Phản hồi quá chậm, truyền đạt không rõ ràng, cố nhúng tay vào mọi việc là những cách mà nhà lãnh đạo doanh nghiệp cản trở năng suất lao động và sự sáng tạo của cấp dưới.
Syed Balkhi là người đồng sáng lập 3 công ty – bao gồm WPBeginner, OptinMonster và WPForms. Trong một bài viết trên trang Entreprneur, anh đã nói về hành động mà người quản lí có thể vô tình hủy hoại năng lực của nhân viên.
Là một nhà quản lí tốt thật khó. Tôi sẽ nêu vài cách mà nhà lãnh đạo doanh nghiệp cản trở nhân viên và khiến năng suất và khả năng sáng tạo của họ không thể đạt mức cao nhất.
Tổ chức những cuộc họp không cần thiết
Các cuộc họp cần tạo ra giá trị cho người lao động – như thảo luận ý tưởng, tiến tới quyết định quan trọng hay phối hợp công việc. Nếu nội dung cuộc họp tập trung vào những vấn đề khác, nhà lãnh đạo nên bỏ qua nó.
Thay vào đó, họ nên để nhân viên tận dụng thời gian của họ bằng việc chọn các cuộc họp một cách chiến thuật. Nhà lãnh đạo nên lập một kế hoạch rõ ràng về những vấn đề họ sẽ thảo luận trong cuộc họp và phân công vai trò của từng người trong cuộc họp.
Truyền đạt không mạch lạc
“Hãy bảo đảm rằng chúng ta sẽ kết thúc dự án vào cuối quí” có vẻ giống một mệnh lệnh rõ ràng, song trên thực tế, đó không phải một mệnh lệnh rõ ràng. Những người liên quan sẽ có mốc thời gian riêng và họ sẽ đóng góp vào dự án theo nhiều cách khác nhau. Vì thế, họ không thể sắp xếp thời gian của họ theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhà lãnh đạo nên công bố thông tin chi tiết khi nói về các mục tiêu với nhân viên và khuyến khích họ phản hồi ngay nếu họ cảm thấy thời hạn không chính xác.
Phản hồi quá ít và quá chậm
Khi nhân viên đặt câu hỏi hoặc đưa ra đề nghị, nhà lãnh đạo không nên phớt lờ nó đến khi họ có thời gian để phản hồi. Nhà lãnh đạo nên trả lời câu hỏi dựa trên mức độ ưu tiên để mọi nhân viên có câu trả lời sớm. Nếu không thể trả lời nhanh, nhà lãnh đạo hãy để nhân viên biết rằng họ đã thấy tin nhắn và sẽ hồi âm vào thời điểm cụ thể.
Cố gắng kiểm soát mọi việc
Những nhà quản lí tiểu tiết là đối tượng tệ nhất, vì họ ngăn cản nhân viên làm chủ công việc. Vai trò và trách nhiệm của nhà quản lí tiểu tiết làm giảm năng suất, khả năng và khao khát sáng tạo của nhân viên.
Thay vì quản lí từng việc vặt, nhà lãnh đạo nên để nhân viên tự do làm việc. Họ chỉ nên hướng dẫn và gợi ý, chứ không nên áp đặt và ra mệnh lệnh.
Điều hành bằng cảm xúc
Cảm xúc có vai trò trong mọi phương diện cuộc sống, bao gồm công việc. Song nếu nhà lãnh đạo mang quá nhiều cảm xúc tới nơi làm việc, họ sẽ làm hại cả đội ngũ. Mọi người sẽ tránh làm việc với một nhà quản lí sẵn sàng giận dữ trước những vấn đề nhỏ (hoặc vấn đề chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng) hay tỏ ra khó chịu trước mọi câu hỏi. Nhân viên sẽ cố gắng tự xử lí tình huống và rắc rối nếu họ có một “sếp” hành xử quá cảm tính.
Nhà quản lí nên sử dụng trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội để tìm ra lí do khiến họ hành xử cảm tính và giải pháp để khắc chế nó. Việc đó sẽ khiến nhà lãnh đạo trở nên lí tính hơn, đồng thời nhân viên cũng sẽ vui vẻ và đạt năng suất cao hơn.
Chần chừ trong việc ra quyết định
Sự tê liệt phân tích diễn ra khi nhà lãnh đạo cố gắng xem xét mọi lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Một số người nói không quyết định còn tệ hơn cả quyết định sai. Mọi người luôn kì vọng nhà quản lí đưa ra hướng dẫn và điều hành doanh nghiệp. Vì thế, nhà quản lí phải ra nhiều quyết định mỗi ngày, nên họ phải quyết đoán.
Mọi người sẽ thông cảm nếu nhà lãnh đạo ra quyết định sai. Và nếu sai, nhà lãnh đạo có thể chuyển hướng để thay đổi tình hình. Nhân viên sẽ tha thứ cho sai lầm của nhà lãnh đạo nếu nhà lãnh đạo hành động nhanh để sửa sai.
Thay đổi mọi thứ quá nhanh
Xem xét mọi ý tưởng và thay đổi ưu tiên quá nhanh cũng có thể là một vấn đề. Chẳng hạn, những nhà lãnh đạo thường triển khai sáng kiến mới để thay thế những ý tưởng cũ mà họ chưa có đủ thời gian để kiểm chứng hiệu quả, hoặc sẵn sàng thay thế những công nghệ cũ bằng công nghệ đang thịnh hành trước khi nhân viên có cơ hội học công nghệ cũ.
Khi các nhà điều hành thay đổi mọi thứ quá nhanh, nhân viên sẽ bắt đầu nghi ngờ năng lực, tầm nhìn và khả năng quản lí nguồn lực của “sếp”. Bên cạnh đó, cũng có thể họ sẽ cảm thấy bất an về công việc của họ và tương lai của doanh nghiệp.
Một khi đã thực hiện một ý tưởng mới hay áp dụng một công nghệ mới, nhà lãnh đạo cứ để mọi thứ diễn ra trong khoảng thời gian đủ dài. Một khi đã ra quyết định, họ không nên thay đổi quá nhanh.
Chỉ phê phán chứ không khen ngợi
Mọi người đều có thể mắc sai lầm và kẻ khác có thể chỉ ra sai lầm ấy dễ dàng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo không nên dùng sai lầm để đổ lỗi cho nhân viên, hoặc để phủ nhận những kết quả xấu do chính năng lực lãnh đạo kém của họ.
Những nhà lãnh đạo tốt luôn giảm thiểu tổn thất từ những sai lầm của nhân viên bằng cách coi nó là cơ hội để giới thiệu những giải pháp mới – chẳng hạn như huấn luyện, chuyển đổi chiến lược, thay đổi vai trò của nhân viên. Nhà lãnh đạo nên tập trung vào những giải pháp để giải quyết vấn đề sao cho chúng không tái diễn, đồng thời theo sát nhân viên để khuyến khích những người có thiện chí khắc phục sai lầm.