Kỹ năng mềm: Chìa khoá để thành công trong sự nghiệp

0
3126

Các trường đại học chủ động đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo để đáp ứng đòi hòi ngày càng cao của thị trường lao động, bởi sinh viên có bằng cấp như nhau, nhưng những cá nhân nào vượt trội về kỹ năng giao tiếp, tôn trọng tinh thần làm việc nhóm, bài bản trong cách phối hợp công việc liên bộ phận… thì thường thăng tiến nhanh và luôn nhận được sự tín nhiệm của cấp trên.

Kỹ năng mềm tác động đến sự thành đạt

Kỹ năng mềm (soft skills) là một dạng trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence Quotient – EQ), thường dùng để chỉ hành vi ứng xử của con người trong một tình huống giao tiếp nào đó, từ đó thể hiện cách sống, cách tích lũy kinh nghiệm sống của mỗi người. Kỹ năng mềm thường bao gồm các đặc điểm, tính cách, thói quen, thái độ giao tiếp, cách làm việc hay cách thức tương tác với mọi người xung quanh.

Theo số liệu khảo sát về việc làm tại Mỹ, đa số người thành đạt chỉ có 25% được quyết định bởi kiến thức chuyên môn, 75% còn lại phụ thuộc vào kỹ năng mềm được trang bị từ công việc và cuộc sống hằng ngày. Một trong những minh chứng rõ ràng cho kết luận này đó chính là Bill Gates – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, người luôn dẫn đầu danh sách người giàu nhất thế giới. Ngoài tài kinh doanh bậc thầy, ông còn là nhà lãnh đạo xuất sắc về khả năng quản lý và kỹ năng thuyết trình – hai thuộc tính dễ thấy trong danh sách các kỹ năng mềm cần thiết. Một trong những tiêu chí mà Bill Gates áp dụng để vận hành Microsoft đó là đem lại cho nhân viên cảm giác: “Nơi làm việc là nhà của bạn”.

Nói cách khác, ông luôn tạo những không gian mở, những khoảng trống trong quản lý, đào tạo, lắng nghe và để nhân viên tự do phát huy sự sáng tạo. Đây chính là kỹ năng quản lý và khích lệ nhân viên. Câu chuyện về cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng là một trong những minh họa điển hình cho khả năng sử dụng tuyệt vời kỹ năng mềm. Không chỉ ghi dấu qua những bài thuyết trình trước đám đông, khả năng đem lại hiệu ứng mạnh mẽ qua tài diễn thuyết, ông Obama đã gây được nhiều ấn tượng tốt thân tình, cởi mở với Việt Nam trong chuyến đi thăm đất nước chúng ta năm 2016.

Đào tạo kỹ năng mềm như thế nào?

Kỹ năng mềm không phải chỉ có được từ “tài năng thiên phú” mà hoàn toàn có thể đào tạo được. Các kỹ năng mềm gồm nhiều kỹ năng như thuyết trình, lắng nghe, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, làm việc đồng đội, đàm phán, tổ chức công việc… Trong một lần thăm lớp dạy về kỹ năng mềm, chúng tôi gặp cô Nguyễn Bảo Thanh Nghi – Giám đốc Chương trình giáo dục tổng quát tại Đại học Hoa Sen. Cô Thanh Nghi chia sẻ: “Đại học Hoa Sen là một trong những trường đưa đào tạo kỹ năng mềm vào chính khóa. Chúng tôi đào tạo các em kỹ năng đọc, nghe, thuyết trình, làm việc nhóm và thuyết phục người khác. Lớp học rất vui với nhiều bài thực hành tình huống thú vị. Đây cũng chính là bí quyết của trường chúng tôi trong việc luôn bảo đảm sinh viên Hoa Sen ra trường có việc làm ngay trên 90%”.

Em Nguyễn Thị Bảo Yến – sinh viên ngành Marketing, Đại học Hoa Sen – tâm sự: “Em rất thích chương trình đào tạo kỹ năng mềm của Đại học Hoa Sen. Chương trình giúp em tự tin giao tiếp, hiểu người khác, có thể thuyết phục người khác, cùng sống và phối hợp làm việc chung một cách hiệu quả”.

Ngày nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu chú trọng đến kỹ năng này khi chọn lựa ứng viên. Đại đa số đều cho rằng, với cùng một xuất phát điểm là bằng cấp như nhau, nhưng những cá nhân nào vượt trội về kỹ năng giao tiếp, luôn tôn trọng tinh thần làm việc nhóm, thuần thục kỹ năng thuyết trình, bình tĩnh trong xử lý tình huống, bài bản trong cách phối hợp công việc liên bộ phận… thì thường thăng tiến nhanh và luôn nhận được sự tín nhiệm của cấp trên. Đây chính là điều các bạn trẻ mới ra trường cần lưu ý khi mong muốn gây dựng sự nghiệp lâu dài với một đơn vị, tổ chức nhất định.

Theo Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Sean Hawitt thì 9 kỹ năng mềm cơ bản bạn cần “bỏ túi” là: (1) Có ý chí chiến thắng, có quan điểm lạc quan; (2) Có tinh thần đồng đội, hòa đồng với tập thể; (3) Giao tiếp hiệu quả; (4) Tự tin; (5) Mài giũa kỹ năng sáng tạo; (6) Chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình; (7) Thúc đẩy bản thân và dẫn dắt người khác; (8) Đa nhiệm vụ và xác định trước những việc cần làmp; (9) Có cái nhìn tổng quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây