Đau mắt đỏ dễ bùng phát khi trẻ đến trường

0
2126

“Trường học là môi trường có sự tương tác lớn, rất dễ lây lan bệnh đau mắt đỏ. Do đó, khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên cho con nghỉ học để điều trị dứt điểm bệnh, tránh đến lớp lây sang các trẻ khác. Bên cạnh đó, cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay, tra nước muối rửa mắt, sát trùng các vật dụng hay sử dụng chung tại lớp học… là việc làm cần thiết để phòng chống bệnh đau mắt đỏ lây lan trong nhà trường”, ThS.BS Trần Khánh Sâm, Phó Trưởng khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) khuyến cáo về dịch bệnh này khi sắp đến mùa tựu trường.

Đau mắt đỏ dễ bùng phát khi trẻ đến trường

Số ca nhiễm bệnh tăng đáng kể

Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, mới khoảng đầu tháng 8, song tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã có khá đông bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Số liệu thống kê tại đây cho thấy, tuần vừa qua (8/8 -12/8) lượng người bị đau mắt đỏ đến khám tăng cao hơn so với thời điểm trước đó. Cụ thể, ngày “cao điểm”, có 349 bệnh nhân bị đau mắt đỏ trên tổng số 2.124 bệnh nhân tới khám (chiếm 16%). Các ngày còn lại, bệnh nhân đau mắt đỏ cũng chiếm khoảng 11-12% tổng số bệnh nhân đến khám của toàn bệnh viện.

Trẻ em dễ bị đau mắt đỏ 

Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Trần Khánh Sâm cho biết, khoảng 1-2 tuần trở lại đây, số lượng người bị đau mắt đỏ đến viện tăng đáng kể. Trong số những người mắc bệnh, đa phần là những người đã bị đau mắt đỏ vài ngày, khi xuất hiện những biến chứng mới nhập viện để được điều trị. Ví dụ, trường hợp của hai anh em Đỗ Tùng L (6 tuổi) và Đỗ Anh V (4 tuổi, trú tại tỉnh Sơn La) cùng bị đau mắt đỏ, trong đó, người anh đã bị biến chứng. Theo BS Trần Khánh Sâm, người anh Đỗ Tùng L là người bị bệnh trước và đã được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh nhưng vẫn chưa khỏi. Dù điều trị kéo dài nhưng mắt của cháu đã có dấu hiệu bị viêm giác mạc, thị lực bị mờ, mắt phải chỉ còn 3/10, mắt trái là 9/10. Bên cạnh đó, trong mắt vẫn còn rất đỏ và có nhiều gỉ xung quanh mắt. Còn trường hợp của cháu V bị đau mắt đỏ là do lây từ anh. Cháu V mới bị đau mắt đỏ khoảng 3 ngày nên tình trạng chưa nghiêm trọng, chỉ cần tra thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ là sẽ khỏi.

Đau mắt đỏ do virut chưa có thuốc đặc trị

BS Trần Khánh Sâm cho biết, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp thường diễn ra khi thời tiết có sự thay đổi, nhất là thời điểm giao mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ chủ yếu do hai nhóm là virus (chủ yếu là Adenovirus) và vi khuẩn. Riêng đối với Việt Nam và các nước mang khí hậu nhiệt đới, virus chiếm tới 70 – 80%, còn lại số ít là do vi khuẩn. Khi nhóm virus này tấn công nhiều sẽ gây ra dịch đau mắt đỏ, còn bệnh do vi khuẩn chỉ xuất hiện rải rác, ít khi gây thành dịch.

Dấu hiệu ban đầu của bệnh đau mắt đỏ

Theo BS Trần Khánh Sâm, bệnh đau mắt đỏ có các dấu hiệu ban đầu như toàn thân mệt mỏi. Đối với trẻ em, có thể bị viêm họng hoặc bị tiêu chảy. Riêng ở phần mắt, xuất hiện nhiều gỉ mắt, hay chảy nước mắt hoặc có cảm giác sợ ánh sáng, sau đó, mắt sẽ ngày càng đỏ dần lên gây cộm, vướng trong mắt. “Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tất cả những loại thuốc mà bác sĩ dùng như kháng sinh, nước rửa mắt nhân tạo hoặc thuốc chống viêm để giảm bớt viêm, phù nề cũng chỉ là điều trị triệu chứng hoặc phòng chống bội nhiễm, tức là không để cho bệnh quá nặng lên, không phải thuốc đặc hiệu điều trị bệnh đau mắt đỏ”, BS Trần Khánh Sâm cho biết.

Không nên tự ý điều trị bệnh tại nhà

Trong quá trình điều trị bệnh đau mắt đỏ, BS Trần Khánh Sâm lưu ý, người bệnh không nên “sốt ruột”, muốn bệnh khỏi nhanh mà tự ý đi mua các loại thuốc kháng sinh liều mạnh để tra mắt hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng. Việc làm này đôi khi sẽ “phản tác dụng” làm bệnh ngày càng trầm trọng thêm. Việc tự ý mua thuốc về dùng sẽ gây hại khi mua phải những thuốc không đúng chỉ định. Chẳng hạn, nếu người bệnh mua phải các loại thuốc có thành phần là corticoid (thuốc chống viêm) và tra không đúng liều lượng sẽ khiến mắt bị tổn thương, có nguy cơ bị đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Không nên tự ý chữa bênh đau mắt đỏ 

Ngoài ra, việc đắp các loại lá hay thậm chí là động vật sống như nhái bén trực tiếp lên mắt sẽ khiến mắt có nguy cơ bị viêm nhiễm như loét kết mạc, loét mi hay thậm chí viêm giác mạc, làm cho việc điều trị kéo dài dai dẳng hơn. Bên cạnh đó, với những người bị viêm giác mạc, bệnh rất dễ bị tái phát và đôi khi gây ảnh hưởng đến thị lực như mắt bị mờ hẳn đi, gây khó khăn cho việc điều trị dứt điểm bệnh.

Mặt khác, theo BS Trần Khánh Sâm, trong một số trường hợp bệnh nhân bị đau mắt đỏ, ngoài cảm giác cộm và vướng trong mắt, còn xuất hiện tình trạng sốt, mệt mỏi, đau hoặc nổi hạch trên người. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh đau mắt đỏ, các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân nên bổ sung dưỡng chất, nhất là các vitamin cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, giảm bớt áp lực công việc, giữ tinh thần thoải mái, tránh nơi có khói bụi, nhiệt lớn… cũng sẽ giúp bệnh tiến triển tốt hơn.

Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm

Về thắc mắc: “Nhìn vào mắt người bị bệnh đau mắt đỏ sẽ bị lây bệnh?”, BS Trần Khánh Sâm giải thích: “Nhìn vào mắt người bị bệnh sẽ không bị lây bệnh. Đau mắt đỏ chủ yếu lây qua các con đường như qua nước bọt trong hơi thở. Bệnh lây khi người bệnh phát tán các dịch gỉ viêm của mắt vào các dụng cụ, đồ đạc trong nhà, nhất là khăn mặt và qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh ở cự ly gần như mẹ bế con…”.

Địa điểm công cộng là nơi lý tưởng cho dịch bùng phát 

Do vậy, để tránh gây hại cho mắt, BS Trần Khánh Sâm khuyến cáo, người dân không nên tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ tại nhà. Tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng xung quanh. Ngoài ra, trước thềm mùa tựu trường năm học mới, trường học là môi trường có tương tác lớn, rất dễ lây lan bệnh đau mắt đỏ. Do đó, khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên cho con nghỉ học để điều trị dứt điểm bệnh, tránh đến lớp lây sang các trẻ khác. Bên cạnh đó, cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng hay sử dụng chung tại các lớp học là việc làm cần thiết để phòng chống bệnh đau mắt đỏ lây lan trong nhà trường.

Khuyến cáo phòng chống đau mắt đỏ

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện những biện pháp sau:

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân, như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

– Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

– Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

– Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây