Theo các chuyên gia tâm lí, thói quen tài chính hay cách tiêu tiền của mỗi người thể hiện tính cách và mục tiêu của họ trong cuộc sống.
Thói quen tài chính tiết lộ tính cách của bạn
Tính cách của một người và thái độ của họ với tiền có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chỉ cần quan sát cách chàng trai đang hẹn hò hay đối tác sắp kí hợp đồng chi trả hóa đơn, bạn có thể biết được người ấy có thực sự đáng tin hay không.
Người bạn luôn khăng khăng trả hóa đơn trong các buổi tụ tập có thể không có cái ví dày cộp mà chỉ là ý muốn thể hiện bản thân. Hay bạn cho rằng việc kiểm tra số dư ngân hàng hoặc danh mục đầu tư thường xuyên là khôn ngoan nhưng dù trên thực tế, bạn chỉ đang bù đắp cho sự thiếu kiểm soát trong nhiều mặt khác của cuộc sống cá nhân.
Nhà đầu tư cẩn trọng
Những người đầu tư cẩn trọng hay giao dịch, đầu tư thường xuyên và tin rằng họ có lợi thế hơn những người khác. Dù rất tự tin, họ vẫn dễ bị thị trường đánh bại và giao dịch nhiều đồng nghĩa với việc họ phải trả chi phí cao hơn.
Greg B Davies, người đã nghiên cứu mô hình giao dịch và tính cách tài chính của hàng ngàn nhà đầu tư bán lẻ tại Barclays, cho biết loại tính cách này rất phổ biến đối với các nhà đầu tư giàu có.
Họ đã vượt qua giai đoạn phân vân và có khuynh hướng hành động – một xu hướng muốn làm mọi thứ thay vì cân nhắc. Họ sẽ cảm thấy muốn đối đầu rủi ro khi mọi thứ đang tốt và loại bỏ rủi ro khi cảm thấy tồi tệ.
Ông Davies, người đã ra mắt công ty tư vấn Centapse, nói rằng những người như vậy có xu hướng quên đi lợi nhuận của họ thực sự là gì và chỉ nhớ những quyết định sáng suốt từng đưa ra.
Người tích trữ
Đối với người tích trữ, tiền là biểu tượng của sự. Họ sợ hãi mọi rủi ro và thậm chí có thể dự trữ tiền mặt nhiều hơn khi chi tiêu hoặc đầu tư bởi cảm giác cầm tiền cho họ sự an tâm.
Claudia Hammond, một giảng viên tâm lí và tác giả cuốn sách Mind Over Money cho biết những người được nuôi dưỡng trong một gia đình tiền bạc eo hẹp thường có xu hướng này.
Mọi người đều cần một quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp nhưng tiền mặt không phải là một khoản đầu tư dài hạn phù hợp (thậm chí rủi ro nhiều hơn vào thời điểm lạm phát gia tăng). Nếu bạn là người đang gặp vấn đề này và không sẵn sàng đầu tư hay cho đi bất cứ điều gì, hãy tìm kiếm các nhà tư vấn tài chính hoặc tâm lí phù hợp.
Người tiêu tiền để mua giá trị xã hội
Bạn cảm thấy hạnh phúc khi mua sắm?
Bạn có thường xuyên mua quà cho người thân vào các dịp đặc biệt chỉ vì đó là truyền thống phổ biến?
Bạn chính là người mua giá trị xã hội – một kiểu người được Viện Chính sách Sức khỏe Tâm thần và Tiền bạc định nghĩa là người thực hiện mua hàng (cho bản thân hoặc người khác) để nâng cao lòng tự trọng của bản thân.
Ở mức cực đoan, hành vi này có thể giống như nghiện rượu, giáo sư Beattie cho biết. Ông từng phỏng vấn những người rải túi quần áo mới khắp nhà để người thân của họ có thể nhìn thấy. So sánh hành vi này với cách những người nghiện rượu thường giấu các chai rỗng hết sức vụng về, điểm tương đồng là không thể chối cãi.
Ở những người khác, các triệu chứng ít cực đoan hơn. Có lẽ bạn sẽ thấy thích thú khi nhìn vào những thứ trong cửa hàng hoặc ngay cả khi bạn mặc thứ gì đó mới lần đầu tiên và mọi người nói nó rất đẹp.
Tất nhiên, đây là cách chủ nghĩa tiêu dùng hoạt động nhưng những người chi tiêu và mua quá nhiều có thể vô thức sử dụng tiền thay cho tình yêu và tình cảm, Giáo sư Furnham nói thêm. Đáng buồn thay, kết quả cuối cùng thường là nợ nần.
Phụ nữ không phải đối tượng duy nhất thể hiện hành vi này dù họ có xu hướng mua quần áo, mĩ phẩm trong khi một người đàn ông có thể cố gắng nâng cao ý thức về giá trị bản thân với một chiếc xe hơi đắt tiền.
Máy bắn tiền
Một tính cách tài chính khá “thân thiết” với người mua giá trị xã hội, nhiều khả năng là nam giới và có xu hướng chi tiền cho người khác, tiến sĩ Hammond nói, là máy bắn tiền. Ví dụ, họ có thể tuyên bố khi bắt đầu bữa ăn tại một nhà hàng rằng họ sẽ trả hóa đơn. Mọi người sẽ thấy họ thật tuyệt vời và hào phóng. Tuy nhiên, đây là hành động khác biệt hoàn toàn với việc đứng lên và thanh toán một cách lặng lẽ.
Những người thích tung tiền mặt tự coi bản thân họ rất hào phóng nhưng thực chất, họ sử dụng tiền để khiến người khác đánh giá họ cao hơn. Họ có xu hướng tiêu tiền vào những thứ dễ dàng mua mà không tốn thêm công sức, từ những chiếc xe đắt tiền cho đến thành viên câu lạc bộ.
Giáo sư Furnham tin rằng những người này cũng bị thúc đẩy bởi một mong muốn được ngưỡng mộ. “Có rất nhiều tiền sẽ khiến tôi nổi tiếng và được yêu”, đó là suy nghĩ điển hình của loại người này.
Những người nhận ra bản thân đang có đặc điểm này nên hiểu rằng chi tiêu không làm bạn hạnh phúc hơn nếu mục đích của nó chỉ là thể hiện giá trị.
Sự hài lòng thực sự đến từ việc chi tiền cho những trải nghiệm bản thân yêu thích và chúng không nhất thiết phải tốn kém. Đưa con đi dã ngoại, nghe người già kể chuyện hoặc nấu cho bạn bè một bữa ăn. Động lực thúc đẩy nên là sự kết nối với những người khác và không phải lo lắng về việc điều đó sẽ xuất hiện ra sao trên mạng xã hội.
Nhà tài chính Fitbit
Bạn kiểm tra số dư ngân hàng và theo dõi chi tiêu thường xuyên như các vận động viên tập luyện cho kì Olympic?
Bạn bị ám ảnh bởi điểm thẻ tín dụng, sử dụng các hàng loạt công cụ so sánh và tải xuống các ứng dụng theo dõi ngân sách hoặc nhắc nhở bạn khi nào nên tái đầu tư?
Theo dõi sát sao các vấn đề tiền bạc là một điều tốt nhưng lí do cơ bản cho hành vi kiểm soát tài chính quá mức như vậy chính là bạn đã mất kiểm soát các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Có một số người rất gắn bó với hành vi này bởi cho rằng đó là đại diện của khôn ngoan và thông minh về tài chính. Nỗi ám ảnh về bảo hiểm hoặc lương hưu trên các diễn đàn mạng xã hội là một hiện tượng hiện đại nhưng gốc rễ của hành vi là cổ xưa: thể hiện bản lĩnh làm chủ ở khâu tích trữ có thể đưa bạn lên làm chủ bộ lạc hoặc ngôi làng.
Một nhà tài chính Fitbit mong muốn sự kiểm soát, đặc biệt những người không thể đối phó với sự khó lường của cuộc sống có thể trở nên ám ảnh với tiền bạc. Một số người mắc chứng rối loạn ăn uống có nỗi ám ảnh tương ứng với tiền của họ. Cả hai hành vi đều có thể xuất phát từ một niềm tin tương tự rằng việc kiểm soát một thứ gì đó hữu hình như tiền hoặc thực phẩm có thể thay thế cho sự kiểm soát có ý nghĩa đối với cuộc sống bản thân.
Hành động này có thể bắt nguồn từ nỗi lo lắng khi cuộc sống bất ngờ biến động, con cái rời khỏi nhà, chuẩn bị kết hôn, thân nhân nằm viện…
Bạn cũng có thể cần lùi lại một bước và nhìn vào bức tranh lớn hơn. Bạn có cần lời khuyên chuyên nghiệp hơn các diễn đàn internet có thể cung cấp? Các mục tiêu tài chính dài hạn của bạn có được đáp ứng nhờ lương hưu và đầu tư không? Về mặt tâm lí, việc làm quen với sự thay đổi của cuộc sống để bình tĩnh giải quyết luôn tốt hơn là phát điên về nó.
Người chuyên né tránh (Đà điểu)
Cuối cùng, Đà điểu – một kiểu người thà vùi đầu vào cát để tránh né còn hơn giải quyết vấn đề tài chính cá nhân là tuýp hoàn toàn ngược với Fitbit. Hàng đống tài liệu tín dụng nằm nguyên trong phong bì và họ hiếm khi mở báo cáo ngân hàng của mình. Những chú Đà điểu có thể có tiền nhưng luôn thất bại trong việc đưa ra quyết định đầu tư dài hạn.
Lo lắng cũng thúc đẩy hành vi này, tiến sĩ Hammond nói. Họ luôn cảm thấy dễ dàng hơn khi không đưa ra quyết định thay vì khả năng đưa ra quyết định sai lầm. Những anh chàng luôn nói “sao cũng được” trong các buổi hẹn hò đôi khi không phải vì giấu giếm điều gì mà chỉ vì họ thực sự sợ hãi nói ra điều gì không đúng.
Một phiên bản “cập nhật” hơn của Đà điểu là các nhà đầu tư giàu có giao tài chính của họ cho một cố vấn hoặc người quản lí ngẫu nhiên nhưng không kiểm tra những gì đang được thực hiện với số tiền, hoặc các khoản phí đầu tư của chính họ.
Các Đà điểu nên ngẩng đầu khỏi cát một cách từ từ. Kiểm tra tài chính của bạn hai tuần một lần, xem xét kỹ thu nhập và chi tiêu để nâng cao ý thức tiết kiệm tiền. Bắt đầu với một mục tiêu đơn giản như ngân hàng có lãi suất tiết kiệm tốt hơn, công việc làm thêm tăng thu nhập cao hơn… Thành công nhỏ sẽ truyền cảm hứng cho bạn tự tin hơn nữa.
Tạo động lực cho bản thân bằng cách tiêu tiền tiết kiệm như phần thưởng cho bản thân, chẳng hạn như một kỳ nghỉ.
Bạn thuộc kiểu tính cách nào?