Lái xe ô tô trong điều kiện thời tiết mưa và lạnh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra tai nạn nên tài xế cần phải hết sức tập trung vào vô lăng. Đồng thời khi trời mưa rét, ô tô cũng gặp khá nhiều vấn đề rắc rối mà chủ xe cần nắm rõ để chăm sóc và bảo dưỡng xế cưng tốt hơn.
Những rắc rối thường gặp khi lái xe ô tô trong thời tiết mưa rét
Kính lái xe bị mờ
Trong điều kiện trời mưa hay mùa đông lạnh ẩm, kính lái xe ô tô thường hay bị mờ và hạn chế tầm nhìn của tài xế. Những hạt nước ngưng tụ lại trên bề mặt kính chắn gió và cả gương chiếu hậu 2 bên khiến cho người lái rất khó để quan sát tình hình. Đây là rắc rối mà không ít tài xế phàn nàn khi phải điều khiển phương tiện trong mùa đông giá rét, trong thời tiết mưa hay dày đặc sương mù.
Để khắc phục tình trạng kính lái bị mờ, tài xế nên khởi động chế độ sưởi kính (nếu có), cần gạt nước và bật hệ thống điều hòa.
Lưu ý, cần gạt nước được xem là bộ phận ‘nhỏ nhưng có võ’ trên xe ô tô, đặc biệt khi xe lưu thông trong thời tiết xấu như mưa hay nồm ẩm, sương mù. Chính vì vậy, chủ xe cần chú ý và kiểm tra thường xuyên cần gạt nước để kịp thời khắc phục những vấn đề hỏng hóc như cần gạt bị mòn, hoạt động kém hoặc không hoạt động nhằm đảm bảo được tầm quan sát tốt nhất. Thông thường, chủ xe nên thay mới cần gạt nước xe ô tô định kỳ 6 tháng/lần.
Xe ô tô khó khởi động khi trời mưa lạnh
Khi nhiệt độ xuống thấp, van xe ô tô hoặc rơ le bị nguội dẫn đến tình trạng khó khởi động xe. Theo kinh nghiệm lái xe của các bác tài lâu năm, chủ xe không nên để xe ở môi trường lạnh quá lâu, cũng như thỉnh thoảng cho xe khởi động kể cả khi không có nhu cầu sử dụng. Thói quen này sẽ giúp cho ‘trái tim’ của xế cưng hoạt động tốt hơn thay vì ‘bỏ không’ 1 thời gian dài. Ngoài ra, chủ xe cũng nên cẩn thận sắm 1 bộ kích nổ xe phòng trường hợp ô tô khó khởi động khi trời mưa lạnh.
Hết ắc quy
Tình trạng xe chết máy giữa đường vì hết ắc quy không phải hiếm gặp trong quá trình sử dụng xe ô tô. Tuy nhiên, tình trạng này đặc biệt xảy ra nhiều hơn vào mùa đông, mùa hè và mùa mưa bão. Ở những thời điểm này, ắc quy xe ô tô tiêu hao năng lượng nhiều hơn vì hệ thống điều hòa, sưởi, đèn xe hay các tính năng khác được sử dụng thường xuyên hơn. Chính vì thế, trước khi khởi hành, hãy kiểm tra lại bình ắc quy để chủ động nạp năng lượng cho xe.
Kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn trong thời tiết mưa rét
Tại Việt Nam, vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp vì trời mưa rét nên lượng xe ô tô di chuyển trên đường đông hơn so với thời điểm bình thường. Cùng với cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đường phố đông đúc và tầm quan sát trở nên khó khăn hơn vì mưa lạnh nên tài xế cần đặc biệt tập trung cao độ vào tay lái để đảm bảo an toàn. Chính vì vậy tài xế cần ghi nhớ những kinh nghiệm vàng dưới đây để lái xe an toàn trong điều kiện thời tiết mưa rét.
Kiểm tra xe kỹ càng trước khi khởi hành
Với một số những vấn đề rắc rối mà xế cưng thường gặp phải mà các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về xe hơi của vừa chia sẻ ở trên, chủ xe không nên chủ quan mà bỏ qua bước kiểm tra xe trước khi khởi hành. Việc kiểm tra cần gạt nước, hệ thống điều hòa, đèn còi xe hay ắc quy sẽ giúp cho tài xế chủ động hơn trong mọi tình huống.
Quan sát và tập trung lái xe
Hãy quan sát phía trước xe ở phạm vi rộng, 2 bên và đằng sau để có cái nhìn bao quát nhất khi lái xe ô tô trên đường. Đồng thời cần tập trung cao độ vào tay lái để có được hành trình thật sự an toàn.
Kiểm soát tốc độ, tốt nhất nên di chuyển với tốc độ chậm
Lái xe ô tô trong điều kiện thời tiết mưa rét, đường trơn và có thể đông lượng người tham gia giao thông, tài xế cần phải kiểm soát tốc độ thật tốt. Nên lái xe với tốc độ vừa phải, giữ khoảng cách an toàn với xe di chuyển phía trước để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh. Đặc biệt khi vào cua, tài xế cần di chuyển với tốc độ chậm, đừng vội vàng dễ xảy ra tai nạn cũng như không nên tăng tốc hay phanh gấp đột ngột.
Khi trời mưa và tối dần, tài xế nên chuyển chế độ đèn pha gần để quan sát được tốt hơn cũng như không gây chói cho xe di chuyển ngược chiều.
Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông
Hãy là người tham gia giao thông văn minh, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như mọi người xung quanh. Khi muốn dừng lại hay vào cua, chuyển làn đường, tài xế cần quan sát kỹ tình hình và ra tín hiệu trong thời gian đủ lâu để các xe phía sau có thể nhận diện.