Những điều tránh nói khi trả lời phỏng vấn xin việc

0
3183

Dân trí Các cuộc phỏng vấn có lẽ là phần căng thẳng nhất trong quá trình tìm việc của bạn. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ thứ gì liên quan, bao gồm cả những điều mà bạn không bao giờ nên nói khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng.

Nếu “sảy miệng” nói ra một điều gì đó không phù hợp, tất cả mọi công sức mà bạn bỏ ra từ đầu quá trình tìm việc có thể đổ cả xuống sông xuống biển. Dưới đây là 9 điều mà bạn không nên nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn xin việc:

1. Tôi thực sự cảm thấy lo lắng

Cảm giác lo lắng của bạn khi đối diện với nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn là điều rất tự nhiên và dễ hiểu. Mặc dù vậy, bạn hoàn toàn không nên nói với người phỏng vấn về nỗi lo đó. Việc bạn cần làm trong cuộc phỏng vấn là thể hiện một phong thái tự tin và chuyên nghiệp. Bạn sẽ không giành được điểm nào nếu thừa nhận sự bồn chồn, hay đổ lỗi cho sự lo lắng đó về bất kỳ thất bại nào của bạn trong cuộc phỏng vấn.

2. Tôi thực sự không biết gì nhiều về công việc này. Tôi nghĩ là ông/bà sẽ nói với tôi về công việc.

Đây là một sai lầm lớn của người tìm việc, và cái giá phải trả có thể là cơ hội bị vuột mất. Các nhà tuyển dụng phải dành ra nhiều thời gian để phỏng vấn, và họ kỳ vọng các ứng viên đã nghiên cứu về công việc cần tuyển tới mức đủ để giải thích vì sao mà họ muốn vị trí đó. Trong khi đó, bạn có thể làm nhà tuyển dụng mất thời gian nếu bạn đi phỏng vấn cho một công việc mà rất có thể là bạn không thực sự mong muốn. Việc đưa ra các câu hỏi cho nhà tuyển dụng là quan trọng, nhưng đừng hỏi bất kỳ điều gì mà bạn lẽ ra đã biết từ mô tả công việc, hoặc từ việc đọc thông tin về công ty trên mạng.

3. Sếp/đồng nghiệp/khách hàng cũ của tôi đúng là một kẻ gàn dở.

Có khả năng nhà tuyển dụng sẽ gợi ý để bạn kể những câu chuyển liên quan tới sếp cũ hoặc môi trường làm việc cũ/hiện tại của bạn. Khi đó, hãy cố gắng đừng “nói xấu” về bất kỳ ai, cho dù bạn có một vị sếp tồi. Cách nói như vậy là không chuyên nghiệp và nhà tuyển dụng có thể lo ngại về những gì bạn có thể nói với người khác về họ trong tương lai. Thay vào đó, hãy nghĩ cách để miêu tả về môi trường làm việc trước của bạn với những gì bạn đã học hỏi được, hay những thành tích mà bạn tự hào.

4. Điểm yếu lớn nhất của tôi là (một thứ gì đó liên quan trực tiếp tới công việc cần tuyển).

“Điểm yếu của bạn là gì?” là một trong những câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” nhất. Không có một câu trả lời hoàn hảo nào cho câu hỏi này, nhưng có một câu trả lời mà bạn không bao giờ nên đưa ra. Đó là thừa nhận một điểm yếu có ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành công việc của bạn.

Nếu mô tả công việc mà bạn đang phỏng vấn đòi hỏi khả năng sáng tạo lớn, và bạn lại nói rằng khả năng sáng tạo của bạn gần đây đã suy giảm, thì bạn đã gần như nắm chắc phần thất bại. Hãy chọn là một điểm yếu không liên quan gì tới công việc mà bạn đang ứng tuyển, rồi giải thích bạn sẽ làm thể nào để khắc phục điểm yếu đó.

5. Nói tục, dùng từ lóng

Nói tục, dùng từ lóng không phải là chuyện bị cấm kỵ hoàn toàn ở các công sở. Tuy nhiên, phỏng vấn xin việc không phải là lúc bạn thể hiện khả năng có thể nói năng như một… tên cướp biển.

6. Xin chờ một phút, tôi phải trả lời cú điện thoại này.

Các nhà tuyển dụng không cảm thấy thoải mái khi ứng viên trả lời điện thoại hoặc tin nhắn khi đang được phỏng vấn trực tiếp. Hãy tắt điện thoại của bạn để không bị làm phiền vào lúc này.

7. Tôi sẽ được nghỉ bao lâu mỗi lần?

Đừng bao giờ hỏi những câu hỏi kiểu này trong một cuộc phỏng vấn, vì hỏi như vậy sẽ khiến bạn có vẻ quan tâm tới những thứ ngoài lề hơn là công việc.

8. Tôi có thể làm việc ở nhà không?

Cho dù bạn đã chắc chắn công ty mà bạn đang phỏng vấn có chính sách cho nhân viên làm việc ở nhà, thì cuộc phỏng vấn cũng không phải là lúc phù hợp để bạn hỏi về điều đó.

9. Gia đình là thứ quan trọng nhất đối với tôi.

Điều này là đúng đối với nhiều người. Nhưng bạn không cần phải giải thích là gia đình có ý nghĩa ra sao với bạn trong cuộc phỏng vấn việc làm. Bạn khó giành được điểm cộng khi đề cập tới chuyện này, cho dù công ty đang phỏng vấn bạn là một môi trường thân thiện với gia đình. Điều mà nhà tuyển dụng muốn là bạn thể hiện sẽ cống hiến hết mình cho các nhu cầu của công ty.

Cuối cùng, trong quá trình phỏng vấn, hãy dừng lại cân nhắc về những gì mình sắp nói ra nếu bạn cảm thấy nghi ngờ về tính phù hợp của điều đó. Áp dụng những lời khuyên trên đây sẽ giúp bạn có phong thái và những câu trả lời chuyên nghiệp, khôn ngoan để nắm bắt cơ hội việc làm.

Phương Anh
Theo CareerBliss

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây