Cố chấp, né tránh thất bại hay dễ dàng thấy nhàm chán là những tính cách có thể khiến những người thông minh bị tụt lùi lại phía sau.
Khi còn nhỏ, bạn luôn là một trong những học sinh thông minh nhất lớp? Giờ đây, bạn cũng là một nhân viên gương mẫu và xuất sắc? Nhưng rồi bạn thấy những người có năng lực kém hơn lại đang giàu có hơn, thành đạt hơn và bạn tự hỏi mình đã làm gì sai?
Câu chuyện này có quen thuộc? Đó có thể là chính bạn hoặc một người thân, bạn bè nào đó đang phải đấu tranh với những cảm xúc và thắc mắc trái ngược. Trí thông minh bẩm sinh chắc chắn là một tài sản khổng lồ nhưng đó không phải là tất cả.
Theo phân tích từ Harvard Business Review, khi những người có năng khiếu về trí tuệ không thể đạt được nhiều như họ muốn, họ có xu hướng giảm khả năng tài chính cá nhân một cách vô thức và âm thầm.
Nếu bạn hay người thân đang gặp phải tình huống tương tự thì 5 dấu hiệu và giải pháp dưới đây là dành cho bạn:
1. Người thông minh thường quá tập trung vào trí tuệ và xem nhẹ kĩ năng mềm
Những người rất thông minh đôi khi coi thành công là điều tất yếu vì trí tuệ tuyệt vời của mình và xem thường các yếu tố khác. Ví dụ, một cá nhân thấy khó giao tiếp với đồng nghiệp tại văn phòng sẽ cảm thấy cáu kỉnh thay vì nhìn nhận vấn đề như cơ hội cải thiện kĩ năng trò chuyện.
Tương tự như vậy, họ có thể xem việc quản lí tiền bạc là một điều quá đơn giản nên không đầu tư thời gian và nỗ lực để phát triển tư duy cho tới khi sự cố xảy ra.
Lối suy nghĩ này cũng phổ biến với hầu hết chúng ta bởi con người có thiên hướng muốn tận dụng điểm mạnh của mình và ngược lại, tránh suy nghĩ về các lĩnh vực mà họ không quá giỏi. Những đứa trẻ thông minh nhận được rất nhiều lời khuyên rằng trí thông minh có giá trị tương tự với thành công, tiền bạc nên thật dễ hiểu vì sao khi lớn lên, họ sẽ tiếp tục tập trung vào trí tuệ.
Tuy nhiên, trong hầu hết mọi tình huống, trí tuệ bẩm sinh không đủ để giải quyết mọi thứ và nếu bạn chỉ tập trung vào điểm mạnh, bỏ qua những điểm yếu, việc tự phá hoại tài chính cá nhân là không tránh khỏi.
2. Làm việc nhóm gây khó chịu cho những người thông minh
Khi ai đó nắm bắt các khái niệm một cách nhanh chóng và có tiêu chuẩn hiệu suất bản thân cao, họ gặp phải khó khăn khi làm việc với những người bình thường vốn sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lí thông tin.
Nếu một học sinh học chung lớp với những đứa trẻ kém thông minh hơn, cảm giác mất tinh thần đồng đội này sẽ phát triển từ sớm. Điều này dẫn đến những quyết định tài chính đơn phương, đôi khi gây ra khủng hoảng trong các mối quan hệ gia đình, người thân.
Cảm giác khó chịu này xuất hiện nhiều lần trong suốt cuộc đời. Những người thông minh thường e ngại hoặc nghi ngờ khi ủy thác cho ai đó làm điều gì, xin hỗ trợ tài chính hay thậm chí là lời khuyên vì cảm giác họ có thể tự mình làm tốt hơn (bất kể thực sự có đúng hay không).
Hãy kiên nhẫn với những cảm xúc cá nhân và học cách trân trọng cả kĩ năng và kinh nghiệm của người khác để có được hiểu biết đa dạng hơn.
3. Những người thông minh có cái tôi quá cao
Nếu trí thông minh tuyệt vời đã cho bạn thêm một lòng tự trọng quá cao, thật khó khăn để thể hiện điểm yếu của mình. Đó có thể là khi bạn phải làm việc cùng những người thông minh hơn, nhận chỉ trích từ ai đó hoặc chấp nhận rủi ro và thất bại.
Bất kì tình huống nào gây ra cảm giác kém cỏi đều có nguy cơ đe dọa cao. Người thông minh thậm chí có thể tìm cách tránh né những tình huống đó và âm thầm hủy hoại tiềm năng bản thân.
Vì vậy, hãy nhìn nhận một cách khách quan về lợi ích của việc hợp tác với những người thông minh hơn bạn bởi chắc chắn rằng bạn sẽ học thêm nhiều điều mới bởi chỉ kim cương cắt được kim cương.
Phát triển mối quan hệ với những người bạn tin tưởng sẽ cung cấp cho bạn nguồn thông tin phản hồi hữu ích. Bạn càng quen với việc nhận được phản hồi quan trọng từ những người tin tưởng vào năng lực của bạn, việc đối diện với thất bại sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.
4. Người thông minh dễ chán
Thông minh không hoàn toàn giống với tò mò nhưng nếu bạn có cả hai tính cách này, bạn sẽ dễ cảm thấy nhàm chán với công việc hay hoạt động tương tự lặp đi lặp lại. Một số thành công bắt nguồn từ sáng tạo nhưng một số khác, đặc biệt là tài chính, lại đến từ những thói quen lành mạnh được xây dựng trong thời gian dài.
Nếu bạn thông minh, tò mò và ham học hỏi, bạn có thấy bản thân nhanh chóng mất hứng thú với bất cứ điều gì một khi bạn đã biết đến nó? Quá trình nâng cao hiệu suất có thể làm bạn cảm thấy chán nản bởi bản chất của bạn là tìm tòi những công việc hay nhiệm vụ mới.
Điều này có thể kém hiệu quả hơn so với tìm ra một mục tiêu thích hợp và lặp lại cùng một công thức nhưng điều đó có vẻ không phù hợp với bạn.
Tuy nhiên, hãy thử xác định giới hạn có thể chịu đựng được sự nhàm chán để đạt được thành công của bản thân và thay vì cố gắng thay đổi toàn bộ, chịu đựng sự nhàm chán trong khoảng thời gian ngắn (vài phút hoặc vài giờ) có thể là nền tảng làm giàu cho bạn.
5. Người thông minh coi tư duy chuyên sâu là giải pháp cho mọi vấn đề
Những người thông minh đã quen với việc đạt được thành công nhờ các kĩ năng tư duy nên đôi khi bỏ qua cách tiếp cận khác có lợi hơn. Ví dụ, người thông minh có thể tấn công mọi tình huống xấu bằng cách nghĩ đến cái chết (nghiên cứu quá mức mọi quyết định và suy nghĩ về mọi sai lầm) thay vì các phương pháp khác sẽ có kết quả hơn.
Khi suy nghĩ trở thành nỗi ám ảnh không lành mạnh, hãy xem xét những giải pháp khác ngoài suy ngẫm quá sâu. Nghỉ ngơi và cho phép bản thân học hỏi bằng cách trải nghiệm hơn là nghiên cứu quá nhiều.
Mở rộng phạm vi kĩ năng và hiểu biết sẽ giúp bạn không coi mọi vấn đề chỉ là cái đinh trong khi trí thông minh của mình là cái búa. Cuối cùng, bất cứ khi nào bạn thấy mình bắt đầu có quá nhiều suy nghĩ tiêu cực, hãy bắt đầu vận dụng trí tuệ của mình cho một việc đơn giản hơn như giải đố. Đây là một chiến lược hiệu quả đáng ngạc nhiên để thoát ra khỏi cảm xúc bi quan.
Bạn có đang gặp phải một trong 5 trường hợp trên? Hay bất cứ đồng nghiệp hoặc người thân nào dường như cũng rơi vào những cái bẫy này?
Đừng vội cảm thấy xấu hổ hay đưa ra phán xét nào bởi điều đó không cần thiết và cũng không giúp bạn khắc phục được các vấn đề này. Hãy nhớ rằng ngay cả những căn bệnh tâm lí lâu năm và nghiêm trọng vẫn có thể được giải quyết nếu bạn tiếp cận chính xác và phù hợp.