Kinh nghiệm mua ô tô cũ – Kỳ 2: Nổ máy và đi thử xe

0
3021

Sau khi đã kiểm tra kỹ càng chiếc xe ở trạng thái tĩnh, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là có mua hay không, hãy nổ máy và đi thử.

15.  Nổ máy kiểm tra

Tra chìa khóa vào ổ, bật sang nút “on” mà chưa đề máy (start/Ignition). Ngay khi bật sang on, bảng đồng hồ sẽ sáng lên và hiển thị một loạt các đèn cảnh báo. Tùy vào trang bị của chiếc xe mà số lượng đèn cảnh báo sẽ khác nhau ở mỗi dòng xe, nhưng ngày nay các loại đèn báo gần như luôn luôn và
bắt buộc có bao gồm đèn cảnh báo sự cố về động cơ (check engine) , đèn cảnh báo tình trạng dầu bôi trơn 
, đèn cảnh báo tình trạng nạp ắc qui 
, đèn cảnh báo hệ thống phanh
và hệ thống ABS
, đèn cảnh báo tình trạng nước làm mát 
… Sau khi bật chìa khóa sang chế độ “on”, các đèn này chỉ sáng lên trong một thời gian ngắn rồi tắt, cho thấy các hệ thống liên quan hoạt động bình thường. Nếu có bất cứ đèn nào vẫn tiếp tục sáng hoặc chớp nháy, thì có nghĩa là hệ thống tương ứng đang có sự cố, trừ các loại đèn mang tính chất
thông báo như đèn seat belt (thông báo chưa cài đai)
, thông báo chưa đóng cửa

Cài phanh tay, gạt cần số về P hoặc N và khởi động máy. Thời gian khởi động lý tưởng là nên dưới 2 giây, cùng lắm là 3 giây, kể cả trong điều kiện thời tiết lạnh và máy nguội, trừ khi bạn đang định mua một chiếc xe đã quá cũ với giá rất rẻ. Khởi động lần đầu tiên không được thì chỉ chấp nhận đến lần thứ 2, tối đa là 3. Hãy cân nhắc kỹ đối với những chiếc xe còn khá mới nhưng lại kém nhạy nổ, chỉ có thể chấp nhận điều này nếu bạn đang cố gắng khởi động một chiếc xe đã lâu không sử dụng khiến ắc qui yếu, và trong thời tiết mùa đông miền Bắc.

Khi đã khởi động xe, ở trong khoang lái, hãy thử vận hành và điều chỉnh tất cả các hệ thống, từ điều hòa, quạt gió, các khe gió điều hòa, cho đến radio/CD, thử chỉnh trụ lái, thay đổi vị trí ghế (điện hoặc bằng tay), nâng hạ tất cả các kính cửa (bằng điện hoặc quay tay) nhiều lần, điều chỉnh gương chiếu hậu (bằng điện hoặc tay), bật tắt các loại đèn, cần gạt nước, thử còi. Các hệ thống này tốt nhất là phải làm việc trơn tru và chính xác. Thử đánh hết lái vô lăng qua trái rồi qua phải nhiều lần. Vô lăng phải đảm bảo đều, nhẹ, không có tiếng động lạ trừ tiếng lốp miết trên mặt sàn khi đứng yên.

Để nguyên máy nổ, ra khỏi xe và quan sát, lắng nghe khoang máy. Chạy qua 5-7 cấp pu-li nhưng đai truyền động từ trục khuỷu nếu còn tốt và các pu-li không bị rơ thì sẽ vận hành khá mượt mà và êm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là những tiếng động bên trong động cơ. Một thợ máy giỏi và giàu kinh nghiệm thì chỉ cần nghe tiếng máy qua một chiếc tua-vít dài chống lên các vị trí khác nhau trên động cơ, người ta có thể đoán được khá chính xác tình trạng của động cơ. Với một động cơ đã cũ, do mài mòn, khe hở giữa các chi tiết cơ khí gia tăng có thể tạo ra nhiều tiếng động từ 3 cụm chi tiết gồm xu-páp-con đội-trục cam (tiếng động phát ra từ cụm này nghe rõ nhất ở chế động không tải), cụm piston-chốt piston-xéc măng-xi lanh, cụm trục khuỷu-thanh truyền-bạc và các gối đỡ. Đây là các chi tiết chuyển động chính của một động cơ đốt trong, dấu hiệu của một sự rệu rã là những tiếng gõ khá
rõ. Còn không, một động cơ tốt sẽ nổ đều đặn, nhẹ nhàng, ít rung và không có tiếng động lạ. Ngoài ra, động cơ còn có thể phát ra những tiếng ồn chói tai do kỳ nổ diễn ra không hoàn hảo, nhất là trên dòng động cơ thế hệ cũ. Sau khi nghe tiếng máy ở chế độ cầm chừng, nhờ người nhồi ga nhiều lần
để ghi nhận tiếng động ở các chế độ tải khác nhau.

Đi vòng ra phía sau, nhờ người khác nhồi ga và quan sát khói xe. Màu khói cũng là một nhân tố nói lên rất nhiều điều về sức khỏe của một động cơ. Nếu không phải là xe động cơ diesel đã cũ, thì tốt nhất là không nên nhìn thấy khói một cách rõ ràng. Đối với động cơ xăng, khói không màu hay màu
xanh nhạt cho thấy sức khỏe động cơ còn khá ổn; khói trắng, xanh đen hoặc đen báo hiệu tỷ lệ hòa khí không chuẩn hoặc động cơ đang đốt nhớt.

16.  Đi thử xe

Đừng bao giờ quyết định mua xe khi bạn chưa được đi thử nếu không muốn sau này phải hối hận. Phải đi thử mới biết được chính xác hơn chiếc xe định mua còn tốt như thế nào. Lên xe, nổ máy và khởi hành.

Với các mẫu xe dùng hộp số tự động, bạn không có nhiều cơ hội kiểm tra kỹ càng hộp số ngoài việc thử hết các vị trí P-N-D-R trên cần số, nhất là thử D ở nhiều tốc độ quay, xem xét những dấu hiệu bất thường khi máy tính điều khiển chuyển số. Tuy nhiên, với một mẫu xe sử dụng hộp số sàn thì cơ
hội sẽ rõ hơn, hãy kiểm tra tất cả các vị trí số lẫn độ bám, nhạy của côn (ly hợp). Khi đạp hết côn, tất cả các vị trí số đều phải được thay đổi, gài khớp dễ dàng, nhẹ nhàng, không kẹt. Tăng tốc từ 1 cho đến số cuối cùng, rồi trả ngược về khi giảm tốc. Ngoài ra, hãy thử đề-pa ở các cấp không phải 1, hoặc thử chạy lên tốc độ 60km/h với các cấp số cao nhất, sau đó giảm tốc về khoảng dưới 20km/h mà không trả số rồi tăng tốc dần trở lại, bạn có thể ghi nhận được độ giật, trườn của côn nếu côn không tốt, không bám. Bên cạnh đó, hãy thử dừng xe trên dốc rồi khởi hành trở lại giống như trong bài sát hạch giấy phép lái xe.

Không nên đi thử xe ở một con đường bằng phẳng, lán mịn, vì bạn sẽ ít có cơ hội kiểm tra chính xác hoạt động của hệ thống treo, giảm chấn, lốp, hệ thống lái, những tiếng động do chúng gây ra cũng như khả năng cách âm của xe. Chọn các con đường có nhiều ổ gà nhỏ, mố cầu và chạy với tốc độ
không quá thấp cũng không quá cao để có thể ghi nhận các dao động và những tiếng động rõ nhất. Với một chiếc xe còn khá mới và thuộc thương hiệu có tiếng, thì những tiếng động cót két dưới gầm xe hay vô-lăng run bần bật là những dấu hiệu không nên bỏ qua. Ngoài ra cũng cần phải chú ý đến những tiếng rè do các chi tiết nội thất tạo ra khi đi qua các mặt đường không phẳng mịn.

Kiểm tra hệ thống lái bằng cách trả vô-lăng về vị trí trung tâm và quan sát kỹ khả năng chạy thẳng hướng của xe. Đánh lái chuyển hướng nhanh 90 độ để xem xét hoạt động của hệ thống lái. Một hệ thống tốt thì phải linh hoạt, ít rơ, không quá nặng, không gây tiếng động và có khả năng trả lái nhanh.

Kiểm tra khả năng ổn định thẳng hướng với vô lăng ở vị trí trung tâm khi phanh gấp. Bàn đạp phanh không chạm sát sàn khi đạp tối đa, đồng thời chân phanh không quá nhẹ cũng không quá nặng.

Sau khi đã xem xét tất cả các ngóc ngách của chiếc xe, nổ máy và đi thử, bạn có thể tự đánh giá một cách toàn diện chiếc xe, đưa ra các thắc mắc đối với chủ xe về những khiếm khuyết quan trọng và rõ ràng. Xem xét những gì có thể bỏ qua, và các thứ không thể xem nhẹ. Nếu chấp nhận chiếc xe vừa
thử, thương lượng lại với chủ xe về một mức giá hợp lý nhất có thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây