Triệu chứng nhiễm cúm gia cầm trên người

0
1729

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh trao đổi với bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về triệu chứng của người bệnh khi nhiễm cúm gia cầm.

cho biết, cúm gia cầm lây theo đường nào?

+ Cúm A(H5N1) là dạng cúm gia cầm tương đối phổ biến, nó có thể gây chết cho chim và gia cầm, Cúm gia cầm trên người có Cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) đều gây tỷ lệ tử vong cho người mắc rất cao.

Triệu chứng nhiễm cúm gia cầm trên người
Hệ thống xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã làm được các xét nghiệm chẩn đoán cúm A(H5N1) và A(H7N9) trên người.

Chưa ghi nhận được việc lây từ người sang người của cúm A(H5N1) như virus (2019-nCoV) mà lây từ động vật sang người. Virus H5N1, H7N9 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã (chủ yếu là vịt trời) và gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt. Các địa điểm bán trứng, chim, gia cầm trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang người.

Bên cạnh đó, người còn có thể bị lây nhiễm cúm gia cầm từ thịt, trứng của những con chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa nấu chín hoàn toàn.

Hiện nay tại Trung Quốc đã xuất hiện ổ cúm A(H5N1) trên gia cầm. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus (2019-nCoV), tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng động vật và thực phẩm chế biến từ động vật nhập khẩu từ Trung Quốc nên nguy cơ lây nhiễm các ổ dịch cúm gia cầm cũng được hạn chế. Tuy nhiên, những năm trước, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ trên gia cầm nên người dân không nên chủ quan.

– Triệu chứng nào để nhận biết cúm gia cầm trên người và bệnh có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?

+ Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm gia cầm bắt đầu trong vòng hai đến bảy ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm. Phần lớn các trường hợp bị cúm gia cầm đều có chung triệu chứng giống với bệnh cúm thông thường, cũng như viêm đường hô hấp cấp: Ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở.

Triệu chứng nhiễm cúm gia cầm trên người
Virus H5N1, H7N9 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã và gia cầm (trong ảnh: Giết mổ gia cầm tại chợ Trung tâm TP Cẩm Phả)

Bên cạnh đó, một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt nhẹ (viêm kết mạc)

Nhiễm cúm gia cầm H5N1, H7N9 thường có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Bởi vậy, khi bạn bị sốt, ho, cơ thể bị đau nhức và gần đây bạn đã tiếp xúc ở khu vực đang có dịch cúm gia cầm, cần đến ngay các cơ sở y tế. Người bệnh sẽ khám, chẩn đoán và điều trị.

Người thân hoặc những người khác đã tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng theo dõi sức khoẻ để phát hiện sớm nếu có bệnh và không được chủ quan.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã làm được các xét nghiệm chẩn đoán cúm A(H5N1) và A(H7N9) trên người, điều này giúp rất nhiều cho việc khoanh vùng dập dịch nếu xuất hiện bệnh nhân.

– Cách phòng bệnh này ra sao, thưa bác sĩ?

+ Hiện nay chưa có vắc xin phòng cúm gia cầm trên người, do đó để phòng bệnh, điều đầu tiên là cần tránh tiếp xúc với gia cầm gây bệnh. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Triệu chứng nhiễm cúm gia cầm trên người
Tuyên truyền phòng chống các loại dịch bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cùng với đó, cần rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín cho dù gia cầm có nhiễm bệnh hay không. Khi giết mổ gia cầm cần phải đeo khẩu trang, găng tay; cẩn thận để tránh tiếp xúc trực tiếp gia cầm. Sau khi mổ, phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn.

Nếu gia đình có nuôi gia cầm thì phải tiêm phòng, khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi.

Bên cạnh đó, bạn cần hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; rửa tay trước và sau khi ăn. Giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn bằng cách dùng riêng dao, thớt cho thức ăn sống và thức ăn chín. Thực phẩm cần nấu chín kỹ, nhất là thịt và trứng gia cầm.

Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách giữ ấm cơ thể; chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể.

– Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây