Bao lâu thì cần thay mới lọc gió động cơ ôtô? Các thao tác thay lọc gió ôtô như thế nào?
Tôi mới mua lại một chiếc Toyota Altis cũ đời 2013. Do lần đầu sử dụng xe nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi muốn hỏi lọc gió động cơ ôtô bao lâu thì nên thay mới? Các thao tác thay lọc gió như thế nào? Tôi có thể tự làm tại nhà hay không? Xin cảm ơn.
Văn Hoàng, 32 tuổi, Hà Nội
Minh Hùng, chuyên gia ôtô
Chào bạn. Mỗi hãng xe đều có hướng dẫn sử dụng đính kèm cho mỗi mẫu xe, trong đó có lưu ý về điều kiện bảo dưỡng, thay thế các bộ phận. Chủ xe sẽ dựa trên hướng dẫn này để ước tính thời gian bảo dưỡng và thay mới một cách phù hợp.
Thông thường, đối với xe mới, lọc gió động cơ ôtô cần thay vệ sinh sau mỗi 5.000 km và thay mới sau mỗi 20.000 km. Tuy nhiên với trường hợp của bạn là xe đã qua sử dụng, thời điểm cần thay lọc gió có thể sớm hơn và tùy theo điều kiện hoạt động của xe, có thể thay vệ sinh 3.000 km hoặc mỗi tháng một lần, và thay mới sau mỗi 15.000 km.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý theo dõi tình trạng của xe, nếu có một trong những dấu hiệu như xe chạy hao xăng, động cơ thường xuyên bị tắt đột ngột, nhanh nóng và điều hòa không đủ mát thì bạn nên lập tức kiểm tra lọc gió động cơ và vệ sinh hoặc thay mới (nếu cần).
Các thao tác thay lọc gió động cơ tuy không quá phức tạp, nhưng lời khuyên cho bạn là nên đem xe đến các gara uy tín để được kiểm tra một cách chính xác tình trạng của xe.
Trường hợp bạn muốn tự thao tác tại nhà, nên lưu ý làm theo các bước sau đây:
– Mở nắp capo, đợi cho động cơ nguội hẳn.
– Xác định chính xác vị trí hộp chứa lọc gió.
– Mở hộp chứa bằng công cụ phù hợp, lấy lọc gió ra khỏi hộp chứa.
– Vệ sinh lọc gió bằng cách gõ nhẹ xuống sàn để bụi và cặn bẩn rơi ra. Sau đó dùng máy hút bụi hoặc máy xịt không khí đưa vào từng lớp để vệ sinh toàn bộ phần bụi bẩn.
– Tuyệt đối không nhúng lọc gió vào nước sẽ làm hỏng lọc gió.
– Trong trường hợp lọc gió quá bẩn không thể làm sạch, thay lọc gió mới, lưu ý lắp đúng chiều vào hộp chứa.
– Kiểm tra lần cuối bằng cách khởi động máy, đệm ga lớn và dùng tay để kiểm tra cổ góp gió xem có không khí hút vào hay không, phòng trường hợp bị nghẹt.