Lái xe trong bùn lầy là một thách thức với nhiều người. Tuy nhiên, có một số cách bạn có thể áp dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cho xe. Hãy bắt đầu bằng cách trang bị lốp xe phù hợp và luôn giữ lốp xe có đủ áp suất. Kiểm tra độ sâu của bùn trước khi lái xe băng qua và duy trì tốc độ thấp và ổn định. Nếu có dấu hiệu trượt bánh thì hãy kiểm soát bằng cách bẻ lái theo cùng hướng với lốp trước. Đừng quên gọi dịch vụ cứu trợ khẩn cấp nếu cần thiết.
Bước 1: Lựa chọn lái xe an toàn
1. Kiểm tra độ sâu của bùn
Trước khi băng qua địa hình bùn lầy, nếu nhìn qua có vẻ sâu thì hãy ra khỏi xe và nhìn kỹ hơn. Lấy một cây gậy và kiểm tra độ sâu của bùn bằng cách nhấn cây gậy xuống. Hãy cố tìm các vật bị bùn che mất chẳng hạn như những hòn đá lớn vì chúng có thể gây tổn hại đến xe.
- Dù đi ra khỏi xe để kiểm tra địa hình sẽ khiến bạn bị bẩn nhưng động tác này sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và công sức về lâu dài. Hãy đảm bảo an toàn khi ra khỏi xe bằng cách kiểm tra giao thông và mối nguy có thể xảy đến ở môi trường xung quanh.
2. Cài chế độ kiểm soát độ bám đường
Nhiều mẫu xe mới trang bị chế độ kiểm soát độ bám đường tiêu chuẩn. Tính năng này có thể kích hoạt tự động khi bạn lái xe trong điều kiện xấu. Nếu không thì bạn phải kích hoạt bằng cách bấm nút. Nút này thường nằm ở bảng tablo. Hãy tìm hiểu sách hướng dẫn sử dụng của xe để biết thêm chi tiết.
- Tuy nhiên, chú ý rằng, kiểm soát độ bám có thể gây khó khăn cho xe khi phải thoát ra khỏi bùn lầy trong trường hợp bị mắc kẹt. Lúc đó, hãy vô hiệu hóa tính năng này và chỉ bật trở lại khi xe đã có thể di chuyển được.
3. Đổi sang dẫn động bốn bánh bán thời gian
Hãy xem trên cần gạt hoặc nút bấm trên bảng tablo. Bạn sẽ thấy một dãy các nhãn, bao gồm 2H. Khi bạn cần tăng thêm độ bám đường cho xe, hãy chuyển cần gạt hoặc nút bấm này sang 4H hoặc 4L. Chọn 4H sẽ giúp kích hoạt cả bốn cầu của xe. Tuy nhiên, nếu tình trạng đường xá thật sự tệ hại thì hãy chọn 4L. Chế độ này sẽ giúp lốp xe di chuyển chậm hơn nhưng có độ bám tốt hơn.
- Hãy chú ý rằng tất cả các mẫu xe trang bị dẫn động bốn bánh toàn thời gian sẽ không có chế độ 2H vì bốn lốp xe luôn được sử dụng.
- Một số hệ thống dẫn động bốn bánh bán thời gian có thể bị trục trặc nếu không được sử dụng trong thời gian dài. Hãy sử dụng hệ thống này hai tháng một lần kể cả khi đường chỉ ẩm ướt một chút.
4. Về số thấp hơn
Nếu bạn đang lái với chế độ dẫn động hai cầu thì hãy giảm số về số hai hoặc số ba. Tùy theo thiết kế của xe, thao tác này thường đòi hỏi bạn đẩy cần gạt về vị trí có số “2” hoặc “3”. Nó sẽ giúp bạn duy trì tốc độ ổn định trên những con đường bùn lầy, khó di chuyển. Chuyển lên số cao hơn khi bạn đã ra đến đường có địa hình bằng phẳng hơn để giảm áp lực cho động cơ và bánh xe.
5. Dùng lực nhẹ nhàng lên chân ga và chân phanh
Hãy cố đi càng xa càng tốt với tốc độ chậm và vừa phải. Nếu bạn cần nhấn chân ga, hãy làm thật chậm để tránh làm bánh xe xoay vòng. Ngoài ra, hãy cẩn thận vì nếu bạn nhấn phanh quá mạnh, xe có thể bị trượt bánh.
- Tránh thay đổi tốc độ đột ngột, cho bánh xe một khoảng thời gian để thích nghi với địa hình và đảm bảo có độ bám tốt.
6. Tránh các rãnh sâu
Mục tiêu cần đặt ra là di chuyển lốp xe tới những phần đường chưa được đi qua hoặc ở những phần rãnh cao nhất có thể. Nếu không, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi xuống rãnh thấp hơn/sâu hơn hoặc thậm chí là mắc kẹt giữa các rãnh. Đây là một bước đặc biệt quan trọng cần chú ý nếu bạn lái xe trên một con đường thường có các xe kích cỡ lớn đi qua, chẳng hạn như bán tải.
- Sẽ rất tốt nếu bạn biết khoảng sáng gầm của xe bạn là bao nhiêu. Thông tin này sẽ giúp bạn biết rõ hơn làm thế nào để xử lý các rãnh hay các đoạn bùn lầy sâu.
7. Khắc phục trượt bánh trước
Nếu xe bạn tiếp tục đi thẳng hoặc đi sang một bên dù bạn xoay vô lăng bao nhiêu thì chứng tỏ bạn đang bị trượt bánh. Hãy nhả chân ga và đợi xe giảm tốc độ. Trong khi xe giảm tốc độ, hãy đợi bánh trước lấy lại kiểm soát. Sau đó, xoay vô lăng theo cùng hướng với bánh trước. Nó sẽ giúp bạn lấy lại kiểm soát đối với xe.
- Hãy cố không giẫm phanh khi bắt đầu trượt bánh. Nó chỉ khiến bạn càng mất kiểm soát nhanh hơn thôi.
- Những phần băng tuyết ẩn dưới bùn có thể là nguyên do khiến bạn trượt bánh. Đó là lý do vì sao bạn cần thực hiện thao tác trên để lấy lại kiểm soát trên các chặng đường băng tuyết.
8. Kiểm tra xe để phát hiện hư hại
Sau khi quay trở lại mặt đường khô ráo, hãy tấp vào một vị trí an toàn và xuống xe đi vòng quanh tìm xem có vấn đề nào không. Kiểm tra gầm xe để đảm bảo các bộ phận không bị hư hại gì. Dành thời gian lau các vết bùn trên gương bên và cửa sổ bên.
- Khi đi ra khỏi bùn lầy, hãy lái xe chậm rãi để các mảng bùn có thể rơi ra khỏi lốp xe.
Bước 2: Đưa xe ra khỏi tình trạng mắc kẹt
1. Bật đèn cảnh báo
Nếu bạn bị mắc kẹt, hãy gây chú ý với những phương tiện khác bằng cách bật công tắc để kích hoạt đèn cảnh báo. Nếu bạn có pháo sáng hoặc các loại đèn lóe sáng thì hãy kích hoạt và đặt ở ngoài xe.
2. Trông chừng các phương tiện đang tới
Trước khi ra khỏi xe, hãy kiểm tra gương để xem liệu có xe nào đang tới gần không. Hãy đi thật chậm nếu bạn quyết định đi xe ra khỏi đó để không bị sa lầy. Nếu tình trạng quá nguy hiểm thì hãy ở yên trong xe và gọi cứu hộ khẩn cấp.
3. Cố đưa xe ra
Quay vô lăng để lốp xe hướng thẳng về phía trước. Nhấn một lượng nhỏ áp lực lên chân ga và chuyển số giữa tiến và lùi. Hãy dừng mọi thao tác lại nếu bạn thấy lốp xe xoay liên tục. Xoay vô lăng để điều chỉnh lốp xe đúng góc và thử lại.
- Với những xe hộp số sàn, thao tác này hiệu quả nhất khi cài số cao nhất. Với hộp số tự động, hãy chọn số thấp nhất có thể.
4. Giảm áp suất lốp xe
Nếu bạn mắc kẹt ở bùn, hãy tới từng lốp xe và xì một ít hơi ra bằng cách tháo van. Đợi đến khi bạn nghe thấy một ít khí thoát ra ngoài, hãy kiểm tra lại áp suất. Nó sẽ giúp bạn có thêm độ bám bề mặt. Hãy đảm bảo bơm thêm cho lốp sau khi đã trở lại mặt đường cứng.
5. Dùng cát làm bề mặt
Trước mỗi mùa bùn, hãy dự trữ trong xe một túi cát hoặc một hộp nhỏ loại cát vệ sinh dành cho mèo cũng được. Nếu bạn bị mắc kẹt, hãy rải cát quanh lốp xe để tăng độ bám.
6. Đặt thảm ở dưới lốp
Nếu bạn bị mắc kẹt, hãy đổi sang chế độ đỗ xe. Lấy thảm xe ra khỏi xe và đặt mỗi tấm thảm xuống dưới mỗi lốp xe. Để tấm thảm chỉ tiếp xúc rất ít với lốp, phần còn lại hướng về phía trước. Nó sẽ giúp xe có một bề mặt cứng để bám vào. Sau khi xe đến mặt đường cứng thì hãy quay lại để lấy thảm về.
- Thay vì thảm, bạn cũng có thể sử dụng hai đến bốn mảnh bìa giấy cũng được.
7. Đào bằng xẻng
Hãy để một chiếc xẻng gấp được ở phía sau xe. Khi bạn bị kẹt, hãy dùng xẻng này để đào xung quanh lốp. Nếu bạn có thể loại bỏ đủ độ ẩm ướt xung quanh thì lốp xe có thể bám tốt hơn vào bề mặt khô.
- Néu bạn không có xẻng, hãy tìm những vật dụng trong xe có thể thay thế. Chẳng hạn, một miếng bọc lốp dự phòng cũng có thể được sử dụng để đào đất.
Bước 3: Dự đoán điều kiện bùn lầy
1. Tránh vùng có khả năng nhiều bùn
Một con đường thường gặp vấn đề thoát nước có thể rất nhanh xuống cấp. Hãy đặc biệt cẩn thận với những khu vực vừa gặp mưa hay tuyết lớn gần đây. Trước khi bạn lái xe, đặc biệt ở những địa điểm không quen thuộc, bạn nên tham khảo thông tin thời tiết trên điện thoại để xem điều kiện lái có chịu ảnh hưởng mưa hay tuyết không.
2. Chọn lốp xe phù hợp
Nếu bạn biết mình sẽ phải lái xe ở điều kiện địa hình xấu thì hãy đổi từ loại lốp dành cho mọi địa hình sang loại lốp cho tuyết hoặc bùn. Lốp cho bùn có rãnh sâu hơn và độ bám tốt hơn, từ đó có thể giảm nguy cơ bị sa lầy. Những lốp này sẽ tạo tiếng động lớn hơn khi chạy trên cao tốc, ngược với loại lốp mọi địa hình, nhưng rất đáng đánh đổi trong mùa bùn lầy.
- Khi mua lốp cho bùn, hãy đảm bảo chọn loại lốp hiệu quả trên mặt đường ẩm ướt nữa. Do rãnh sâu, một số lốp cho bùn thường bị mất độ bám trên bề mặt trơn, ướt.
3. Duy trì áp suất phù hợp cho lốp
Hãy tìm hiểu hướng dẫn sử dụng hoặc thông tin trên panel cửa lái về áp suất lốp xe phù hợp. Duy trì áp suất ở mức này hoặc chỉ thấp hơn một chút để tăng độ bám của lốp. Lời khuyên là bạn hãy nên kiểm tra áp suất lốp xe trong định kỳ bảo dưỡng mỗi tháng một lần.
4. Mang các vật dụng an toàn và dụng cụ hỗ trợ độ bám bên mình
Trước mỗi mùa mưa hay bùn lầy, hãy kiểm tra hộp dụng cụ của xe. Đảm bảo bạn có đèn pin, pháo sáng và chăn ấm. Để xoay sở trong tình hình bùn lầy, bạn cũng sẽ cần đai kéo và pa lăng. Pa lăng có thể đi kèm trong bộ dụng cụ thay lốp.
5. Học lái xe
Một số trường dạy lái mở các lớp chuyên học cách lái xe trên địa hình gồ ghề hoặc điều kiện thời tiết xấu. Hãy tìm một trường gần bạn bằng cách gõ “trường dạy lái off-road” hoặc “trường dạy lái an toàn” và vị trí của bạn lên công cụ tìm kiếm.
- Chẳng hạn, một số trường dạy cách lắp đai kéo đúng cách và cách sử dụng các phương pháp hỗ trợ khác.