“Người thầy”, “Những tấm lòng cao cả” hay “Totochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ”… khắc họa thành công hình ảnh người giáo viên nhân hậu, luôn hết lòng vì sự nghiệp trồng người.
Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis)
Những tấm lòng cao cả là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Cuốn sách ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 19 nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt đối với ngành giáo dục. Qua trang nhật ký của cậu học trò Enrico, ta bắt gặp hình tượng những người thầy vừa gần gũi, thân quen, vừa đáng kính trọng.
Đó là thầy hiệu trưởng cao lớn, đầu hói, râu dài, ăn mặc rất chỉn chu nhưng lại rất hiền. Với những học sinh mắc lỗi, thầy chỉ “nắm lấy tay học trò, dịu dàng khuyến khích, giảng giải cho họ phải cư xử như thế nào” và kết quả là “thường thường thì học sinh hối hận vì lỗi lầm của mình và sẽ không mắc lại nữa”.
Hành động ấm áp ấy khiến “ra khỏi phòng của thầy, học sinh đều rơm rớm nước mắt, và hổ thẹn hơn là bị phạt”. Sau khi đứa mất đứa con trai, thầy Hiệu muốn nghỉ hưu nhưng thầy lại thấy đau khổ khi phải chia tay học sinh của mình nên thầy chần chừ mãi và rồi đã phải xé lá đơn xin từ chức đi và tiếp tục ở lại trường.
Đó là một cụ giáo già đầy tâm huyết, muốn dạy học đến ngày cuối cùng của cuộc đời, nhưng năm 82 tuổi, cụ run tay và trót đánh rơi giọt mực xuống trang vở của học sinh nên đành phải xin về.
Khi phải xa học sinh, xa mái trường, cụ giáo đã cay đắng tâm sự: “Tôi hiểu rằng cuộc đời đối với tôi như vậy là hết rồi, không còn trường học nữa, không còn sức trẻ nữa, tôi cũng không sống được bao lâu nữa”.
Và thầy giáo có tên Péc-bô-ni, chủ nhiệm lớp Enrico cũng thật đáng kính. Ông không có gia đình riêng, mặc dù không bao giờ cười nhưng thầy lại luôn kiên nhẫn, tìm hiểu, yêu thương và chia sẻ với từng học sinh.
Khi phải bắt buộc phạt một học sinh vì ngỗ ngược, phá rối thì thầy rất đau lòng. Khi thấy kết quả thi cuối năm của học sinh mình đều tốt, thầy đã làm vui học sinh mình bằng cách giả bộ trượt chân, phải bám vào bức tường cho khỏi ngã.
Tất cả những hình ảnh ấy đã khắc họa bức tranh giáo dục tươi đẹp, trong sáng, đáng quý trọng mà nhân loại vẫn đang hướng tới.
Người thầy – Hồi ức của một nhà giáo Mỹ (Frank McCourt)
Người thầy là cuốn tự truyện giàu cảm xúc của Frank McCourt, nhà văn đã từng đoạt giải Pulitzer, đồng thời cũng là một thầy giáo dạy văn.
Cuốn sách bắt đầu bằng những chuyện giản dị của một giáo viên tập sự. Ông từng phải đối mặt với vô vàn tình huống oái oăm từ lũ học trò 16 tuổi ngỗ ngược. Ông cũng suýt bị sa thải bởi phương pháp dạy học ngược đời.
Thế nhưng McCourt vẫn không bao giờ từ bỏ ước mơ đánh thức tâm hồn bọn trẻ, những thiếu niên nổi loạn và có phần lãnh cảm trước giáo viên và cả nền giáo dục.
Bằng lòng kiên nhẫn của mình, McCourt đã thực sự mang đến những thay đổi và ảnh hưởng mạnh mẽ với học trò của mình. Ông không ngại đem cả sách nấu ăn trong giờ học sáng tác hay ra đề cho cả lớp viết thư xin lỗi chúa trời thay cho Adam hoặc Eva, cho đến những chuyến trải nghiệm thực tế bổ ích.
Những giờ học của ông luôn rộn ràng và tràn đầy năng lượng như thế. Mặt khác, McCourt còn khéo léo truyền tải những thông điệp đan cài về cuộc sống, về sự nhường nhịn lẫn nhau trong từng bài giảng.
Bằng giọng văn hóm hỉnh, văn phong táo bạo, chân thực và có sức lay động lòng người, McCount đã đem tới cho người đọc một cuốn tự truyện chân thực và đầy giá trị. Năm 1976, ông được phong danh hiệu Nhà giáo của Năm, danh hiệu cao quý của một nhà giáo Mỹ.
Tottochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi)
Totto Chan là một cô bé hiếu động không thể ngồi yên trong lớp. Mới 6 tuổi, cô bé đã bị “đuổi học” bởi tính cách lạ lùng của mình. Mẹ cô bé đã quyết định chuyển em đến trường Tomoe, nơi bà nghĩ là cô bé có thể bộc lộ hết khả năng của mình.
Trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi có phòng học được làm từ những toa tàu đã cũ. Ở đây, học sinh được chọn môn học theo ý thích của mình, được thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, khi học xong bài còn được cô giáo cho đi dạo. Thầy hiệu trưởng Kobayashi luôn khuyến khích các em nói lên điều mình muốn, ông luôn sẵn sàng lắng nghe những ý nghĩ đó.
Thầy còn chăm lo đến từng bữa ăn của học sinh, khuyến khích các em tham gia các hoạt động phát triển thể chất, nhìn ra thế mạnh của từng em và khuyến khích chúng… Nhờ phương pháp giáo dục “mở” này, học sinh Tomoe đều trở thành những người thành đạt trong xã hội.
Trong lời kể ngây thơ của cô bé Tottochan, thầy hiệu trưởng hiện lên như một người cha nhân từ. Sau này, tác giả Tetsuko Kuroyanagi đã chia sẻ: “Nếu không học ở Tomoe, nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho”.
Trên bục giảng (Brad Cohen, Lisa Wysocky)
Brad Cohen mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh. Từ nhỏ, anh thường xuyên co giật và phát ra những âm thanh ồn ào, có khi nghe như tiếng chó sủa. Brad không thể nào kiểm soát được chúng.
Ở thập niên 1980, đây là một chứng bệnh cực hiếm mà không bác sĩ nào có thể lý giải rõ ràng. Vì thế, anh trở thành tâm điểm bị chế nhạo và là nỗi sợ hãi của tất cả mọi người xung quanh. Họ kỳ thị và xua đuổi Brad như ma ám. Anh bị cấm bén mảng đến rạp chiếu phim, rạp hát, nhà hàng…
Ngoài gia đình, Brad chỉ biết tin tưởng, bấu víu vào những người thầy mà anh vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng rồi họ cũng nhiều lần đuổi anh ra khỏi lớp khiến anh đau khổ vô cùng.
Để chữa lành vết thương của chính mình, Brad nuôi ước mơ trở thành thầy giáo – một hình mẫu giáo viên chân chính mà anh luôn mường tượng. Đó là người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn nâng đỡ tâm hồn học trò.
Muốn hiện thực hóa điều đó, Brad đã phải trả qua hành trình gian nan, đầy rẫy chông gai. Sau nhiều năm, Brad cũng chạm tới ước mơ của mình. Năm 2006, cuốn sách mang tên Trên bục giảng của anh giành giải thưởng sách giáo dục dành cho những nhà xuất bản tự do. Cuộc đời của anh cũng trở thành chủ đề cho bộ phim của hãng Hallmark Hall of Fame.
Viết lên hy vọng (Erin Gruwell và những nhà văn tự do)
Vào năm 1994, Erin Gruwell – một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng – về dạy tại trường Trung học Wilson, Long Beach, California. Như nhiều giáo viên mới ra trường khác, cô phải đương đầu với một lớp học toàn những học sinh cá biệt, những thành phần “hết thuốc chữa” vô cùng “nguy hiểm”.
Ban đầu, gần như cả lớp đều tỏ thái độ chống đối cô bằng những trò quậy phá, đánh nhau trong lớp, trốn tiết… nhưng cô vẫn không đầu hàng. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất và cô hạ quyết tâm các học sinh “hết thuốc chữa” của mình phải có được cơ hội giáo dục bình đẳng như tất cả mọi người.
Erin giới thiệu với các em cuốn nhật ký của Anne Frank và truyền cảm hứng cho các em viết. Những trang viết của lũ trẻ tái hiện lại cuộc sống đầy rẫy bạo lực, vô gia cư, phân biệt chủng tộc, bệnh tật, bị lạm dụng… Từ những dòng nhật ký đó, Erin Grruwell dần thấu hiểu học trò và tìm mọi cách giúp các em lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
Tuy nhiên, “những đứa trẻ ở phòng 203” khiến cuộc sống riêng tư của Erin gần như bị đảo lộn bởi cô dành quá nhiều thời gian và tâm huyết cho lũ trẻ. Các đồng nghiệp cũng tỏ thái độ thiếu thiện chí với cô.
Nhưng cuối cùng, những nỗ lực của cô trò Erin đã được đền đáp khi cuốn sách Viết lên hy vọng, tập hợp những trang nhật ký của cô và các em được xuất bản vào năm 1999, làm rung chuyển nền giáo dục nước Mỹ thời điểm bấy giờ. Cuốn sách liên tục lọt vào bảng xếp hạng sách bán chạy trên New York Times. Năm 2007, bộ phim Nhật ký những nhà văn tự do (Freedom Writers Diary) cũng được xây dựng kịch bản dựa trên cuốn sách.