6 lỗi phổ biến của sinh viên năm nhất với việc làm thêm

0
3133

Sinh viên năm nhất đại học thường có rất nhiều khoảng trống thời gian bởi ít áp lực từ thi cử, bài vở, nên nhiều bạn năng động sẽ tìm việc làm thêm với mong muốn cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và góp phần trang trải cuộc sống.

Suốt hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, CareerLink.vn đã trở thành một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu Việt Nam về tìm kiếm việc làm. Mặc dù thị trường lao động hiện nay có đa dạng sự lựa chọn công việc cho sinh viên, nhưng không phải công việc nào cũng phù hợp và giúp nâng cao kỹ năng sống, tăng thu nhập. Do đó, để tránh những trường hợp đáng tiếc thì các bạn sinh viên nên hạn chế tránh 6 lỗi phổ biến dưới đây.

1/ Không mở rộng các kênh thông tin việc làm

Có rất nhiều cách để các bạn tìm kiếm việc làm thêm như: rảo quanh các khu vực gần trường học, ký túc xá, thông qua các trang tin việc làm trực tuyến, trung tâm hỗ trợ sinh viên của đoàn, hội, trường học, hay lời giới thiệu của bạn bè, người thân, thầy cô,…

Do đó, bạn hãy chủ động tìm kiếm, và đừng ngại ngần nhờ sự gợi ý, giúp đỡ từ những người thân thiết xung quanh khi có nhu cầu làm thêm ngoài giờ. Điều này giúp bạn tiết kiệm được công sức, thời gian khi lang thang trên các con phố nhưng bản thân chưa rành đường, tránh dính vào các công việc “ma”, hoang phí tiền với những “cò” môi giới việc làm. Thông thường, các việc làm thêm được cung cấp bởi trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường là một trong những địa chỉ đáng tin cậy nhất.

2/ Thiếu tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin công việc

Rất nhiều bạn chỉ đọc qua loa vài dòng yêu cầu công việc và chế độ lương đã “nhắm mắt nhắm mũi” liên hệ. Điều này rất dễ khiến bạn rơi vào tình trạng bị “chèn ép” và bóc lột sức lao động; làm việc trong một môi trường không được đảm bảo; bị lừa tiền qua các mẩu quảng cáo hấp dẫn “việc nhẹ lương cao”; dính phải các trung tâm môi giới việc làm “ma”.

Cách tốt nhất là bạn nên đọc kĩ “từng chữ” trong bảng thông tin công việc, hỏi thẳng người giới thiệu hay chủ thuê về những gì bạn chưa rõ, nhờ sự tư vấn từ người quen hay bạn bè về công việc dự định làm. Điều này giúp bạn hạn chế các tình trạng lừa đảo, hay chọn việc không phù hợp dẫn đến tốn thời gian, công sức.

3/ Chọn công việc có khung giờ làm quá dài

Một số công việc như: phục vụ quán nhậu, bảo vệ ca khuya, nhân viên tiếp thị phải đi tỉnh… đều yêu cầu khung giờ làm việc dài, không ổn định. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và khả năng học hành của bạn. Ngoài ra, các bạn nữ nên hạn chế với các công việc phải kết thúc quá khuya để đảm bảo an toàn.

Thực tế, có rất nhiều công việc cho phép bạn dễ dàng linh động và dễ kiểm soát về thời gian như: phát tờ rơi, tự kinh doanh nhỏ online, nhận làm đồ thủ công, trợ giảng cho các trung tâm tiếng Anh thiếu nhi, biên dịch tự do sách, báo. Tính chất các công việc này không yêu cầu sự gò bó nhất định về thời gian mà còn giúp bạn có thêm kinh nghiệm, và các mối quan hệ xã hội.

4/ Chỉ chọn việc làm gắn bó mật thiết với ngành học

Thực tế, việc chọn công việc bản thân yêu thích hay gần gũi với ngành học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bạn cọ xát thực tế, mở rộng mối quan hệ nghề nghiệp và gia tăng khả năng được tuyển dụng khi tốt nghiệp.

Nhưng một công việc hoàn toàn theo ý bạn là chuyện không thể, nhất là thời điểm này bạn chưa hề có nền tảng chuyên môn vững chắc. Do đó, bạn nên trải qua nhiều công việc khác nhau để khám phá ra điểm mạnh ở bản thân. Bạn hoàn toàn có thể chọn việc cộng tác viên viết bài nếu bạn học ngành tài chính; chọn kinh doanh online dù học công nghệ thông tin; chọn làm nhân viên tiếp thị dù học giáo viên mầm non. Mọi công việc đều giúp bạn phát triển một kỹ năng nào đó, và có thể ở tương lai thì “nghề chọn bạn” chứ không phải “bạn chọn nghề” thì sao!

5/ Làm việc với tác phong thiếu chuyên nghiệp

Có rất nhiều các công việc tình nguyện đem lại cho bạn trải nghiệm thực tế, mở rộng quan hệ. Nhưng khi bạn tìm việc để trang trải phần nào học phí và các loại phí sinh hoạt cá nhân, thì bạn sẽ không thể giữ tư tưởng “đi làm như đi chơi”. Chắc chắn sẽ không ai muốn trả lương cho một nhân viên lười nhác, vô ý thức, và một “người thừa” như bạn thì sẽ chẳng giữ nỗi một mối quan hệ đồng nghiệp tốt nào. Công việc nào cũng kèm theo những khó khăn và áp lực, nên bạn cần học làm quen. Từ đó, bạn sẽ vỡ ra nhiều bài học cuộc sống mà nhà trường không dạy cho bạn.

6/ Ham làm dẫn đến xao nhãng việc học

Thông qua việc làm bán thời gian ở năm nhất, bạn sẽ có thêm một ít thu nhập, học hỏi nhiều kỹ năng sống cần thiết, và tạo dựng mạng lưới quan hệ hữu ích. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng những công việc thời vụ chỉ là mục tiêu ngắn hạn, và việc học ở trường mới chính là mục tiêu dài hạn quan trọng nhất của bạn.

Bạn nên tập trung năng lực để trao dồi kiến thức nhằm đạt kết quả tốt nhất ở các môn học. Nền tảng của năm nhất sẽ là bước đệm vững chắc để bạn chinh phục các môn “khó nhằn” về sau. Qua đó, cũng sẽ hạn chế tình trạng bị điểm xấu, nợ môn, chậm tiến, và phải tốn một khoản phí không hề rẻ cho việc học lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây