Triệu chứng và cách phòng ngừa cúm A/H5N1?

0
1763

Virus cúm gà ở VN hiện nay do virus A/H5N1, là loại có độc lực rất cao. Do đó, cần hiểu đươc triệu chứng và cách phòng ngừa để hạn chế tỉ lệ tử vong.

Bệnh cúm gà là gì?

Cúm gà là một bệnh truyền nhiễm, hoặc là hội chứng bệnh gây ra bởi type A của virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae. Virus cúm tác động rộng rãi trên người và động vật như chim, động vật có vú. Với gà, có rất nhiều chủng virus gây cúm ở mức độ khác nhau. Loài vật mắc bệnh rất đa dạng: gà, gà tây, chim cút, vịt, ngỗng, gà Nhật và rất nhiều loại chim hoang dã (bao gồm chim trời và chim nước).

Loại virus cúm gà ở VN hiện nay do virus A H5N1, được coi là loại có độc lực rất cao. Các dịch cúm do virus này gây ra làm gà chết với tỉ lệ 75-100%.

Bệnh cúm gà

Lây lan như thế nào?

Sự lan truyền virus cúm gà trong tự nhiên rất phức tạp, được ghi nhận qua các yếu tố sau:
+ Chim di trú: mang nguồn bệnh qua nhiều vùng, nhiều quốc gia và châu lục.
+ Mua bán gia cầm.
+ Sự di chuyển của con người mang theo virus.
+ Virus có thể lan truyền qua tiếp xúc, phân gia cầm,  thiết bị chăn nuôi, xe cộ, phương tiện đựng trứng, đựng gà, quần áo, giày dép…
+ Virus có thể tồn tại ở nhiệt độ thường 2-6 tháng. Trong sản phẩm đông lạnh, virus tồn tại rất lâu.
Hiện nay chưa xác định rõ gia cầm có thể trực tiếp truyền bệnh cho người hay không, nhưng các trường hợp nhiễm bệnh ở người đều có yếu tố sống trong vùng nuôi gia cầm.

Ở người, bệnh cúm gà biểu hiện như thế nào?

Bệnh nhân nhiễm virus cúm gà có một số biểu hiện như sốt cao, khó thở, có các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp (ho, sổ mũi), tổn thương phổi, diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong. Điều đáng lo ngại là virus cúm gà vào cơ thể người có thể kết hợp với các loại virus cúm khác tạo thành chủng loại virus cúm mới nguy hiểm hơn.

Vậy khi có trường hợp nghi ngờ bị bệnh cúm, phải điều trị thế nào?

Khi có các yếu tố nghi ngờ bị bệnh cúm, hãy đến trung tâm y tế quận huyện để được cách ly, điều trị tại chỗ theo đúng qui định của Sở Y tế TP. Hiện nay ngành y tế TP đã trang bị các phương tiện chẩn đoán bệnh, xét nghiệm xác định bệnh, trang thiết bị để chữa trị tích cực cho bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Khi có nghi ngờ cúm A, trung tâm y tế quận huyện sẽ chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, người bệnh không nên đi trực tiếp đến BV Bệnh nhiệt đới, tránh tình trạng dồn về một số cơ sở y tế lớn gây tình trạng quá tải.

Phòng ngừa dịch cúm ở gà và bệnh cúm ở người như thế nào?

Dựa trên kinh nghiệm các nước và chỉ đạo của Tổ chức Y tế thế giới, chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

+ Áp dụng “ba không”: không ăn – không nuôi – không mua bán vận chuyển các loại chim và gia cầm, bao gồm cả chim cảnh, chim phóng sinh, các loại chim hoang dã và các sản phẩm của gia cầm như lông, trứng.

+ Tiêu hủy toàn bộ gia cầm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế và thú y địa phương. Sau khi tiêu hủy gia cầm, cần làm vệ sinh chuồng trại và nhà cửa, vật dụng bằng cách phun hay lau bằng dung dịch Chloramin B có bán ở nhà thuốc, hoặc do đội vệ sinh phòng dịch địa phương cung cấp.

+ Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng chống bệnh lây qua đường hô hấp:

* Tránh tiếp xúc với người bệnh, tránh đến vùng có dịch bệnh, nếu phải tiếp xúc thì giữ khoảng cách 1-1,5m.
* Mang khẩu trang y tế (bán tại các cửa hàng trang thiết bị y tế) khi tiếp xúc với gà hay người bị bệnh.
* Rửa tay và vệ sinh thân thể với nước và xà phòng sau tiếp xúc.
* Dùng khăn che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
* Không đưa tay vào miệng, mũi, mắt.
* Nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
* Giữ cơ thể khỏe mạnh, ăn uống điều độ, tập thể dục để tăng cường đề kháng bảo vệ cơ thể. Nhỏ mũi họng bằng các thuốc sát khuẩn, uống vitamin C. Khi mắc bệnh cảm cúm cần nghỉ ở nhà, uống nhiều nước, nhất là nước trái cây, không uống rượu, hút thuốc và đến cơ sở y tế để khám bệnh sớm.

Đối phó với dịch cúm gà là nhiệm vụ lâu dài, cần bình tĩnh, chấp hành các qui định y tế sẽ hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây