Loại phương tiện “khủng” container khi có va chạm rất dễ bị lật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho những người tham gia giao thông gần chiếc xe. Liệu đã có ai tự đặt ra vấn đề vì sao xe container lại dễ bị lật như vậy hay chưa?
Theo ghi nhận của Oto.com.vn, hầu hết các vụ va chạm liên quan đến xe container đều bị lật đổ, để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Hơn nữa, đây cũng là loại phương tiện có tỷ lệ bị lật đổ nhiều nhất so với các dòng xe hơi phổ thông hoặc xe tải cỡ nhỏ. Vì sao vậy?
1. Nguyên nhân chủ quan
Nói theo cách chủ quan thì nguyên nhân khiến cho xe container dễ bị lật là do tài xế chạy xe rất nhanh, ẩu, khi gặp phải đoạn cua gấp sẽ khiến xe không giữ được trạng thái cân bằng. Hơn nữa, khi phanh xe đột ngột cũng khiến cho thùng container bị lật đổ. Và ý thức của người lái cũng chính sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng trong việc cấp bằng FC cho họ cũng góp phần vào các hệ luỵ xấu xảy ra.
2. Nguyên nhân khách quan
Các loại xe container, xe đầu kéo, sơ mi rơ mooc có kích thước chiều dài rất lớn, thường từ 12-15m. Trong khi đó, kích thước chiều rộng của xe lại rất ngắn, xe rơ mooc và thùng container rộng 2,43 m nhưng cũng đủ chiếm nhiều diện tích mặt đường. Bên cạnh đó là chiều cao của loại xe này từ 4-4,5 m, cao hơn các xe tải chừng nửa mét nên độ thằng bằng khi di chuyển rất thấp. Chưa kể đến trong thùng xe container thường được chất đầy hàng khiến trọng tâm cao càng tăng nguy cơ bị lật xe.
Các kĩ sư của hãng Hyundai cho biết, đầu kéo đối với sơ mi rơ mooc quay mâm xoay nên sự kết nối không cứng và quán tính khi phanh của xe rơ mooc thường lớn hơn đầu kéo, nhất là khi xe chở hàng nặng. Do đó, lựa quán tính luôn đẩy dồn về phía trước đầu xe, khi phanh sẽ xảy ra tình trạng đầu và sơ mi bị xoáy, vặn dễ dẫn đến lật đầu xe hoặc thùng container. Hơn nữa, xe chạy với tốc độ cao khi đi qua các khúc cua cũng có khả năng lật xe rất cao vì chiều dài của đầu và đuôi xe quá lớn.
Một nguyên nhân khác là không ít tài xế cẩu thả trong việc sử dụng hai đầu gù giữ ở hai góc chéo trước và sau trong khi quy định yêu cầu phải sử dụng cả 4 đầu gù giữ ở cả bốn góc. Vì thế đã có rất nhiều thùng container bị lật xuống lòng đường khi xe chạy qua ổ gà hay khúc cua. Còn nguồn cơn của các sự cố xuất phát từ sự cố nổ lốp hay bóng hơi bên bị đèn khiến xe lật chỉ chiếm 1% trong số các vụ tai nạn.
Cuối cùng là nguyên nhân rất đáng cảnh báo về tình trạng đóng sơ mi rơ mooc không phép, không qua đăng kiểm. Cụ thể là các cơ sở được sản xuất “chui” thường sử dụng lại hệ thống phanh của xe tải cũ nên không thể đồng bộ với phanh của đầu kéo, rất mất an toàn. Các chủ cơ sở đóng chui này thường chỉ chạy đến các doanh nghiệp có giấy phép để xin “hợp đồng gia công” khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra. Điều này cho thấy sự quản lý của Cục Đăng kiểm đối với những chiếc container, xe tải cỡ lớn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này vẫn còn rất lỏng lẻo hoặc có kẽ hở nào đó.