Khoai sọ một loại củ khá phổ biến và được nhiều người biết đến ở nước ta hiện nay. Chúng chủ yếu được dùng trong việc làm các món ăn trong gia đình. Tuy nhiên về mặt y học chúng cũng có nhiều các tác dụng lớn như: chữa tiêu chảy, chữa mụn nhọt, chữa mày đay, cơ thể mất nước… Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn đọc toàn cảnh về loài cây này nhé.
Khoai sọ là gì
Tên thường gọi là khoai sọ, khoai nước. Tên tiếng anh là Elephant-ear, Taro, Cocoyam và tên khoa học của chúng là Colocasia esculenta (L.) Schott đồng nghĩa Colocasia antiquorum Schott.
Khoai sọ thuộc loại cây thân thảo, sống lâu năm, có thân ngầm phình to phát triển thành củ, cao khoangt ừ 0,5-2m. Rễ chùm, mọc từ đốt xung quanh thân củ.ngắn và có màu trắng. Củ nằm trong đất, sần sùi, trên thân củ có nhiều đốt, mỗi đốt có mầm phát triển thành nhánh. Mỗi củ có 3 phần: phần vỏ ngoài, vỏ áo và lõi củ (thịt củ).
Lá hình khiên, gốc hình tim, phiến lá nhẵn, chiều dài khoảng từ 20-70cm, rộng 15-70cm. Lá có màu xanh cũng có lá màu tím thẫm, có thể 1 màu hay thêm đốm hoặc vệt màu khác. Lá có 3 gân chính và có nhiều gân nhỏ tạo thành hình mắt lưới. Cuống lá được gọi là dọc lá, mập, bẹ ôm thân, mọc đứng.
Hoa dạng cụm, một cụm hoa gồm 1 cuống ngắn, 1 trục hoa và 1 bao mo. Bao mo gồm 2 phần, phần trên màu vàng phần dưới màu xanh, dài khoảng 20cm ôm lấy trục hoa. Trục hoa ngắn hơn mo, gồm phần dưới cùng là hoa cái, tiếp đến phần không sinh sản, trên nữa là hoa đực và cuối cùng là phần phụ không sinh sản.Quả mọng, chứa nhiều hạt, đường kính khoảng 3-5cm. Mỗi hạt còn có nội nhũ.
Phân bố và thu hái khoai sọ
Theo một số nguồn tài liệu, khoai sọ có nguồn gốc từ các dải đất kéo dài từ Đông Nam Ấn Độ và Đông Nam Á đến Papua New Guiea và Melannesia.Khoai sọ được trồng khá phổ biến trên thế giới.Ở Việt Nam, tại đồng bằng song Cửu Long, khoai sọ còn từng được xem là cây lương thực chính của người dân.Khắp các tỉnh từ Bắc vô Nam, khoai sọ được trồng rất nhiều, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Khoai sọ trồng vào tháng 11-12, thu hoạch vào tháng 7 ở Bắc Bộ. Bộ phận sử dụng thường là củ và lá của cây.
Thành phần hóa học của khoai sọ
Trong khoai sọ có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng như tinh bột, đường, chất xơ, axit amin. Cụ thể như sau, trong 100g củ khoai sọ tươi có: Hàm lượng 114kcal, 1,8g protein, 0,1g lipid, 26,5g glucid, 1,2g chất xơ, 64mg canxi, 75mg phosphor, 1,5g sắt, 10mg caroten, 0,06mg vitamin B1, 0,03mg vitamin B2, 0,1 mg vitamin PP, 4mg vitamin C.
Trong 100g khoai sọ khô thì có: 3,1g protid, 73g glucid, 15g nước, 3,1g cenllulose và 3,6g chất khoáng toàn phần.Các chất xơ có trong khoai sọ có tác dụng nhuận tràng và hỗ trợ tiêu hóa, các axit béo có tác dụng làm hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu. Hàm lượng vitamin c cao làm tăng sức đề kháng cho cơ thể và chống lão hóa.
Theo đông y, lá khoai sọ có vị cay, tính bình, có độc. Củ khoai sọ có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng bổ thận, điều hòa nội tạng.
Tác dụng và một số bài thuốc chữa bệnh của khoai sọ
1. Chữa ho
Lấy khoai sọ nấu với cá diếc hoặc cá quả (cá chuối) để ăn.
2. Giúp nhuận tràng, chống táo bón
Dùng khoai luộc hoặc nấu canh ăn thường xuyên hơn rất tốt cho tiêu hóa.Hoặc nấu cháo khoai sọ nêm 1 chút muối sẽ nhanh chóng hết táo bón.
3. Chữa tiêu chảy
Sắc lấy nước uống từ 30g lá khoai sọ, 30g củ cà rốt và 1 vài nhánh tỏi.
4. Cơ thể bị suy nhược
Dùng 100g khoai sọ nấu canh với 50g thịt lợn nạc ăn trong các bữa ăn hàng ngày. Hoặc có thể thay thịt lơn bằng móng giò. Với cách ăn như vậy sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục, ích khí, bổ âm.
Hoặc 250g khoai sọ gọt vỏ thái miếng nhỏ, 50g táo tàu, 50g đường đỏ, cho vào nấu thành chè, chia ăn 3-4 lần trong ngày.
5. Chữa vết thương kín sưng nề bầm tím
Giã nát 120g khoai sọ, 3 củ hành sống và thêm 1 chút rượu. Cho hỗn hợp vào trong gạc rồi đắp lên vết thương.
6. Mụn nhọt, mụn đầu đinh
Cho 1 củ khoai tươi nấu cùng giấm, nghiền nát thành hỗn hợp sệt rồi đắp vào chỗ mụn.
7. Chữa gân cốt đau nhức, sưng tấy
Giã nát 200g khoai sọ với 200g gừng tươi, cho vào gạc đắp vào chỗ đau, ngày thay 2 lần.
8. Chữa chứng mệt mỏi, kém ăn, miệng khát, đuối sức
Lấy 200g khoai sọ, 50g củ mài (sơn dược), 50g gạo tẻ. Rửa sạch, cho tất cả vào nấu cháo, ăn trong ngày.
9. Chữa mày đay
Lấy 60g bẹ lá khoai, 30g rễ cây tai chuột, 30g hồng táo, 30g đường đỏ. Sắc lấy nước uống trong ngày.
10. Chữa chứng suy nhược thần kinh, trí nhớ giảm
Lấy 300g khoai sọ, 100g đậu ngự, cho khoai sọ xào qua rồi cho nước nấu khoảng 10 phút rồi cho đậu ngự vào hầm chín, thêm gia vị, ăn nóng.
11. Chữa kiết lỵ lâu ngày không khỏi
Sắc lấy nước từ 50g khoai sọ, chia 2 lần uống trong ngày, nếu lỵ ra máu thì khi uống pha thêm đường đỏ, lỵ không máu chỉ có chất nhày thì pha thêm đường trắng.
12. Chữa viêm khớp, u hạch
Ăn cháo cá quả nấu cùng khoai sọ, rau cần, rau ngổ, ăn nóng rất tốt để chữa bệnh viêm khớp.
13. Chữa vết bỏng
Lấy khaoi sọ giã nhỏ, lấy bã đắp lên vết bỏng sẽ nhanh lên da non và chóng liền sẹo.
14. Trị rắn cắn, ong đốt
Lấy lá khoai tươi giã nát, đắp vào chỗ đau.
15. Chữa u bướu vùng hầu họng
Sắc lấy nước uống từ 15-20g khoai sọ và 50g rễ kỷ tử. Sắc trong 2 giờ, ngày 1 lần.Liệu trình liên tục 60 ngày.
16. An thai
Lá khoai sọ rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Mỗi lần dùng 20-30g kết hợp với lá vông, lá gai, sắc với 400ml nước, chia 2 lần trong ngày.
17. Tránh tính trạng cơ thể mất nước
Nấu canh cua rau muống cùng khoai sọ, thêm vào thực đơn món canh này trước thời tiết màu hè oi bức sẽ giúp tiêu khát.
18. Chữa trên mình nổi phong ngứa
Nấu nước từ củ khoai sọ rồi tắm.
Do trong khoai có chứa nhiều kali nên ăn nhiều khoai giúp kiểm soát mức huyết áp. Trong 100g khoai sọ có 1,5g chất xơ, đáp ứng được 27% lượng chất xơ cơ thể cần trong ngày, từ đó hạn chế tăng cân cho những người ăn kiêng.
Lưu ý khi sử dụng khoai sọ
Khi ăn khoai không nên gọt vỏ khoai quá dày sẽ làm mất đi lớp protein ở lớp vỏ của củ. Còn khi ăn luộc chỉ nên rửa sạch rồi luộc chứ k gọt vỏ.
Những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn khoai sọ, do hàm lượng tinh bột có trong khoai cao. Khi vào cơ thể tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường, từ đó vô tình làm bệnh nặng hơn.
Nên ngâm khoai trước khi nấu để làm giảm lượng canxi oxalate, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút nếu không biết cách sơ chế khoai đúng cách và ăn quá nhiều khoai. Khi nấu thì cần nấu khoai chín kỹ.
Để gọt khoai không bị ngứa có thể dùng găng tay nilon để gọt hoặc để khoai khô khi gọt.