Khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào nuôi chó mèo ở các thành phố tăng cao và số người chết vì bệnh dại năm sau luôn cao hơn năm trước.
Chó, mèo được coi là những động vật nuôi trong nhà, gần gũi với con người. Theo một nghiên cứu, những người nuôi, sống gần gũi với động vật thường hạnh phúc hơn người không nuôi. Tuy nhiên chúng cũng là vector truyền bệnh nguy hiểm cho con người.
1. Bệnh dại
Theo Cục Thú y, năm 2018, nước ta có 86 người tử vong vì bệnh dại, so với năm 2017 tăng 12 người. Số người phải điều trị dự phòng do chó, mèo cắn là hơn 400.000 người.
Nguồn gốc của bệnh dại do virus dại, lây truyền chính từ các loài động vật, chủ yếu là chó,mèo sang con người qua vết cắn hoặc vết trầy xước.
Bệnh dại có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc phần da bị trầy xước, hay lớp niêm mạc miệng, mũi của người.
Theo ThS. BS. Nguyễn Kiên Cường – Viện Y học dự phòng Quân đội, bệnh dại có thể lây truyền từ người mắc bệnh dại sang người lành.
Những nguy cơ do có tiếp xúc với nước bọt của người mắc bệnh dại thông qua: vết cắn, hôn, da bị trầy xước, niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng ăn uống có dính nước dãi của người mắc bệnh dại.
Vấn đề lây nhiễm bệnh dại từ người sang người không phổ biến, trên thế giới chỉ có 1 vài báo cáo mô tả trường hợp mắc bệnh dại từ người sang người thông qua vết cắn.
Ở nước ta, bệnh dại thường tăng cao từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Đa số các trường hợp tử vong do bệnh dại đều do không tiêm vắc xin.
Bệnh dại chưa có thuốc đặc trị để chữa trị, chỉ có thể phòng và điều trị bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Để phòng chống bệnh dại ở người, nên tiêm vắc xin phòng bệnh dại sớm cho người nghi ngờ bị động vật cắn, hoặc tiếp xúc với vết thương hở với máu, dịch tiết của động vật.
Chó là động vật được nhiều người nuôi trong nhà. Ảnh minh họa.
2. Sán chó
Theo BS. Nguyễn Thị Hòa – Bác sĩ đa khoa – Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết: bệnh sán chó hay còn gọi là bệnh giun đũa chó Toxocara.
Bệnh này chủ yếu lây nhiễm từ chó. Ấu trùng được phát tán từ phân chó ra môi trường bên ngoài, dính vào lông chó, rau, nước, vật dụng sinh hoạt sau đó lây nhiễm cho con người qua đường tiêu hóa.
Để điều trị bệnh sán chó thường dùng thuốc diệt ký sinh trùng có một trong các hoạt chất: Albendazole, Thiabendazole, Dietylcarbamazine.
Để phòng bệnh sán chó, con người cần ăn uống vệ sinh, hạn chế tiếp xúc với chó, mèo để không nhiễm bệnh. Chó, mèo nuôi trong nhà cần được tiêm phòng dại, tẩy giun sán định kỳ và được vệ sinh tắm rửa thường xuyên.
3. Nhiễm trùng khi bị mèo cào
Theo BS Đỗ Hữu Thảnh – Bệnh viện đa khoa Hà Nam, bệnh nhiễm trùng do mèo cào là một bệnh nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae. Bệnh lây nhiễm từ vết trầy xước do mèo cào, hoặc tiếp xúc với nước bọt khi mèo liếm, qua củng mạc mắt, niêm mạc mắt.
Vi khuẩn Bartonella có ở miệng hoặc móng vuốt của mèo. Vi khuẩn này không gây nguy hiểm cho mèo nhưng nguy hại khi xâm nhập vào cơ thể con người.
Khi bị nhiễm Bartonella henselae từ mèo cào, bệnh nhân sốt cao, rét run, có biểu hiện nhiễm độc nhiễm trùng toàn thân nặng. Bệnh nhân khi đó cần nhập viện sớm để được điều trị, thông báo cho bác sĩ biết thời gian và tình trạng vết mèo cào.
Để phòng bệnh, không nên bế hoặc ngủ với mèo. Cần vệ sinh chân tay sau khi tiếp xúc với mèo, tiêm phòng mèo định kỳ. Khi bị mèo cào, cắn, phải làm sạch vết thương với xà phòng diệt khuẩn rồi tới các cơ sở y tế để điều trị kịp thời tránh bị nhiễm trùng.
4. Dị ứng lông chó, mèo
Chó, mèo là động vật nuôi trong nhà nên lông dễ dính vào gối, đệm, thảm, vật dụng sinh hoạt. Khi hít phải lông chó mèo, bệnh nhân có triệu chứng ngứa mũi, chảy nước mũi, nổi mề đay, ho, hắt hơi.
Những người mắc bệnh hen, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng thường bị dị ứng lông chó, mèo. Đặc biệt là những bệnh nhân mắc hen phế quản hoặc bệnh hen suyễn nếu tiếp xúc với lông chó, mèo dễ bị dị ứng dẫn tới nguy hiểm tính mạng.
Theo BSCK II Vũ Thị Lừu – Chuyên khoa Nội – Tiêu hóa – Bệnh viện E cho biết: Bệnh nhân mắc hen phế quản cần tránh xa lông chó, mèo để không bị dị ứng, tránh khó thở.
Để bảo vệ bản thân tránh dị ứng với lông chó, mèo bạn không nên để vật nuôi sinh hoạt trong nhà. Chó mèo cần được cách ly với nơi ăn ngủ của con người. Bạn nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Nếu có dấu hiệu dị ứng với lông chó, mèo, bạn nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị.
Mèo là động vật nuôi trong nhà nên lông dễ dính vào thảm, chăn, vật dụng sinh hoạt. Ảnh minh họa.
5. Nhiễm virus từ chó mèo có thể sảy thai
Trong thời kỳ mang thai, bà bầu nên hạn chế tiếp xúc với mèo, đặc biệt là phân mèo. Nguyên nhân là do trong phân mèo tồn tại virus Toxoplasma Gondii.
Theo TS.BS.Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Sản N1 – Bệnh viện Từ Dũ, nếu bà bầu bị nhiễm Toxoplasma Gondii, khả năng lây truyền cho thai nhi là rất cao, chiếm đến 30%, kể cả khi mẹ bầu không có triệu chứng.
Toxoplasma Gondii là một loại ký sinh trùng có thể gây sảy thai, sinh non hoặc làm tổn thương hệ thần kinh của thai nhi, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa loại vi-rút này.
Nếu nhiễm bệnh Toxoplasma Gondii khi còn trong bụng mẹ, trẻ sinh ra có thể có triệu chứng tổn thương các cơ quan nội tạng, não bộ và mắt như: động kinh, gan và lá lách to, vàng da và mắt, nhiễm trùng mắt
Trong một số trường hợp, trẻ không có biểu hiện rõ rệt lúc sinh ra mà chỉ phát triển bệnh khi ở tuổi thiếu niên. Đó là nguy cơ nghe kém, tâm thần chậm phát triển, mắt bị nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ mù lòa.
Hiện nay chưa tìm ra vắc-xin chủng ngừa ký sinh trùng Toxoplasma Gondii.
Vì thế bà bầu vẫn nên phòng ngừa theo những biện pháp dưới đây:
-Hạn chế tiếp xúc vật nuôi, hoặc trong thời gian mang thai tốt nhất không nên nuôi chó, mèo.
-Sau khi tiếp xúc với chó mèo cần rửa tay chân thật sạch với xà phòng diệt khuẩn.
– Vật nuôi cần được khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng thường xuyên đề phòng nhiễm bệnh. Không nuôi chó mèo không rõ nguồn gốc.
-Bà bầu nên khám thai định kỳ để nếu có dấu hiệu bất thường sẽ được điều trị kịp thời.