Một số kinh nghiệm lái xe ô tô theo đoàn trong những chuyến đi du lịch dài ngày mà cánh tài xế cần lưu ý để có thể trải nghiệm hành trình vui vẻ và an toàn.
Vào các ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, nhiều gia đình có ô tô riêng thường lên kế hoạch đi chơi xa hoặc du lịch dài ngày cùng nhau. Những chuyến đi này mang đến trải nghiệm thú vị, khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống và là dịp để gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Và tất nhiên, sự an toàn luôn được đề cao hơn cả. Chính vì vậy, sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm lái xe ô tô theo đoàn trong những chuyến đi du lịch dài ngày mà cánh tài xế cần lưu ý để có thể trải nghiệm hành trình vui vẻ và an toàn.
1. Có kế hoạch cụ thể, thống nhất lộ trình
Khi có ý định tự lái xe đi du lịch, cần phải có kế hoạch cụ thể về chuyến đi. Nhiệm vụ này giao cho trưởng đoàn/người dẫn đầu/thành viên tổ chức chuyến đi. Qua đó trưởng đoàn cần xác định địa điểm xuất phát/điểm đến, số lượng người tham gia, số lượng xe ô tô của cả đoàn, lộ trình chuyến đi… Thống nhất hành trình về đường đi, điểm dừng chân/nghỉ lại và phổ biến rõ ràng cho tất cả các thành viên trong đoàn, đặc biệt là những người cầm lái. Các thành viên trong đoàn nên có số điện thoại của nhau để tiện liên lạc phòng bị các tình huống phát sinh.
Theo các chuyên gia giàu , các mẫu xe hiện nay trên thị trường hầu như đều được cài đặt hệ thống định vị hoặc có thể xác định đường đi thông qua ứng dụng bản đồ trên điện thoại di động. Các chủ xe cần nắm rõ lịch trình và đường đi để không bị lạc đoàn. Cùng với đó, người lái cũng cần phải hiểu rõ các quy định về Luật Giao thông đường bộ để chủ động điều khiển phương tiện trong suốt hành trình.
2. Kiểm tra lại xe
Lưu ý, trước mỗi chuyến đi, cần kiểm tra lại xe để đảm bảo mọi bộ phận vẫn hoạt động tốt. Có như vậy, bạn sẽ yên tâm hơn khi lái xe và thật sự tận hưởng hành trình. Những bộ phận quan trọng trên xe như đèn, phanh, còi, gương, lốp xe, động cơ và lượng nhiên liệu cần được đặc biệt kiểm tra. Nếu cẩn thận hơn trước khi chuyến đi khởi hành, chủ xe có thể mang ô tô đến các gara để được chăm sóc và bảo dưỡng xe tốt hơn.
3. Chuẩn bị lương thực và các vật dụng cần thiết
Khi tự lái xe ô tô đi chơi xa, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi thứ. Mặc dù với bối cảnh xã hội phát triển hiện đại mang đến sự tiện dụng nhưng không vì thế mà chủ quan khiến bản thân rơi vào thế bị động và gây ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển của cả đoàn. Để sẵn một ít đồ ăn nhẹ trên xe và không quên chuẩn bị hộp y tế cũng như bộ dụng cụ sửa chữa phòng trường hợp xe hư hỏng trên đường đi.
4. Xe dẫn đầu đoàn
Lái xe ô tô theo đoàn cần một người dẫn đầu có kỹ năng lái tốt và giàu kinh nghiệm. Diễn biến lộ trình của chuyến đi chơi suôn sẻ hay gặp trục trặc, chậm kế hoạch… phần lớn do người dẫn đầu. Chính vì vậy, người lái xe dẫn đầu phải là người nắm rõ lộ trình nhất để có thể dẫn dắt các xe khác di chuyển đúng kế hoạch.
5. Xe chốt đoàn
Ngoài vị trí ‘chỉ huy, định hướng’ của xe dẫn đầu, vai trò của xe đi cuối đoàn cũng cực kỳ quan trọng, giống như là người bảo hộ vậy. Xe chốt đoàn có nhiệm vụ quan sát các xe khác và kết nối với xe đi đầu để nắm được tình hình di chuyển của cả đoàn.
6. Ký hiệu nhận diện
Thực tế trong chuyến đi chơi xa mà cả đoàn có số lượng xe khá nhiều thì thông thường luôn có ký hiệu riêng để các thành viên dễ dàng nhận ra nhau. Cờ có màu sắc rực rỡ, logo/biểu tượng in hình/số nổi bật… là các ký hiệu để nhận diện thường được sử dụng. Những ký hiệu này thường được dán ở vị trí dễ nhìn thấy như kính chắn gió và kính hậu.
7. Bộ đàm liên lạc
Kinh nghiệm lái xe ô tô theo đoàn cực hữu ích đó là dùng bộ đàm liên lạc. Phương tiện này sẽ giúp mọi người trong đoàn kết nối và giữ liên lạc với nhau.
8. Tốc độ hợp lý
Khi lái xe ô tô đường dài kể cả lưu thông trong thành phố đông đúc hay đường cao tốc, người lái luôn phải kiểm soát tốc độ. Nguyên tắc này càng phải được áp dụng nhất quán khi lái xe ô tô theo đoàn. Trong đó, vai trò của xe đi đầu cần được phát huy trong việc giữ tốc độ hợp lý, ổn định cho cả đoàn xe.
9. Khoảng cách an toàn giữa các xe
Cùng với việc kiểm soát tốc độ, cần phải giữ khoảng cách an toàn giữa các xe để nhịp độ di chuyển của cả đoàn được ổn định và diễn ra an toàn. Việc giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước giúp cho tài xế xử lý kịp thời những tình huống xảy ra đột ngột. Đối với xe dẫn đầu, cần phải ước lượng thời gian dừng đèn đỏ để điều chỉnh tốc độ hợp lý, hạn chế trường hợp các xe đi phía sau bị ‘đứt đuôi’. Đây là cực kỳ quan trọng mà cánh tài xế cần ghi nhớ và tuân thủ nghiêm túc.
10. Chủ động quan sát mọi tình hình
Xe chạy đường dài không thể tránh khỏi việc phải di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu hoặc những cung đường lầy lội hay hiểm trở. Lúc này kinh nghiệm lái xe và kỹ năng của người dẫn đầu chính là nhân tố quan trọng giúp cho cả đoàn vượt qua các chướng ngại vật. Các xe đi phía sau cần chú ý đi theo vệt bánh xe đi trước để đảm bảo sự an toàn. Tất nhiên, trong tình huống thực tế, người lái cần phải tạo cho mình sự bình tĩnh, chủ động và linh hoạt quan sát mọi diễn biến để tùy cơ ứng biến.
11. Thay phiên lái
Khi lái xe đường dài cần bố trí thay phiên nhau lái, tránh tình trạng 1 người cầm lái quá lâu sẽ bị mệt mỏi dẫn đến sự mất tập trung, gây nguy hiểm. Nếu không thể tiếp tục điều khiển phương tiện và trong trường hợp không có người lái thay, cần liên lạc với trưởng đoàn để có phương pháp xử lý kịp thời.
12. Thời gian nghỉ hợp lý
Sau khi lái xe khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, đoàn xe có thể dừng chân để nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ hợp lý sẽ giúp mọi người cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu để tiếp tục chuyến hành trình.