Những bài học về đầu tư từ thể dục thể hình

0
2762

Nếu bạn là người thường xuyên đến phòng tập thể hình, bạn sẽ hiểu rõ lợi ích của thói quen luyện tập không chỉ dừng lại ở việc cải thiện thể lực và vóc dáng.

Cũng tương tự như thế, nếu chịu khó quan sát và suy ngẫm một chút, bạn sẽ nhận ra được những bài học về đầu tư hết sức hữu ích từ việc tập thể dục thẩm mĩ.

1. Việc nào ra việc nấy

Có rất nhiều người đến phòng tập đơn giản chỉ vì họ muốn trở nên khỏe mạnh và có một thân hình cân đối, săn chắc hơn. Thế nhưng, cũng không ít người tới đây với mục đích giao lưu, kết bạn nhiều hơn là tập tành.

Đầu tư không hẳn là một hoạt động xã hội, nhưng đôi khi mục tiêu ban đầu của nó bị người ta biến tướng đi rất nhiều. Bạn đã bao giờ đầu tư vào một thứ gì đó chỉ vì bạn bè hoặc những người xung quanh bạn làm như vậy hay chưa? Có phải bạn làm như vậy vì không muốn mình trở nên lạc hậu, chậm tiến hay không? Hoặc, đã bao giờ bạn “dễ dãi” với các khoản vay của bạn bè chưa?

Mỗi người trong chúng ta đều đã một lần mắc phải một trong những sai lầm trên – ít nhất chúng là những sai lầm xét trên phương diện tài chính. Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân về những mục tiêu mà bạn muốn đạt tới trước mỗi quyết định đầu tư. Đừng để cho tình cảm lấn át lý trí trong chuyện tiền bạc.

2. Không “đẽo cày giữa đường”

Có thể bạn đã từng gặp tình huống này – bạn được người A tư vấn về một phương pháp đẩy tạ, sau đó người B lại hướng dẫn bạn theo một cách hoàn toàn khác. Vậy bạn biết phải nghe theo ai bây giờ?

Tất nhiên, mỗi người có một quan niệm khác nhau về vẻ đẹp hình thể, cũng như phương pháp luyện tập sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như bạn muốn có một thể lực dẻo dai, một vóc dáng chuẩn mực, thay vì làm theo những mẹo truyền miệng của người này hay người khác, cách duy nhất là nhớ quy tắc cơ bản về năng lượng nạp vào cũng như năng lượng tiêu hao mỗi ngày. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Những vấn đề liên quan tới tiền bạc cũng vậy cả thôi. Để có thể tích lũy một khối tài sản tương đối cho bản thân, bạn cần biết cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư có hiệu quả. Dĩ nhiên, học hỏi kinh nghiệm của những người khác là cần thiết, nhưng việc đó tương đối dễ dàng, và thiếu hiếu biết chưa bao giờ là trở ngại lớn ngăn cản người ta đến với thành công. “Kẻ thù” nguy hại nhất với mỗi nhà đầu tư chính là sự hấp tấp, nóng vội, muốn “đi tắt đón đường” thay vì kiên nhẫn, bền bỉ, bước từng bước chắc chắn. Do đó, đừng bao giờ để những người xung quanh khiến bạn phải dao động trong mỗi quyết định của mình.

3. Bạn có thể tự mình làm mọi thứ

Có những người cần phải đến phòng tập hoặc chỉ có thể tập luyện được dưới sự giám sát của các huấn luyện viên. Trên thực tế, điều này không thực sự cần thiết. Cái quan trọng là bạn phải giữ được kỉ luật nhất định với bản thân trong quá trình luyện tập. Nếu có thể tự nghiêm khắc với bản thân, bạn nên tự tập ở nhà, như vậy sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian đi lại từ nhà đến phòng tập và ngược lại.

Tương tự, bạn cũng không nhất thiết phải thuê cho mình một nhà tư vấn tài chính cá nhân, khi mà bạn có thể tự tay làm tất cả mọi việc cũng như biết hài lòng với kết quả mình đạt được.

4. Có một chiến lược chặt chẽ

Một số người tin rằng đến phòng tập sẽ giúp họ giảm béo nhanh chóng. Họ lao vào tập tành ngày đêm mà quên đi rằng chế độ ăn uống cũng vô cùng quan trọng. Đối với việc đầu tư cũng vậy. Giả sử, mục tiêu dài hạn của bạn là tiết kiệm hưu trí. Đây là một mục tiêu đòi hỏi chiến lược đầu tư dài hơi, vì vậy, nếu như bạn liều lĩnh, chấp nhận “đặt cược” với quá nhiều rủi ro nhằm đổi lại mức sinh lời lớn, bạn sẽ khó mà đạt tới cái đich mà mình mong muốn.

5. Biết cách sử dụng những công cụ trong tay

Không gì tệ hơn một người nghiệp dư “nghịch ngợm” những dụng cụ tập luyện một cách vô ý thức. Họ không chỉ đe dọa đến sự an toàn của bản thân mà còn cả của những người xung quanh nữa.

Khi đưa ra những quyết định đầu tư, hẳn bạn phải biết rõ mình đang làm gì, và trong tay bạn có những công cụ tài chính nào chứ? Những khoản đầu tư dài hạn như quỹ tương hỗ hay ETF đòi hỏi một chiến lược khác với cổ phần chứng khoán. Tùy thuộc vào mục tiêu cũng như kế hoạch đầu tư mà bạn cần lựa chọn cho mình những công cụ thích hợp.

6. Hãy biết kiên nhẫn

Hàng năm trời tập luyện cũng chưa chắc đem đến cho bạn một hình thể ưng ý. Sẽ phải mất một thời gian dài trước khi bạn kịp nhận ra những thay đổi rõ rệt trên cơ thể mình. Điều này khiến cho rất nhiều người mất hết kiên nhẫn để có thể theo đuổi việc tập luyện.

Cũng không ít người dễ mất bình tĩnh trong quá trình đầu tư. Đây là tật xấu hết sức nguy hiểm, bởi nó dễ khiến con người ta lao theo những khoản đầu tư rủi ro cao nhưng có khả năng sinh lời lớn trong ngắn hạn. Tất nhiên, không phải lúc nào đầu cơ cũng là xấu, nhưng về dài hạn, nó có thể dẫn đến những “thảm họa” khôn lường.

7. Đừng kỳ vọng quá cao xa

Không phải ngày nào bạn cũng sẵn sàng cho những bài tập với cường độ căng thẳng. Có những ngày, bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, và chỉ có thể hoàn thành một vài động tác khởi động. Điều này là hết sức bình thường.

Đôi khi, bạn cũng đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm. Điều này là khó tránh khỏi, bởi bạn sẽ phải đưa ra những dự báo về một tương lai mà bạn hoàn toàn mơ hồ. Bạn phải hiểu rằng không có chiến lược đầu tư nào là hoàn hảo. Thế nhưng, bạn vẫn cần phải chọn một chiến lược cho riêng mình, cho dù nó có thiếu sót đi chăng nữa. Sẽ có khi bạn phải thất vọng vì nó, nhưng dù sao đi nữa, một khi bạn đã quyết định chọn nó, bạn cần phải “sống chết” với chiến lược của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây