Thay vì suy nghĩ xem con nên làm nghề gì trong tương lai, hãy chuẩn bị cho các các kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới ngày càng phức tạp.
Ngày nay, nhu cầu về các loại nghề nghiệp liên tục thay đổi. “Lập trình viên”, “quản lý mạng” phổ biến hơn nhiều so với trước nhưng không có lý do gì để chúng ta tin rằng trong tương lai nó vẫn tiếp tục được cần như hiện nay. Công nghệ nói riêng và thế giới nói chung, đang định hình lại với tốc độ chóng mặt. Rất nhiều bậc phụ huynh tự hỏi “Làm thế nào để chuẩn bị cho bọn trẻ những nghề nghiệp trong tương lai?” Điều này thậm chí còn khó khăn hơn khi mà có những nghề thậm chí bây giờ chưa hề xuất hiện. Tuy nhiên, thay vì suy nghĩ xem nghề gì kiếm được nhiều tiền, hãy chuẩn bị cho con những kỹ năng làm việc trong tương lai cũng như khả năng cần thiết để thành công trong thế giới ngày càng phức tạp.
1. Thay vì ca ngợi trí thông minh, hãy khen ngợi tác phong làm việc
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khen ngợi trẻ em thông minh có thể khiến chúng sợ thử thách bản thân. Vì thế, hãy khen ngơi tinh thần làm việc của chúng. Khi con bạn gặp phải một vấn đề khó và cố gắng để giải quyết nó một cách kiên định, không từ bỏ thì trong lần tới khi gặp phải tình huống tương tự, chúng sẽ tự tin hơn.
Trong tương lai của thị trường nghề nghiệp, các lựa chọn ngành nghề khác nhau liên quan nhiều đến nhau, điều đó có nghĩa bạn cần chuẩn bị cho con trong một thế giới liên tục đổi thay đầy thách thức. Bọn trẻ sẽ phải biết tận dụng sự thay đổi có lợi thay vì lo sợ chúng.
2. Dạy con cách giải quyết vấn đề
Để thực hiện tốt công việc, bọn trẻ cần biết cách giải quyết vấn đề của chính mình. Điều này bao gồm cả việc tranh giành một món đồ chơi với bạn đến các vấn đề đòi hỏi kỹ năng và nỗ lực ví dụ như xây một ngôi nhà đồ chơi. Khi gặp vấn đề với những đứa trẻ khác, con bạn cần được dạy về sự hợp tác. Còn trong trường hợp đồ chơi, bạn có thể cho con làm quen với các trò như Lego, giải câu đố hoặc lắp ráp mô hình máy bay và tàu.
3. Khuyến khích con hợp tác với bạn bè
Mặc dù con người đang ngày càng độc lập hơn trong cuộc sống nhưng công việc thì luôn đòi hỏi có sự hợp tác. Mọi người cần phải làm việc với nhau để đạt được thành công. Do đó, con bạn cần học cách quản lý người khác và lãnh đạo những ai có thể giúp đỡ chúng. Bố mẹ có thể giúp con phát triển kỹ năng quản lý bằng cách cho trẻ học cách tự quyết định một số công việc như địa điểm đi chơi cuối tuần, hoạt động hàng ngày, chọn hoạt động vui chơi cho cả gia đình. Điều này giúp tăng cường sự tự tin của con.
4. Không ngăn cản sự sáng tạo của trẻ
Rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng những môn học ở trường như toán hay văn mới là môn học cơ bản giúp trẻ thành công trong tương lai, nhưng điều này không nhất thiết phải đúng. Nếu không có sự sáng tạo, con bạn không thể tận dụng tốt các kỹ năng chúng học ở trường. Vì vậy, nếu phát hiện ra bất kỳ năng khiếu sáng tạo nào ở con, hãy tìm cách khuyến khích nó phát triển. Trong tương lai, sự sáng tạo là sẽ giúp con bạn trở nên khác biệt trong một căn phòng đầy những người giống hệt nhau.
5. Khuyến khích tư duy phê phán
Bất cứ khi nào có thể, bạn hãy khuyến khích tư duy phê phán của con để con không nhìn mọi vật theo cách chúng vốn có. Nếu cả nhà đi chơi công viên, bạn hãy hỏi con xem con sẽ làm gì để khu vui chơi thú vị hơn. Còn nếu đi ăn hàng, hãy khuyến khích con suy nghĩ xem thiết kế có thể thay đổi được điều gì hay không? Mọi tư duy phê phán đều nên được cổ vũ vì chúng mở ra cho thế giới một cơ hội cải tiến tốt hơn.
6. Cho con cơ hội lên tiếng
Trong thế giới ngày nay, không có chỗ cho cụm từ “Vì bố/ mẹ nói vậy”, trừ khi bạn muốn dạy con chỉ biết làm theo những gì người khác nói mà không nghĩ cho mình. Trong tương lai, và cả hiện tại, những ai để người khác lãnh đạo sẽ không bao giờ phát huy hết tiềm năng của mình. Hãy để con có tiếng nói riêng và được nói ra những gì chúng nghĩ. Cách này giúp bọn trẻ biết rằng chúng cũng có quyền được yêu cầu và nhận những gì chúng muốn theo một cách thông minh và khôn ngoan.
7. Dạy con cách nghĩ về các cảm xúc của mình
Phần lớn chúng ta không được dạy kỹ năng này khiến rất nhiều người dành cả cuộc đời để tự chỉ trích bản thân khi không đạt được những gì mình mong muốn. Tuy nhiên, khi bạn học được cách nghĩ về những cảm xúc của mình từ khi còn trẻ, các chỉ trích cay nghiệt sẽ biến mất, thay vào đó là những chỉ trích mang tính xây dựng. Sau khi con bạn làm sai một việc gì đó, thay vì la mắng con khiến chúng sợ hãi và trở nên im lặng, bạn hãy hỏi “Con có thử làm cùng bạn nào không?”, hay “Con có tức giận vì việc đó khó quá nên con không thể làm được không?” Các câu hỏi này sẽ giúp bọn trẻ hiểu cảm giác của chúng và những sai lầm mà chúng nên tránh trong lần thử sức tiếp theo.