Nhiều người thường thích lái xe vào ban đêm vì ít xe cộ, đường thông thoáng nên có thể đi nhanh và mát mẻ hơn. Nhưng đằng sau đó là những mối hiểm họa luôn rình rập ít ai ngờ tới.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia có kinh nghiệm về ô tô của trang tin tức xe hơi, các tài xế cần giữ sức khỏe tốt, ngủ đủ thời gian và nên nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng sau khi lái xe liên tục để đảm bảo cho những chuyến đi an toàn. Quan trọng nhất là khi lái xe vào ban đêm, tài xế sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, cụ thể như:
1. Đèn xe đối diện
Sử dụng đèn pha hay gắn quá nhiều LED phía trước khiến xe đối diện khó quan sát đường đi
Theo quy định của luật giao thông đường bộ, việc gắn thêm đèn LED phía trước và luôn bật sáng hết cỡ như vậy là vi phạm luật. Tuy nhiên, trường hợp này lại xuất hiện tràn làn trên các xe, đặc biệt là đối với xe tải chở hàng thường chạy vào ban đêm. Trường hợp những chiếc sedan hay xe khách nhỏ phải đối mặt chạy ngược chiều với những xe như vậy thường rất khó khăn vì đèn rọi chói mắt không nhìn rõ được. Tài xế sẽ phải tập trung quá nhiều cho việc quan sát sẽ dẫn đến mệt mỏi, thậm chí có thể xảy ra tai nạn nếu lái xe không làm chủ được tay lái.
2. Xe máy hoặc người đi bộ băng ngang đường
Tài xế phải tập trung quan sát nhiều hơn, nhất là những vật di chuyển trong bóng tối
Không chỉ trên những đoạn đường quốc lộ tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm mà cả những đoạn đường ở khu có dân cư hai bên đường. Những chiếc xe máy chạy không có đèn sang đường bất thình lình, người đi bộ chạy qua đường bất cứ lúc nào là điều tài xế không thể lường trước được.
Trong khi đó, tùy vào từng loại xe nhưng thời gian để xe dừng hẳn trước vật cản ở tốc độ trên 60 km/h lá khá dài. Nếu gặp phải tình huống này sẽ rất nguy hiểm. Tốt nhất, lái xe nên tập trung quan sát đường và sử dụng đèn pha hợp lý, quan trọng là nên đi chậm để tránh được những tình huống xấu bất ngờ xảy ra.
3. Xe dừng trên vệ đường
Xe dừng bên vệ đường cảnh báo sơ sài hoặc khu vực không có đèn dễ gây tai nạn trong đêm
Có khá nhiều xe dừng đỗ dọc đường trong khi đoạn đường đó thiếu ánh sáng và biển cảnh báo dừng xe. Điều này đã gây ra không ít các vụ tai nạn trong đêm. Đi qua những đoạn đường như vậy, tài xế cần quan sát kỹ, mở xi nhan trái để vượt qua xe đang dừng hoặc đỗ, như vậy cũng là cảnh báo cho các xe phía đối diện và phía sau về chiếc xe đang là vật cản trên đường để tránh xảy ra va chạm trong đêm.
4. Đường xấu, thời tiết xuất hiện mưa hoặc sương mù
Bình tĩnh đi theo vạch kẻ đường khi gặp đường và thời tiết xấu để an toàn hơn
Khi gặp phải những đoạn đường xấu khó đi, nhiều ổ gà, tài xế cần hết sức đi chậm, không được đi nhanh tránh phi xe vào những “hố tử” khiến xe mắc kẹt hoặc va chạm vào vật cản. Ngoài ra, khi gặp phải điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa hay sương mù sẽ khiến người lái rất khó nhìn, đặc biệt với đoạn đường đèo dốc. Khi đó, tài xế cần giảm tốc độ, mở đèn sương mù và đi theo vạch kẻ bên phải để đảm bảo an toàn nhất có thể.
5. Buồn ngủ, mất tập trung
Cần ngủ đủ giấc và có biện pháp xóa tan cơn buồn ngủ khi lái xe vào ban đêm
Nếu đã xác định từ trước sẽ di chuyển vào ban đêm, tài xế nên ngủ đủ giấc. Nếu gặp phải cơn buồn ngủ khi đang lái xe bạn mới dùng chất kích thích như cà phê, trà, nước tăng lực,…để giảm cơn buồn ngủ có thể vẫn không hiệu quả. Bởi biết đâu các chất đó chưa kịp phát huy tác dụng thì bạn đã quá buồn ngủ rồi. Thay vì buồn ngủ mới sử dụng chất đó thì nên sử dụng trước khi buồn ngủ, hoặc nên tìm một trạm dừng chân hay cây xăng nào đó để chợp mắt một lúc cho qua cơn buồn ngủ là cách tốt nhất.
Như vậy, qua những chia sẻ trên đây, hi vọng bạn đọc sẽ tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn để đảm bảo cho những chuyến đi.