Cách chữa nghẹt mũi cho bà bầu đơn giản mà an toàn

0
3073

Nghẹt mũi khiến bạn vô cùng khó chịu và bực bội khi mang thai. Hãy cùng chúng tôi  tìm hiểu một số cách chữa nghẹt mũi cho bà bầu đơn giản để mẹ khỏe và thoải mái hơn trong thai kỳ.

Nghẹt mũi là mội triệu chứng bình thường nhưng nó thường đem đến cho bạn sự khó chịu. Đừng quá lo lắng, hãy theo dõi những chia sẻ dưới đây để biết thêm một số thông tin về tình trạng này và cách chữa nghẹt mũi cho bà bầu hiệu quả nhất nhé!

Hình ảnh bà bầu bị nghẹt mũi

Viêm mũi thai kỳ gây nghẹt mũi

Viêm mũi thai kỳ là tình trạng nghẹt mũi kéo dài từ 6 tuần trở lên trong thai kỳ. Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy tương tự như nghẹt mũi do cảm lạnh, nhưng thực tế viêm mũi thai kỳ là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai.

Mức estrogen tăng cao trong thai kỳ có thể khiến niêm mạc mũi bị sưng lên, tạo ra nhiều chất nhầy hơn. Ngoài ra, lưu lượng máu cũng sẽ tăng khi mang thai, khiến cho các mạch máu nhỏ bên trong mũi của bạn sưng lên và dẫn đến nghẹt mũi.

Nghiên cứu cho thấy, viêm mũi thai kỳ khá phổ biến và có thể gặp phải ở 30% phụ nữ mang thai. Các chuyên gia cũng cho rằng, bạn dễ mắc phải viêm mũi thai kỳ vào khoảng tuần thai thứ 13 đến 21, hoặc những tuần cuối thai kỳ.

Tình trạng này sẽ biến mất sau khi bạn sinh con, thường trong vòng 2 tuần sau khi sinh.

Các nguyên nhân khác gây nghẹt mũi

Nếu bạn chỉ bị nghẹt mũi và không có các triệu chứng khác thì có khả năng bạn chỉ bị viêm mũi thai kỳ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đi kèm với các triệu chứng khác thì bạn có nguy cơ gặp phải các vấn đề khác như:

  • Nhiễm trùng hoặc cảm lạnh: Nếu nghẹt mũi đi kèm với ho, hắt hơi, đau họng hoặc sốt thì nhiều khả năng bạn đã bị cảm rồi đấy.
  • Viêm xoang: Nghẹt mũi đi kèm với nhức đầu, sốt, chất nhầy màu vàng hoặc xanh, khứu giác giảm, hàm đau… có thể là triệu chứng cho thấy bạn đã mắc viêm xoang.
  • Dị ứng khi mang thai: Các triệu chứng thường gặp của dị ứng là nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa cổ họng, ngứa mũi hoặc tai… Dị ứng thường không thể phòng ngừa được khi mang thai vì những phụ nữ mang có thể trở nên nhạy cảm với các chất kích thích mà trước này chưa từng bị.

Đôi khi nghẹt mũi có thể là do nhiều yếu tố hợp lại tạo nên tình trạng này.

17 cách chữa nghẹt mũi cho bà bầu

Hình ảnh minh họa

Uống thuốc là biện pháp mà nhiều người nghĩ đến, nhưng trong thời gian này thuốc không còn an toàn với bạn và bé. Do đó, hãy sử dụng một số cách chữa nghẹt mũi cho bà bầu sau để đánh bay nghẹt mũi:

1. Xông hơi

Bạn cho nước vào nồi lớn và đun sôi thật nóng. Sau đó lấy khăn lớn trùm đầu và đặt chậu nước xông hơi bên dưới mặt để hơi bốc lên. Hít lấy hơi nước bốc hơi trong vài phút để giảm nghẹt mũi.

2. Máy phun sương tạo độ ẩm

Không khí ấm áp và ẩm ướt sẽ giúp làm dịu tình trạng ngứa rát mũi. Do đó, bạn có thể đặt máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng khi bạn ngủ để nhanh chóng cải thiện cơn nghẹt mũi.

Tuy nhiên, bạn nên thường xuyên làm sạch bộ phận làm ẩm và thay nước để vi khuẩn không phát triển. Bạn cũng có thể hít thở sâu để tận hưởng sự ấm áp và thư giãn.

3. Nhỏ nước muối

Bạn hãy nhỏ vài giọt nước muối vào mỗi bên mũi. Sau 5–10 phút, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt.

4. Rửa mũi

Cho một muỗng cà phê muối và baking soda vào nước. Trộn đều và đổ một ít vào lòng bàn tay. Bây giờ hãy hít mạnh vào mỗi lỗ mũi và lặp lại vài lần cho đến khi bớt nghẹt mũi. Sau đó, rửa lại bằng nước sạch.

5. Hỉ mũi

Đè một lỗ mũi bằng ngón tay cái và xì mũi nhẹ nhàng lỗ còn lại. Điều này sẽ khiến các chất nhầy bị loại bỏ hết, giảm nghẹt mũi. Lặp lại động tác này vài lần cho đến khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

6. Kê gối cao

Khi ngủ, bạn hãy giữ mũi trên cao hơn tim mình vì trọng lực sẽ giúp mũi bạn rút hết nước nhầy, giúp giảm nghẹt mũi và cả tình trạng ợ nóng. Ngoài ra, chồng gối xung quanh cổ sẽ giúp cổ và cột sống của bạn được cân bằng tốt hơn.

7. Tập thể dục

Tập luyện khi mang thai với các bài tập nhẹ nhàng hoặc đi bộ cũng là một cách tốt để chữa nghẹt mũi cho bà bầu. Thế nhưng, bạn không nên tập thể dục ngoài trời vì các tác nhân gây ô nhiễm như khói bụi, mùi xăng xe… sẽ dễ làm cho tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên tập một vài bài tập tim mạch thường xuyên để hỗ trợ quá trình lưu thông máu và ngủ ngon hơn trong thai kỳ.

8. Tránh các chất kích thích

Khói thuốc lá, sơn, rượu và những thứ có mùi quá nồng sẽ dễ khiến bạn cảm thấy ngột ngạt hơn. Do đó, bạn nên cố gắng tránh xa những thứ này khi mang thai.

9. Uống nhiều nước

Uống đủ nước khi mang thai không chỉ giúp chữa nghẹt mũi cho bà bầu mà còn giúp đảm bảo sức khỏe cho bạn và thai nhi phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn không nên dùng những thức uống có chứa caffeine như trà hay cà phê trong thai kỳ.

10. Thoa thuốc mỡ

Viêm mũi sẽ khiến lỗ mũi bị khô và rát. Để duy trì độ ẩm cho vùng da này, hãy thoa một ít thuốc mỡ nhé.

11. Bổ sung vitamin C

Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamic C để phòng ngừa chảy máu mũi. Những thực phẩm chứa giàu vitamin C có thể kể đến như kiwi, cà chua, cam, ớt chuông… Để an tâm hơn, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng nhé.

12. Bấm huyệt

Bấm huyệt để trị nghẹt mũi không còn là một phương pháp quá mới. Dùng ngón tay cái ấn vào khu vực ở hai bên mũi khoảng năm phút. Bạn có thể ấn lần lượt từng bên hoặc ấn cùng một lúc. Với phương pháp này, chất nhầy ở mũi sẽ bị loại bỏ và không còn nghẹt mũi.

13. Giữ ấm chân

Bạn có thể thử mang vớ khi đi ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể thoa dầu gió vào chân trước khi mang vớ. Điều này sẽ giúp chân và cơ thể ấm áp hơn và giảm sưng mũi hiệu quả.

14. Dùng cây cải ngựa (Horseradish)

Cho một ít gia vị củ cải ngựa, giấm táo và một ít đường vào nước, khuấy đều. Uống hai muỗng canh hỗn hợp này mỗi ngày có thể giúp bạn cải thiện hệ miễn dịch và tăng cường sức đề kháng, từ đó ngăn ngừa tình trạng nghẹt mũi hiệu quả hơn.

15. Uống trà gừng

Gừng có tính chống viêm tự nhiên hiệu quả nên bạn có thể dùng một tách trà gừng thơm cay để chữa nghẹt mũi cho bà bầu. Bạn chỉ cần dùng gừng tươi xắt lát mỏng và thêm vào một chút mật ong để có được loại thức uống giảm nghẹt mũi hữu hiệu. Ly trà gừng mật ong có khả năng làm nóng các cơ quan đường hô hấp nên lập tức sẽ làm giảm tình trạng nghẹt mũi, khó thở.

16. Xịt thông mũi

Bạn có thể dễ dàng mua các loại xịt hoặc thuốc hít thông mũi ở các tiệm thuốc tây để giúp giảm viêm và thông thoáng đường thở hơn. Không những thế, các loại xịt hoặc thuốc hít này rất dễ dàng sử dụng và mang theo.

17. Tránh các chất gây dị ứng

Khói, phấn, bụi, khói và những dung dịch tẩy rửa có thể khiến các màng nhầy và các triệu chứng thêm nghiêm trọng. Vì vậy, bạn hãy tránh xa chúng nhé!

Một số loại thuốc chữa nghẹt mũi cho bà bầu

Bạn không được khuyên dùng thuốc khi mang thai, tuy nhiên đôi khi không thể không dùng nếu bạn rơi vào trường hợp bất khả kháng.

Đối với tình trạng nghẹt mũi, bạn có thể dùng thuốc xịt mũi. Loại thuốc này khá an toàn vì không phải là thuốc uống, do đó không thể đi vào cơ thể. Tuy nhiên hãy lưu ý rằng việc sử dụng thuốc xịt mũi không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, viêm mũi thai kỳ có thể do nồng độ histamine tăng lên khi mang thai. Đối với nguyên nhân này, thuốc kháng histamine sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng hiệu quả. Thuốc này cũng rất an toàn cho phụ nữ mang thai.

Bạn có thể đã nghe về nhiều loại thuốc giúp điều trị nghẹt mũi. Tuy nhiên, khi mang thai, bạn nên thận trọng trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc sau đây:

  • Afrin: Afrin thúc đẩy sự co mạch máu và niêm mạc, loại bỏ phù nề, giúp bạn thở dễ dàng. Nếu bạn thực hiện những phương pháp trên mà không hết thì mới dùng thuốc này. Quan trọng hơn, bạn chỉ nên dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc nhỏ mũi Otrivin (Xylometazoline): loại thuốc này không an toàn cho các bà mẹ đang mang thai. Do đó, bạn chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Đây là thuốc dùng để điều trị nghẹt mũi do cảm lạnh.
  • Vibrocil:Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống vibrocil vì những ảnh hưởng của thuốc vẫn chưa được xác định. Nó thường được chỉ định để điều trị nghẹt mũi thông thường.
  • Thuốc xịt mũi Sudafed:Phụ nữ mang thai không nên dùng Sudafed. Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ sẽ kê toa cho bạn thuốc này nếu tình trạng nghẹt mũi của bạn có liên quan đến viêm xoang.
  • Sinutab:Sinutab là thuốc xịt mũi dùng để điều trị nghẹt mũi và viêm xoang. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Thuốc xịt mũi phenylephrine hydrochloride:Bạn nên tránh dùng thuốc này để chữa nghẹt mũi cho bà bầu, đặc biệt là trong 13 tuần đầu của thai kỳ vì thuốc này có thể gây ra các dị tật cho bé. Mặc dù tỷ lệ này khá hiếm nhưng bạn nên cẩn thận, đặc biệt là với những phụ nữ hút thuốc.

Hy vọng rằng những cách chữa nghẹt mũi cho bà bầu trên có thể giúp bạn thoải mái hơn. Nếu không an tâm về tình trạng của bản thân, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách bạn nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây