Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ trung bình khoảng 8 ngày. Điều này giải thích tại sao một gia đình có 3 người, nếu lây nhiễm chéo cho nhau thì việc điều trị sẽ kết thúc sau 2 tháng cùng với chi phí thuốc men, nghỉ việc chưa kể đến việc có thể kéo theo biến chứng này nọ.
Khi phân lập virus gây đau mắt đỏ người ta thấy có chừng vài chục type virus khác nhau, trong đó những type phổ biến hơn cả là type 8, 19 và 37.
Bệnh cảnh lâm sàng của thể bệnh phổ biến – thể nhẹ: Các cụ thường nói: “thứ nhất đau mắt , thứ nhì nhức răng”. Ai trong đời đã trải qua một lần đau mắt đỏ đều thấm thía câu nói này. Cái cảm giác: cộm rát như có cát ở trong mắt, dỉ mắt bám chặt mi buổi sáng, lèm nhèm suốt cả ngày, nặng hơn có thể có nhìn mờ và sợ ánh sáng thật là khó quên.Cùng với biểu hiện tại mắt là biểu hiện của nhiễm virus: mệt nhẹ, sốt, đau họng, nổi hạch tai hoặc hạch dưới hàm. Bệnh thường xảy ra bất thình lình, có thể nói là dữ dằn lúc khởi phát. Lúc đầu thường là một mắt, thường sau 4-5 ngày sẽ lan sang mắt thứ 2.
Tuy nhiên, độ khó chịu, mức độ nặng nhẹ giữa hai mắt có thể khác nhau. Đây là một yếu tố khá quan trọng cho việc chẩn đoán chính xác bởi gần như bệnh luôn xảy ra trên hai mắt, cho dù triệu chứng bệnh của mắt thứ 2 có thể thoáng qua thôi. Khi thăm khám thì kết mạc bị phù nề, cương máu đỏ rực và có hột khá điển hình.
Hột thường gặp nhiều ở kết mạc mi dưới. Những thể bệnh nặng hơn có thể thấy giả mạc dạng fibrin ở kết mạc cùng đồ phía dưới mà di chứng sau này là cầu dính mi – nhãn cầu. Việc không thể thiếu là kiểm tra hạch trước tai – bằng chứng của đáp ứng miễn dịch trước sự tấn công của virus .
Nội dung trong bài này
Thứ nhất đau mắt, thứ nhì dắt răng
Bệnh cảnh lâm sàng của thể có biến chứng của đau mắt đỏ:
Về phía người bệnh thường cảm thấy nhìn mờ hơn mọi khi, chói rát khi gặp ánh sáng mạnh, chảy nước mắt liên tục. Điều này báo hiệu bệnh đã lan vào lòng đen – giác mạc.
Giai đoạn tổn hại trong biểu mô giác mạc, tiên phát: gần như luôn gắn liền với căn bệnh này, có khi chỉ là thoáng qua. Nhưng tựu trung, dạng tổn thương này kéo dài trong khoảng hai tuần. Đầu tiên chỉ là các chấm bắt màu fluorescéine nhẹ. Về sau có thể các chấm tổn thương này sẽ liên kết với nhau tạo thành những đảo loét biểu mô thực sự, bắt màu fluorescéine mạnh.
Giai đoạn tổn hại dưới biểu mô: thường biểu hiện sau tuần thứ hai, chiếm tần suất 1/2 trường hợp. Đó là các thẩm lậu dưới biểu mô với số lượng khác nhau, có thể từ vài đám đến vài chục đám. Việc thăm khám dưới kính phóng đại, cắt đèn khe, sẽ khẳng định điều này. Tại đỉnh của mỗi đám thẩm lậu có thể quan sát thấy vùng tổn hại biểu mô- bắt màu fluoresceine tương ứng.Các đám thẩm lậu này nếu ở trục nhìn sẽ gây nhìn mờ và những khó chịu khác. Số lượng, mật độ, vị trí của những đám thẩm lậu này biến đổi rất nhanh chóng, trái với bệnh viêm giác mạc Thygesons, các tổn thương thường rất ít biến đổi và rất khu trú.
Nghiên cứu về phương diện tổ chức học của những đám thẩm lậu này người ta thấy có các đám kháng thể kháng virus, các limpho và các sợi bào. Phản ứng viêm này bị khu trú giữa lớp biểu mô và lớp màng Bowman.
Việc dùng corticosteroide có thể làm lui giảm thẩm lậu limpho, cải thiện mạnh mẽ thị lực. Tuy nhiên, ngay khi ta dừng thuốc, các tế bào limpho mới lại di tản về phía các đám kháng thể kháng virus. Điều này giải thích việc phụ thuộc vào thuốc, mức độ nặng nề hơn nếu bệnh tái phát cũng như di chứng có thể có của dạng tổn thương này trên giác mạc bệnh nhân.
Giai đoạn di chứng: chỉ chiếm 10 % các trường hợp đau mắt dịch. Đó là việc giảm thị lực do các đám thẩm lậu đã nói ở trên qui tụ thành một đám đục trên giác mạc vĩnh viễn hoặc gây loạn thị không đều. Để giải quyết di chứng này phần lớn phải nhờ vào phẫu thuật.
Chẩn đoán virus học: hiếm khi được đặt ra. Hiện nay, với kỹ thuật PCR- phản ứng chuỗi men polymerase việc chẩn đoán đã trở nên dễ dàng hơn nhưng ngay cả ở châu Âu thì việc này vẫn bị coi là không cần thiết và xa xỉ.
Điều trị: Điều đáng buồn là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị adénovirus, cho dù có một vài báo cáo nói về việc bệnh có đáp ứng tốt với cidofovir và trifluridine. May thay, đa phần bệnh nhân sẽ thấy bệnh tự thuyên giảm và khỏi sau khoảng từ 7 đến 10 ngày. Khi bệnh nhân đến với các bác sĩ chuyên khoa mắt thì công việc của chúng tôi chỉ là điều trị triệu chứng.
Thường thì các bác sĩ sẽ kê đơn theo cùng một công thức: nước muối sinh lý, hay tốt hơn là nước mắt nhân tạo, có tác dụng xoa dịu những khó chịu trên mắt, kháng sinh loại nhỏ- để phòng bội nhiễm, đôi khi là corticoides tra nhỏ tại chỗ. Nước mắt nhân tạo loại có chứa các chế phẩm nhày và bôi trơn thực sự hữu ích nếu bạn có khô mắt kèm theo, hay bề mặt giác mạc bị tổn thương. Điều trị phẫu thuật chỉ là thiểu số cho những trường hợp có di chứng.
Việc sử dụng corticoides phải tuân thủ những qui tắc nghiêm ngặt
Ở giai đoạn bệnh chỉ khu trú ở kết mạc: Việc dùng corticoides có nguy cơ làm số lượng virus tăng nhanh, làm viêm nhiễm nặng thêm, cũng như tăng nguy cơ lây lan. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng của viêm kết mạc do adenovirus và herpes rất giống nhau. Trong trường hợp thứ hai thì việc dùng corticoides sẽ làm bệnh nặng lên gấp bội.
Ở giai đoạn tổn hại trong biểu mô: Một lần nữa được nhắc lại việc dùng corticoides cũng sẽ làm bệnh nặng thêm và tăng nguy cơ lây bệnh sang người lành. Việc tranh cãi còn đang tiếp tục về chỉ định dùng thuốc kháng virus để đề phòng thẩm lậu dưới biểu mô. Người ta cân nhắc cái giá phải trả giữa việc dùng thuốc kháng virus để phòng đốm thẩm lậu dưới biểu mô với độc tính của nó trên biểu mô giác mạc.
Ở giai đoạn tổn thương dưới biểu mô: cần nói ngay là dùng corticoides trong giai đoạn này làm lui giảm thẩm lậu dưới biểu mô nhanh chóng. Chính vì vậy ngày càng nhiều bác sĩ mắt phải cầu cứu đến nó nếu bệnh nhân đến trong giai đoạn này. Vấn đề phải lưu ý là cơ chế tác dụng của corticoides luôn có những mặt tiêu cực của nó.Đó là nguy cơ phụ thuộc vào thuốc, ngăn chặn quá trình làm sẹo của các đốm dưới biểu mô cũng như độ ổn định của sẹo. Việc dùng cortioides liều rất thấp sẽ rất hữu ích nếu có những đốm thẩm lậu dưới biểu mô ở trung tâm giác mạc, xu hướng liên kết với nhau, làm giảm thị lực đáng kể. Không nên dừng thuốc đột ngột, mà nên giảm liều trong vài tuần, có thể phải phối hợp với cyclosporine dạng nhỏ và theo dõi thường xuyên về sau.
Ở giai đoạn di chứng: không có chống chỉ định cho nhóm corticoides.
Điều trị phẫu thuật
– chỉ khi các di chứng là vĩnh viễn: chúng ta sẽ cân nhắc khả năng phải phẫu thuật trong 2 tình huống sau:
– giảm thị lực do giác mạc bị mờ đục
– giảm thị lực do loạn thị không đều, thường do các nốt dưới biểu mô đã sẹo hoá gây nên.
Trong cả hai trường hợp chúng ta sẽ quyết định can thiệp nếu thị lực sau hiệu chỉnh bằng kính tiếp xúc cứng vẫn
Phòng bệnh:
Bệnh rất dễ lây lan cho dù chúng ta đã tìm đủ biện pháp phòng ngừa: đeo kính, rửa tay, đeo khẩu trang. Vì sao vậy? Adenovirus thuộc nhóm virus chứa AND không có vỏ bọc. Điều này làm chúng đề kháng cực tốt ở môi trường ngoài tế bào, nhất là trên các vật dụng bằng nhựa và kim loại: tay nắm cửa, dụng cụ khám bệnh, bàn ghế… Hơn nữa, chúng không hề bị tổn hại gì trước cồn và éther.Nếu bệnh nhân bị nhiễm bệnh từ các vật dụng xung quanh thì bệnh sẽ khởi phát sau vài ngày đến 3 tuần. Bệnh nhân do vậy cần được cách ly khỏi trường học, cơ quan, ít nhất là 7 ngày sau khi bệnh khởi phát, tuy nhiên khả năng lây nhiễm sang người lành vẫn còn kéo dài đến tuần thứ 3.
Trong gia đình thì nên kiêng đụng chạm trực tiếp lên da người bệnh, rửa tay thường xuyên, không dùng chung khăn mặt và kiêng quan hệ tình dục. Trong môi trường bệnh viện các nhân viên y tế nên kiêng bắt tay với bệnh nhân, việc khám bệnh nên dùng găng tay và các hộp dụng cụ riêng rẽ.
Lý tưởng nhất là không để bệnh nhân sử dung tay nắm cửa, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sau mỗi lần khám bệnh, sát trùng tất cả những vật dùng trong phòng khám có bề mặt gồ ghề, dùng các loại thuốc nhỏ loại một lần và hạn chế các thủ thuật hoặc đo đạc tối đa. Ngay cả khi tất cả những công việc phòng bệnh nghặt nghèo vừa nêu trên được thực hiên nghiêm chỉnh thì việc bạn hay chính bản thân tôi bị đau mắt dịch vẫn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.