Hiện nay nghề trồng hoa lan phát triển rất mạnh. Hoa lan Việt Nam có rất nhiều chủng loại, mỗi loại mang một vẻ đẹp khác nhau. Mùi hương quyến rũ cùng với vẻ đẹp kiêu sa của chúng đã làm mê hoặc biết bao người. Có nhiều loài thích hợp trồng như Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, Cattleya… Đây là những loài ra hoa khỏe, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên chọn: Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp.
1. Thiết kế vườn:
– Nếu trồng để kinh doanh cần thiết kế khung giàn lan làm bằng sắt chắc chắn, đảm bảo bền, chống gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hay xanh đen. Giàn đặt chậu bằng sắt, giàn treo bằng tầm vông hay sắt ống nước. Hàng trồng nên thiết kế vuông góc với hướng đi của ánh nắng.
– Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thủy , nguyệt quế … để giảm bớt sự khô nóng do ảnh hưởng của kết cấu bê tông, mái tôn…xung quanh.
2. Chọn giống: Có rất nhiều loài:
– Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là các giống: MoNaKa, Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, cattleya…là những loài hoa khỏe, đẹp và bền cây, cho ra hoa liên tục. Nên trồng nhiều chủng loại, nhiều màu sắc sẽ dễ tiêu thụ trên thị trường.
– Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp vì đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa.
– Trồng lan có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm, chọn tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2-3 nhánh. Dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, vết cắt cần gọn, sau cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.
3. Chuẩn bị giá thể và chậu:
Giá thể để trồng lan có thể dùng than gỗ, xơ dừa, vỏ đậu phộng.
+ Than gỗ nung chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3cm, đem ngâm, rửa sạch, phơi khô.
+ Xơ dừa xé tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tamin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa chặt khúc 1 x 2 x3cm xử lý nước vôi 5%.
+ Vỏ đậu phộng: Dùng vòi nước phun nhiều lần để lượt bỏ một số tạp chất, giảm nhiệt, chất dầu, sau đó cho vỏ đậu phộng vào chậu bằng nhựa hay khay đất nung, kích cở tùy loại và độ tuổi. Nếu trồng trên luống thì cho vỏ đậu phộng vào luống dày 20cm. Nếu trồng kinh doanh thì dùng giá thể là vỏ đậu phộng thì giá thành rẻ hơn. Ngoài ra vỏ đậu phộng hút nước ít, độ ẩm vừa phải, lan ít bị nấm hơn.
4. Cách trồng:
– Trồng trên luống: Làm luống rộng 80cm, dài tùy khổ đất, cho vỏ đậu phộng vào dày 20cm. Hai đầu luống có thể dùng cột bêtông hay cột sắt để căng dây cáp, mỗi luống cần 3 hàng dây cáp nhỏ trên thanh ngang để định vị cho cây lan. Có thể điều chỉnh độ cao của dây cáp theo sự phát triển của lan.
– Nếu dùng lan cấy mô thì khi lan mô đạt khoảng 4cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6 -7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Khoảng 6 tháng thì chuyển sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng 1 tuần mới được bón phân. Thay chậu còn tùy kích cỡ của cây, mức độ thối, hư mục rêu bám…
* Lưu ý: Lan trồng trong chậu lâu ngày ra hoa ít, cần dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.
5. Chăm sóc:
Lan là cây trồng dễ chăm sóc, nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất cho lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.
– Ánh sáng: Lan không chịu ánh sáng mạnh, cần làm giàn lưới che bớt ánh sáng, khi mới trồng nên làm lưới che hai lớp. Ánh sáng khoảng 65 – 70% là tốt nhất. Sau khi trồng xong tưới nước luôn (tưới phun sương) và duy trì 2 lần/ngày. Sau trồng 3 ngày tưới vitamin B1, pha 1cc/lít để kích thích ra rễ. Sau 7 ngày tưới phân NPK 30 – 10 – 10, liều lượng 5 – 10g pha vào bình 8 lít để phun. Khi cây nảy chồi mới, cây ra rễ nhiều ta tăng lượng phân bón.
– Phân bón: Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn. Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển.
– Tưới nước: Lan rất cần nước cho quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết. Thừa nước, cây dễ bị thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sít nhau. Quá nhiều nước rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh. Nước tưới cho lan không quá mặn, phèn và clor dưới ngưỡng cho phép, pH 5,6. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.
– Phòng trừ sâu bệnh: Lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Nếu lan bị các loại sâu hại thân lá có thể dùng các thuốc chứa hoạt chất Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400EC, hoạt chất Cartap như Patox 95SP hay Captafon, Captan hoặc Actara 25WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WP hay Benomyl.
6. Thu hoạch và bảo quản hoa:
Hoa cắt cành ngâm trong dung dịch khoảng 15phút giúp hoa lâu héo, sau đó bọc lại bằng giấy báo.