Bí kíp trả lời phỏng vấn xin việc

0
3074

Bên cạnh việc chuẩn bị CV ấn tượng thì thư ngỏ cũng rất quan trọng. Khi trả lời phỏng vấn cần chứng tỏ mình là người phù hợp nhất cho vị trí ứng tuyển.

Với kinh nghiệm 10 năm tuyển dụng nhân sự, Bernard Skinner (quốc tịch Australia) chia sẻ nhiều bí kíp cho ứng viên khi đi xin việc. Anh cho biết, khi mở đầu buổi trò chuyện, nếu được hỏi “Hello, how are you?”, người Việt Nam thường trả lời “I’m fine. How are you”. Lời khuyên cho các ứng viên là hãy trả lời theo đúng cảm giác mà mình đang có như đang mệt, đang tức giận, vui vẻ, thấy không khỏe lắm…

CV, thư ngỏ ấn tượng

Bernard chia sẻ, để có thể xin việc thành công, ứng viên cần có những bí kíp. Đó là bắt đầu bằng một CV ấn tượng với bố cục hợp lý và hấp dẫn, ví dụ như đưa những công việc gần nhất lên trước.

“Hãy lập hồ sơ năng lực cá nhân trên Linkedin càng sớm càng tốt. Đừng quan tâm quá nhiều đến Facebook vì đó không phải là địa chỉ tin cậy và chuyên nghiệp cho các nhà tuyển dụng”, Bernard nói.

Anh chia sẻ, viết thư ngỏ tốt cũng là điều rất quan trọng. Nếu như không biết tên người mình đang gửi tới thì nên bắt đầu bằng chức danh của họ. Trong lá thư này, ứng viên cần nói rõ lý do quan tâm đến công ty và mong muốn ứng tuyển vào vị trí nào đó cũng như lưu ý nhấn mạnh về năng lực của bản thân, kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển.

Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn

Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, theo Bernie, ứng viên nên lựa chọn trang phục phù hợp, chú ý tới cả những chi tiết nhỏ như màu sắc và đừng bao giờ đến muộn. Ứng viên cũng phải tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển cả trước khi nộp hồ sơ và sau buổi phỏng vấn.

“Khi tham gia buổi phỏng vấn, hãy cố gắng chứng tỏ bạn là người phù hợp nhất cho vị trí ứng tuyển và đừng ngần ngại đưa ra những câu hỏi về công ty và cả thông tin chi tiết về công việc”, chuyên gia tuyển dụng của Australia nói.

Bernie nhận xét, điểm chung của những người ứng tuyển ở Việt Nam là quá chú ý tới kiến thức ở trường lớp và thiếu những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Ở Australia, những người tuyển dụng không chỉ đánh giá về kiến thức chuyên môn mà còn đánh giá về kỹ năng thực tế, thái độ. Vì vậy, khi có ứng viên tới ứng tuyển, người tuyển dụng sẽ gọi điện cho người quản lý trước của ứng viên để nghe phản hồi từ họ.

Những câu hỏi thường gặp

Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc một công ty đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin chia sẻ, trong yêu cầu tuyển dụng của các công ty thường ghi yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp lại không đặt kỳ vọng cao rằng ứng viên đã có ngay chuyên môn tốt, làm việc được ngay.

Với sinh viên mới ra trường, nên bắt đầu ứng tuyển từ những vị trí thấp ở công ty. Ví dụ như theo đuổi ngành marketing thì nên bắt đầu bằng vị trí nhân viên marketing – vị trí thấp nhất của phòng. Khi nhà tuyển dụng yêu cầu phải có kinh nghiệm thì ứng viên cũng đừng nghĩ rằng mình phải có mấy năm kinh nghiệm, mà đó có thể là kinh nghiệm làm việc thời sinh viên.

“Đó có thể là những công việc bán thời gian nhưng thực sự có trải nghiệm trong lĩnh vực ấy là được. Bạn cũng có thể theo học các khóa học ngắn hạn về kỹ năng trong ngành nghề mình theo đuổi. Nhà tuyển dụng để ý rất nhiều đến thái độ đối với công việc của ứng viên, thế nên yếu tố quyết định không phải ở chuyên môn mà là ở kỹ năng, thái độ”, ông Tuấn Anh nói.

Ở một số công ty, nhà tuyển dụng hỏi những câu đơn giản như: Một ngày em làm những việc gì? Ngủ bao nhiêu tiếng? Có mơ không và mơ về gì?… Ứng viên thường không chuẩn bị và nghĩ rằng đó là những câu hỏi lung tung. Thế nhưng theo ông Chu Tuấn Anh, tất cả câu hỏi có mục đích.

Nếu tuyển người ở vị trí hành chính, tức là người đó phải làm nhiệm vụ mua bán cho công ty và rất nhiều việc nhỏ thì sẽ hỏi ứng viên ở nhà có hay đi chợ hay mua sắm không. Nếu câu trả lời là “không phải làm gì” thì sẽ không tuyển bởi hành chính phải là người có kinh nghiệm đàm phán và khả năng mua bán. Cách đơn giản để biết ứng viên có khả năng hay không chính là thông qua cách làm việc nhà.

Hoặc nếu tuyển ứng viên vào làm marketing thì sẽ hỏi “trong thời gian rảnh bạn làm gì?”. Nếu là thích đọc sách, nghiên cứu thì bạn đó sẽ hợp với những công việc nghiên cứu hơn, còn những người hướng ngoại, hay đi chơi sẽ hợp với marketing hơn.

Mức lương mong muốn?

Nhiều ứng viên là sinh viên mới ra trường băn khoăn trước câu hỏi của nhà tuyển dụng: “Em mong muốn mức lương được trả là bao nhiêu?”. Ông Tuấn Anh cho biết, các công ty đều có hệ thống lương. Họ sẽ không phá vỡ hệ thống ấy bởi nếu phá vỡ thì chính bạn sẽ bị sức ép từ đồng nghiệp và bị quá sức. Câu hỏi này nhằm xác định cảm nhận giá trị của ứng viên và sự tự tin để đánh giá phù hợp.

“Các bạn nên xác định sự nghiệp thành giai đoạn. Tôi khuyên rằng hãy bỏ ra 3 năm để đi làm lấy kiến thức, trau dồi kinh nghiệm làm nền tảng. Đừng đặt cao vấn đề về lương và hãy sòng phẳng với nhà tuyển dụng. Sau 3 năm tích lũy, bạn đã hiểu được bản thân và nhu cầu thị trường, lúc ấy bạn có thể định giá cho chính sức lao động của mình”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Câu hỏi khó

Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể đặt ứng viên vào tình huống khó khăn không thể cứu vãn của công ty và muốn họ tìm ra giải pháp. Đó chính là kiểm tra kinh nghiệm thực tế của ứng viên.

“Bản thân tôi ít khi hỏi ứng viên những câu hỏi đó, bởi khi nhà tuyển dụng hỏi như vậy thì họ thật sự bế tắc và nếu có ứng viên xuất sắc đưa ra được câu trả lời hoàn hảo thì họ phải là quản lý của người tuyển dụng đó mất rồi. Tôi chỉ mong nhân viên của mình ở mức độ căn bản thôi”.

Tuy nhiên, ông Chu Tuấn Anh cũng hướng dẫn ứng viên khi trả lời câu hỏi này thì nên đứng ở khía cạnh của doanh nghiệp, hiểu rằng họ cần lợi nhuận. Vì vậy, hãy chọn phương án nào có thể đảm bảo được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ông cho rằng, câu trả lời tốt nhất đối với ứng viên là sẽ cân nhắc kỹ về khả năng sinh lợi của dự án, trong trường hợp phương án này tiếp tục gây lỗ và không có lợi nhuận thì sẽ dừng lại, nhưng phải xin ý kiến cấp trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây