Thay vì đợi đến khi trưởng thành, hãy dạy cho con mình các kỹ năng mềm ngay từ bé để chúng sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thách thức nào trong cuộc đời.
Chia sẻ
Một đứa trẻ sẵn sàng chia sẻ đồ ăn hay đồ chơi sẽ dễ kết bạn hơn. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ em trên 2 tuổi đã bắt đầu có mong muốn chia sẻ với người khác nhưng chỉ khi chúng cảm thấy dư thừa. Trẻ em trong độ tuổi từ 3-6 thường ích kỷ hơn. Ở độ tuổi 7-8, hầu hết trẻ em đều quan tâm tới sự công bằng và sẵn lòng chia sẻ hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, chia sẻ khiến trẻ cảm nhận tích cực hơn về bản thân. Vì vậy, dạy trẻ chia sẻ là chính là một cách để nâng cao lòng tự trọng cho chúng.
Dù không muốn ép con mình chia sẻ một số đồ chơi nhất định với một số đứa trẻ nhất định, bạn có thể tạo thói quen cho trẻ bằng cách khen con khi chúng làm thế và cho trẻ biết điều đó có ý nghĩa với người khác như thế nào. Hãy để trẻ thấy đó là điều tốt nên làm.
Hợp tác
Kỹ năng hợp tác tốt sẽ giúp trẻ hòa nhập thành công trong cộng đồng. Con bạn sẽ cần hợp tác với các bạn cùng lớp mỗi khi chơi hay khi học. Biết hợp tác từ bé cũng sẽ giúp con bạn khi trưởng thành sau này. Hầu hết các công ty giờ đây đều yêu cầu nhân viên biết làm việc theo nhóm. Ngoài ra, hợp tác cũng là chìa khóa trong các mối quan hệ lành mạnh.
Vì vậy, hãy nói với trẻ về tầm quan trọng của làm việc nhóm và các hoạt động tập thể. Bạn cũng nên tổ chức các hoạt động mà cả nhà có thể cùng tham gia với nhau.
Lắng nghe
Lắng nghe không chỉ đơn giản là giữ im lặng, mà phải thực sự hiểu những gì người khác đang nói. Chuyện học ở trên lớp của trẻ cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng lắng nghe những gì giáo viên giảng. Chưa kể, sau này khi lớn lên, trẻ cũng cần học cách lắng nghe sếp, gia đình và bạn bè.
Khi đọc một cuốn sách cho trẻ, thi thoảng bạn hãy dừng lại và yêu cầu bé kể về những gì bạn đang đọc. Hãy giúp trẻ bổ sung những đoạn mà chúng chưa nghe được và khuyến khích trẻ lắng nghe khi bạn kể tiếp. Ngoài ra, đừng cho phép trẻ ngắt lời người khác khi họ nói chuyện.
Thực hiện theo chỉ dẫn
Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc làm theo chỉ dẫn sẽ thường đối mặt với nhiều hậu quả: làm lại bài tập, cư xử sai trái,… Vì thế, trẻ cần được học cách tuân theo chỉ dẫn của người lớn để rèn tính kỷ luật. Khi dạy trẻ, bạn cần tránh đưa ra quá nhiều mệnh lệnh cùng lúc, hoặc biến mệnh lệnh thành câu hỏi.
Mỗi khi trẻ vâng lời, bạn hãy khen chúng, chẳng hạn như “Cảm ơn con đã tắt TV ngay khi mẹ bảo.” Để trẻ dần hoàn thiện kỹ năng, hãy đưa ra những mệnh lệnh đơn giản để chúng tuân theo. Hãy nhờ trẻ một cách lịch sự và có lời khen ngay sau đó để khuyến khích chúng.
Tôn trọng không gian cá nhân
Dạy trẻ tôn trọng không gian cá nhân là một cách để trẻ biết tôn trọng người khác. Ở nhà, bạn có thể đặt ra một số luật lệ như “Gõ cửa trước khi vào phòng” để trẻ hiểu được vấn đề.
Bên cạnh đó, hãy hướng dẫn con bạn giữ khoảng cách khi nói chuyện với người khác. Khi trẻ đứng xếp hàng, nhắc nhở trẻ về khoảng cách phù hợp và dặn trẻ không nên táy máy. Bạn có thể đưa ra nhiều tình huống để trẻ thực hành cho phù hợp.
Giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt là một điều rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, một số trẻ lại cảm thấy khó khăn khi phải nhìn vào mắt người khác trong lúc giao tiếp.
Dù con bạn nhút nhát, thích nhìn chằm chằm xuống sàn, hay chỉ đơn giản là không nhìn lên vì quá chú tâm vào điều khác, hãy nhấn mạnh với trẻ về tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng mắt. Khi trẻ không thực hiện, bạn cần nhắc nhở ngay. Nếu trẻ nhớ giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện, hãy khen ngợi chúng.
Cư xử đúng phép tắc
Cư xử đúng phép tắc sẽ giúp chúng ta phát triển những mối quan hệ, giúp đạt được thành công trong công việc, cuộc sống. Giáo viên, phụ huynh và bạn bè đồng trang lứa cũng sẽ tôn trọng một đứa trẻ lịch sự.
Tất nhiên, dạy trẻ cách cư xử là một con đường gian nan. Vì vậy, hãy là một hình mẫu tốt cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Bạn cũng đừng quên ứng xử lịch sự, nói lời cảm ơn và xin lỗi thường xuyên để con tập theo. Hãy nhắc nhở nếu con quên mất phép tắc và khen ngợi nếu con ứng xử lịch sự với người khác.