Cẩn thận với hậu quả của bệnh đau mắt đỏ

0
2231

Đau mắt đỏ là một bệnh khá phổ biến thường gặp về mắt, nó còn được gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân chủ yếu là do virus vi khuẩn như khuẩn cầu đôi, khuẩn que, trực khuẩn truyền nhiễm cảm gây bệnh, tay chân bẩn xâm nhập vào mắt, sống trong môi trường nhiều vi khuẩn hay do phản ứng dị ứng, tác nhân bên ngoài như khói, bụi bẩn, môi trường ô nhiễm….

Bác sỹ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng mạnh, chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân. Trẻ em thường nhậy cảm với các loại virus nói chung, do vậy cũng dễ bị đau mắt đỏ. Ngược lại người già ít gặp đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan bằng cách nào?

– Lây qua vật dụng sinh hoạt:

Dùng khăn hoặc chậu rửa mặt chung;

Dùng tay dụi mắt sau đó dùng chung đồ vật với người khác (hay gặp trong gia đình hoặc các nhà trẻ mẫu giáo);

Lây qua môi trường bể bơi, không khí;

Lây qua vật trung gian là ruồi/ nhặng;

– Lây qua đường nước bọt;

– Lây qua đường hơ thở.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ dễ nhận biết bởi diễn biến điển hình theo các giai đoạn:

– Dấu hiệu báo trước: sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai

– Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành

– Giai đoạn lui giảm trong 5 ngày: các triệu chứng thoái biến, mắt trắng dần ra

Hậu quả của bệnh đau mắt đỏ?

Bệnh hầu hết khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng.

Tuy nhiên có thể gây ra một số hậu quả:

– Đau mắt đỏ gây thiệt hại cả về tài chính, thời gian và sức khỏe của người bệnh. Gây lo lắng, phiền hà và có thể là bệnh tật nữa cho người thân, gia đình và cộng đồng.
– Những biến chứng của đau mắt đỏ phải kể đến là viêm giác mạc các dạng: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu…có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Bên cạnh đó là viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây vô số phiền toái cho bệnh nhân.

– Có thể lây lan thành dịch.

Cách phòng tránh đau mắt đỏ

Phòng bệnh:

– Thường xuyên rửa mặt 3 lần/ ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng, tốt nhất giặt khăn bằng xà phòng , phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường.

– Cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch.

– Rửa tay thường xuyên với xà phòng để diệt khuẩn.

Ở trường học là mô trường có tương tác lớn, do vậy rất dễ lây lan đau mắt đỏ. Trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5-7 ngày. Y tế học đường cần đảm bảo trong mùa dịch trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng chung hay xử dụng: các tay nắm cửa, nút bấm thang máy…

Trong gia đình thì cần cách ly tối đa người bệnh với người xung quanh: đeo khẩu trang cho họ hoặc tránh nói chuyện với bệnh nhân ở cự ly dưới 1 m, không dùng chung đồ vật với bệnh nhân, tránh bắt tay ôm hôn. Lây nhiễm mẹ- trẻ đang bú là gần như không thể tránh khỏi mặc dù virus không qua sữa mẹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây