Khẩu trang chống cúm: Giặt bình thường không diệt được vi khuẩn

0
1698

Khẩu trang có thể giúp mọi người giảm nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, sử dụng quá lâu với những khẩu trang dầy, kín lại khiến cơ thể mệt mỏi và nguy cơ nhiễm bệnh về đường hô hấp cao hơn.

xem toàn bộ bệnh cúm và điều cần biết

Không đeo quá lâu

Lo sợ đại dịch cúm A/H1N1 lây lan, nhiều công sở, xí nghiệp hay trường học đều khuyến cáo nhân viên, học sinh sử dụng khẩu trang khi làm việc. Tuy nhiên, theo TS  Đào Ngọc Vinh, Giảng viên Trường Đại học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: Mặc dù việc đeo khẩu trang có khả năng ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm. Nhưng không nên sử dụng khẩu trang trong thời gian quá dài, đặc biệt với những loại khẩu trang kín, dầy. Phải thường xuyên thay khẩu trang nếu hoạt động trong môi trường ô nhiễm hoặc trong ổ dịch bệnh. Nếu không nguy cơ nhiễm bệnh từ chiếc khẩu trang còn cao hơn.

Đồng quan điểm, TS Trần Thạch Văn, Trưởng bộ môn Hoá, khối TH chuyên ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Các loại khẩu trang được quảng cáo là chống cúm hiện nay có độ dày, kín, cản trở được phần lớn chất độc ở bên ngoài. Riêng khẩu trang than hoạt tính có tính chất ẩm, bề mặt lớn nên hấp thụ khí tốt và cản trở được chất độc, khí bụi ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu đã đi vào vùng có ổ dịch hoặc nguy cơ lây nhiễm bệnh cao thì nên bỏ chiếc khẩu trang đó đi hoặc phải giải hấp bằng nhiệt độ cao vì giặt bình thường, không thể diệt được vi khuẩn.

Theo TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám và chữa bệnh (Bộ Y tế), môi trường dùng điều hoà, nhiệt độ thấp khiến virus cúm sống dai và khả năng lây nhiễm cao hơn môi trường thông thoáng, có ánh nắng mặt trời. Vì vậy, tốt nhất là nên mở cửa sổ, dùng quạt thay vì điều hoà.

Về việc đeo khẩu trang, TS Kính cho biết không nên đeo khẩu trang liên tục mà chỉ đeo khi đến những vùng ổ dịch, nguy cơ có thể lây lan hoặc khi đi trên các phương tiện giao thông kín như: Máy bay, tàu hỏa, ôtô, xe buýt, hoặc ở chốn đông người như bến tàu, bến xe… Nếu tiếp xúc với một người khác ở khoảng cách từ 1,5 – 2m thì không cần thiết phải đeo khẩu trang.
Khẩu trang chống cúm: Giặt bình thường không diệt được vi khuẩn
Chỉ đeo khẩu trang khi đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1.

Đeo khẩu trang đúng cách

– Không nên kéo xuống dưới mũi cho dễ thở hoặc kéo lên khỏi miệng để nói chuyện.

– Không bỏ khẩu trang ra ngoài khi hắt xì hơi, ho.

– Sau khi đeo khẩu trang phải đảm bảo khẩu trang được đặt từ sống mũi đến cằm, để ngăn cản các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể, tăng cường hệ hô hấp.

– Đặt khẩu trang cho phần màu đen (đối với khẩu trang hoạt tính) hướng ra phía ngoài ngay ngắn giữa sống mũi và cằm. Kéo hai dây buộc vòng sau hai tai.

– Điều chỉnh phần mũi cho ôm vừa vặn sống mũi đảm bảo bịt kín mọi kẽ hở.

– Kéo phần khẩu trang xuống dưới cằm cho vừa vặn.

– Khi cảm giác có mùi lạ, phải thay khẩu trang.

Mai Thúy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây