Cây Muồng Trâu và #12 công dụng chữa bệnh không ngờ

0
3111

Cây muồng trâu là cây thuốc nam quý, thường dùng chữa các bệnh ngoài da, giải nhiệt và chữa bệnh trong đông y. Cây có nguồn gốc từ Mehico, sau này được phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, cây thường mọc ở những bãi đất trống, ưa đất cao ráo, thời tiết nóng. Cùng Backhoa.net tìm hiểu rõ hơn về công dụng của loại cây này qua bài viết sau.

Cây muồng trâu là gì

Còn có tên gọi khác là cây muồng lác, cây lác,… Tên khoa học là Cassia alata L., thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Cây Muồng Trâu và #12 công dụng chữa bệnh không ngờ

Đặc điểm cây muồng trâu

Cây nhỏ, cao từ 1,5-3m, thân gỗ mềm, có đường kính 10-15cm. Lá kép lông chim chẵn, dài 30-40cm, có 8-14 đôi lá chét. Lá chét có hình trứng, đỉnh lá tròn, cặp lá chét đầu tiên gầ phía cuống nhỏ nhất và cách cặp lá chét thứ 2 một quãng hơi xa, còn các cặp lá chét sau xếp khoảng cách giống nhau. Cặp lá chét trên cùng dài hơn, khoảng 12-14cm.

Hoa mọc thành cụm, bông dày đặc nhiều hoa, dài 30-40cm, có màu vàng sẫm. Quả dạng đậu dài 10-16cm, rộng 15-17mm, dọc theo chiều quả có 2 cánh. Khi non có màu xanh lục và khi khô già chuyển thành màu nâu. Mỗi quả chứa tới 60 hạt.

Phân bố và thu hái muồng trâu

Cây mọc hoang và phân bố nhiều từ các tỉnh miền Trung vào đến miền Tây nước ta, nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Cà Mau, Đồng Tháp,…

Cây được thu hoạch vào mùa hè hoặc mùa thu trước khi cây ra hoa sau đó. Toàn bộ các bộ phận của cây như lá, thân, hạt đều được dùng làm thuốc chữa bệnh. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần. Quả thu hái vào tháng 11-12, tách lấy hạt dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học của muồng trâu

Theo nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, trong 100g lá muồng trâu tươi có 0,57-1,43g protein, 4,16-6,0g đường khử, 7,82-10,51g lipid, 8,35-15,2g cellulose, trong đó lá bánh tẻ có hàm lượng đường khử và lipid cao hơn so với lá non và lá già.

Hàm lượng vit C trong 100g lá là 0,970-1,362g và từ dịch chiết từ lá muồng trâu trong ethanol 85% thu được 6,14% cao lá. Loại cao này có hoạt tính kháng khuẩn với 5 chủng vi khuẩn kiểm định, trong đó kháng mạnh nhất với B.subtilis.

Cây Muồng Trâu và #12 công dụng chữa bệnh không ngờ

Ngoài ra, cây muồng trâu còn chứa các dược chất như anthraquinones (một loại dược chất mạnh dùng để chữa trị các bệnh về da), acide chrysophanique, flavonoid, đặc biệt khi lá vừa được hái xong người ta tìm thấy glucoside, khi sấy khô ở nhiệt độ 40 độ C, hợp chất này phân chia thành các sennosides.

Sennosides có cơ chế hoạt động như sau: khi vào đến đại tràng, dưới tác động của vi khuẩn đường ruột, chúng được thủy phân và giải phóng chất anthrones. Anthrones ảnh hưởng đến nhu động ruột, có tác dụng nhuận tràng mạnh.

Trong đông y, cây muồng trâu có vị hơi đắng, mùi hăng, tính mát, có tác dụng nhuận tràng, sát trùng, lợi tiểu và chữa các bệnh về da. Riêng lá muồng trâu có vị cay, tính ấm, có khả năng sát trùng cao.

Tác dụng của cây muồng trâu

1. Chữa táo bón do nhiệt 

Lấy 20g muồng trâu, 20g chút chít và 6g đại hoàng, sắc cùng 500ml nước uống trong ngày, dùng liên tục 5 ngày sẽ thấy hiệu quả. Hoặc dùng lá muồng trâu tươi giã nát vắt lấy nước cốt uống.

2. Chữa lang ben

Hái 1 nắm lá muồng trâu tươi rửa sạch, cho vào ấm đun sôi cùng một vài hạt muối rồi dùng nước đó để tắm, thực hiện kiên trì mỗi ngày 1 lần, hoặc trực tiếp giã nát lá đắp lên vùng da bị bệnh, ngày thực hiện 2-3 lần.

3. Trị hắc lào, ghẻ

Lá muồng trâu rửa sạch, giã nát lấy nước cốt, thêm một vài hạt muối rồi bôi lên vùng da bị bệnh.

(theo Lương y Vũ Quốc Trung – Hội Đông y Hà Nội)

4. Điều trị thấp khớp

Dùng 40g cây muồng trâu, 30g cây vòi voi, 20g tang sinh ký, 20g quế chi, 20g dứa dại, 20g rễ cỏ xước, tất cả sắc với 600ml nước cho đến khi còn 200ml, lấy nước chia uống 2-3 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong 7-10 ngày.

(theo Lương y Vũ Quốc Trung – Hội Đông y Hà Nội)

5. Chữa mẩn ngứa ngoài da

Lấy lá muồng trâu rửa sạch, sắc đặc dùng để tắm hoặc giã nát đắp trực tiếp lên da. Ngoài ra, có thể dùng cuống lá và quả khô không hạt 5-20g, ngâm trong 1 lít nước đun sôi, sau đó uống 1 cốc nhỏ vào buổi tối.

(theo Lương y Bùi Hồng Minh – Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội)

6. Giảm đau do viêm họng

Hái 1 nắm lá muồng trâu rửa sạch, giã nhuyễn và thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, sau đó pha thêm nước dùng để súc miệng và họng 3 lần trong ngày.

(theo Lương y Bùi Hồng Minh – Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội)

7. Chữa ban chẩn

Lấy 8g lá muồng trâu, 10g hương bài, 8g ké đầu ngựa, 8g mùi tàu, 8g đọt tre non, 6g mức hoa trắng, 2g đăng tâm, 4g trần bì, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

8. Trị bệnh vảy nến

Dùng lá và ngọn cây muồng trâu tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt, dùng bông thấm nước cốt rồi thoa lên vùng da bị bệnh, để khô trong 1 giờ rồi rửa lại với nước và lau khô, thực hiện 2-3 lần trong ngày.

9. Chữa viêm thần kinh tọa

Lấy 24g muồng trâu, 20g cây lức, 12g thần thông, 12g rễ nhàu, 12g kiến cò, 8g đỗ trọng, đun sôi lấy nước uống trong ngày. Mỗi ngày 1 thang trong 7-10 ngày.

(theo Lương y Vũ Quốc Trung – Hội Đông y Hà Nội)

10. Chữa phù thũng, nóng gan, đau gan vàng da

Lấy cành, lá và rễ cây muồng trâu đem sao vàng rồi sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày.

(theo Lương y Bùi Hồng Minh – Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội)

11. Chữa mày đay

10g lá muồng trâu, 12g ké đầu ngựa, 15g hà thủ ô, 15g rau má, 12g cam thảo đất, 12g cam thảo dây, 10g rau ngót, 12g rau sam, 8g đậu săng, 10g nhân trần, 12g rau đắng đất, 10g lá mã đề, 10g khổ sâm, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.

12. Giải độc, kích thích tiêu hóa

Lấy 4g muồng trâu, 8g cỏ mực, 8g rau má, 8g cỏ mần trầu, 8g ké đầu ngựa, 8g cam thảo đất, 8g rễ cỏ tranh, 4g gừng tươi, 4g củ sả, 4g vỏ quýt, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.

Lưu ý khi dùng cỏ muồng trâu

Những người có tỳ vị hư hàn thường hay bị lạnh bụng hay tiêu chảy không nên uống lá muồng trâu, vì sẽ gây tiêu chảy. Không nên dùng quá nhiều lá muồng trâu và trong thời gian dài.

Bài thuốc trên trước khi áp dụng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc. chúc các bạn  thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây