6 nguyên nhân khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng về tài chính

0
392

Tình trạng tuyệt vọng về tài chính kéo dài sẽ khiến bạn hoàn toàn đánh mất mọi tiềm năng phát triển của bản thân.

Bạn đang rơi vào một hoàn cảnh tuyệt vọng về tài chính? Bạn luôn cảm thấy kiệt sức, khó chịu và vô dụng vì mọi người không đánh giá cao khả năng của bạn? Tất cả mọi thứ dường như đang bế tắc.

Cuối cùng, chỉ có bạn là người hiểu rõ nhất giải pháp nào có ích cho tình huống của bạn. Tuy nhiên, có một nghiên cứu mới sẽ giúp bạn xác định tình hình hiện tại để quyết định bạn nên có một sự thay đổi lớn hay tiếp tục kiên nhẫn duy trì mọi thứ.

Nghiên cứu của hai vị giáo sư Christina Maslach và Michael P. Leiter tại Đại học California và Đại học Acadia đã chỉ ra 6 nguyên nhân khiến bạn mất cân bằng và kiệt sức.

Khi nắm được nguyên nhân tuyệt vọng, một số người có thể tạo ra những thay đổi tích cực trên một hoặc nhiều lĩnh vực, tìm lại được niềm vui trong khi những người khác thấy rằng khoảng cách vẫn còn quá lớn và quyết định đã đến lúc phải thay đổi.

Dưới đây là 6 yếu tố có thể dẫn đến tình trạng tâm lí tiêu cực về tài chính và cách bạn có thể khắc phục từng vấn đề.

6 nguyên nhân khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng về tài chính
6 nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy tuyệt vọng về tài chính. Ảnh minh họa. Nguồn: HBR

1. Khối lượng trách nhiệm 

Một khối lượng trách nhiệm phù hợp với năng lực sẽ cho phép bạn hoàn thành hiệu quả, có cơ hội nghỉ ngơi và phục hồi, tìm thời gian phát triển bản thân. Khi bạn thường xuyên cảm thấy quá tải, những cơ hội này dường như không tồn tại.

Để giải quyết căng thẳng đến từ quá nhiều trách nhiệm tài chính, hãy đánh giá mức độ hoàn thành của bạn trong các lĩnh vực chính: lập kế hoạch, ưu tiên nhiệm vụ chính, chia sẻ với những người khác, học cách từ chối và từ bỏ sự hoàn hảo.

Nếu bạn chưa tiến bộ trong các nhiệm vụ trên, hãy cố gắng cải thiện kĩ năng quản lí thời gian và sau đó, cảm nhận lại mọi thứ. Đối với những ai muốn làm hài lòng mọi người, giảm khối lượng trách nhiệm cũng sẽ làm giảm đáng kể cảm giác kiệt sức và thêm không gian nghỉ ngơi.

2. Cảm giác thiếu kiểm soát 

Cảm giác thiếu tự chủ, không được tận hưởng những tiện nghi cơ bản và tiếng nói không còn trọng lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất cũng như tình trạng thu nhập của bạn.

Nếu bạn cảm thấy không thể kiểm soát tình hình, hãy lùi lại và tự hỏi chính xác điều gì khiến bạn cảm thấy như vậy? Ví dụ, công việc của bạn có đang quá nhiều nhưng mức lương quá thấp?

Bạn phải thanh toán những hóa đơn bất ngờ không phục vụ nhu cầu của bản thân?

Sau đó, thực tế phân tích những gì bạn có thể làm để thay đổi tình huống này. Thảo luận vấn đề lương thưởng hay khối lượng công việc với sếp để giữ cân bằng và không trả lời tin nhắn 24/7? Thỏa thuận với người thân về những khoản tiền bạn sẽ chi trả?

3. Thu nhập 

Nếu thu nhập và lương thưởng bạn đang nhận được quá thấp so với đồng nghiệp hoặc giá trị thực của công việc, bạn có thể cảm thấy công sức đầu tư không thu về được kết quả xứng đáng.

Trong những trường hợp này, bạn nên tự cân nhắc lại các nhu cầu cá nhân và xác định chính xác những gì bạn cần để cảm thấy thỏa mãn. Ví dụ, bạn cần yêu cầu tăng lương hoặc thăng chức.

Hoặc có lẽ bạn cần tận dụng những kẽ hở trong công việc hiện tại như thời gian rảnh tại văn phòng để rèn luyện thêm các kĩ năng cá nhân, tìm kiếm công việc ngoài giờ.

4. Cộng đồng 

Bạn đang sống cùng ai và làm việc với những ai? Làm thế nào hỗ trợ và tin tưởng vào những mối quan hệ? Trong hầu hết các trường hợp, bạn không thể chọn đồng nghiệp hay người thân nhưng có thể thích nghi và linh hoạt hơn.

Dành thời gian để hỏi người khác về một ngày của họ và thực sự lắng nghe, gửi email cho ai đó để nói với họ rằng bạn đánh giá cao bài thuyết trình của họ hoặc tranh luận một chủ đề khó khăn như tiền bạc với thái độ tôn trọng, cầu thị và không phán xét.

Sự kiệt sức có thể lây lan nên để cải thiện các mối quan hệ, bạn phải thay đổi tinh thần của mọi người xung quanh. Nếu sau tất cả mọi nỗ lực, những người khác không muốn cải thiện mối quan hệ thì đã đến lúc bạn tìm cho mình một cộng đồng mới cởi mở hơn.

5. Công bằng 

Bạn có tin rằng bạn đang được đối xử công bằng và minh bạch? Ví dụ, các đóng góp của bạn có được công nhận hay người khác đang được khen ngợi và bạn không được chú ý? Ai đang nhận được hỗ trợ tài chính nhiều nhất trong gia đình và người đó có thực hiện các nghĩa vụ đi kèm với quyền lợi mình nhận được?

Nếu bạn cảm thấy việc bị đối xử thiếu công bằng là nguyên nhân khiến mình kiệt sức, hãy bắt đầu bằng cách lên tiếng. Đôi khi một người không nhận thức được sự thiên vị của họ hoặc vô tình nhận khen ngợi cho đến khi bạn yêu cầu những gì bạn muốn.

6. Quan điểm trái ngược 

Nếu bạn đánh giá cao điều gì đó mà công ty bạn xem nhẹ hoặc ngược lại, động lực làm việc chăm chỉ và kiên trì của bạn sẽ giảm đáng kể. Lí tưởng và động lực là hai yếu tố có xu hướng ăn sâu vào cả cá nhân và tổ chức.

Khi đánh giá yếu tố này, bạn cần thận trọng cân nhắc về sự khác biệt giữa lí tưởng của bản thân và mục tiêu của doanh nghiệp hay gia đình.

Sau đó, đặt câu hỏi liệu ban lãnh đạo công ty bạn có muốn thay đổi giá trị của họ hay không hay các thành viên gia đình có muốn cải thiện tình trạng tài chính theo một cách khác. Làm thế nào để thuyết phục mọi người tin tưởng theo tầm nhìn của bạn?

Sự khác biệt về giá trị quan đôi khi dẫn đến những khủng hoảng nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về tài chính, tinh thần và sức khỏe cho bạn.

Cảm giác tuyệt vọng và kiệt quệ kéo dài không đơn giản chỉ là mệt mỏi mà là một vấn đề nhiều mặt đòi hỏi giải pháp sâu rộng. Trước khi bắt đầu, hãy thực sự suy nghĩ chính xác về những gì đang khiến bạn tuyệt vọng và thử thực hiện các thay đổi.

Nếu bạn thấy rằng mọi nỗ lực tốt nhất của mình vẫn không đem lại kết quả đáng kể, đã tới thời điểm nên thay đổi công việc và tìm nguồn thu nhập mới.