và 4 ngọn cây lá mơ gồm thân, lá và hoa, sau khi rửa sạch giã nát lấy nước thấm vào vùng mắt bị đau. Phần bã của chúng dùng để đắp kín vùng mắt. ‘Ngoài ra, nhiều người còn truyền nhau các bài thuốc dân gian như rau mùi, hạt cây thì là, khoai tây, mật ong… đắp, rửa mắt. Tuy nhiên, theo BS Hoàng Cương: các bài thuốc đông y không thể chiết xuất thành thuốc tra mắt được. Có chăng đây chỉ là những bài thuốc hỗ trợ. Khi đã bị đau mắt đỏ biện pháp tốt nhất là vệ sinh tốt và dùng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Khuyến cáo phòng bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng
‘Đau mắt đỏ lây qua 3 đường chính: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt và quan hệ vợ chồng, vì vậy để phòng tránh, cần chặn những đường lây này. Việc nhìn nhau không gây lây truyền đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, khỏi sau 7 đến 10 ngày. Đau mắt đỏ gây dịch dễ lây lan, gần như đã thành thường niên vào mùa thu ở Hà Nội. Khi tiết trời bắt đầu sang thu, hanh khô bệnh sẽ ít đi’- BS Hoàng Cương khuyến cáo.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo,cách phòng tránh đau mắt đỏ quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.