Cây hậu phác dùng để chỉ nhiều loại thuốc khác nhau, hiện tại chỉ có vị thuốc nhập từ Trung Quốc mới được xác định chắc chắn. Đối với những vị khác được khai thác ở các tỉnh thành khác nhau ở nước ta đều chưa thể khẳng định mà cần phải xác nhận lại. Loại cây này có những công dụng gì? Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau.
Cây hậu phác là gì
Là phần vỏ thân hay vỏ rễ phơi hoặc sấy khô của cây hậu phác. Còn có tên gọi khác là hậu bì, trùng bì, xuyên hậu phác, xích phác, liệt phác, chế xuyên phác, tiểu xuyên phác,… Tên khoa học là Magnolia offinalis Rehd. et Wils hoặc cây khác cùng loài là Magnolia offinalis var. Biloba Rehd. et Wils, thuộc họ Mộc Lan (Magnoliaceae).
Đặc điểm cây hậu phác
Cây to, cao 7-15m, vỏ thân màu nâu tím, cành non có lông. Lá mọc so le, cuống lá dài 2-5cm, to mập, không lông, phiến lá hình trứng thuôn, dài 22-40cm, rộng 10-20cm, đầu lá nhọn, phía cuống lá hẹp lại, mép lá nguyên hay hơi lượn sóng. Trên gân lá có nhiều lông nhung, gân phụ khoảng 20-40 đôi.
Hoa mọc ở đầu cành, màu trắng, thơm, cuống hoa to thô, đường kính hoa có thể tới 12cm. Quả kép, mọc tập trung, dài 9-12cm, đường kính 5-6,5cm, có chứa 1-2 hạt.
Dược liệu có dạng ống hoặc nửa ống, hoặc có dạng hình bản, dài khoảng 30-70cm, dày 3,2-6,5mm. Mặt ngoài có màu nâu tro hoặc nâu đậm, mặt trong màu nâu tím hoặc đỏ nâu, có các đường vân nhỏ, thẳng dọc. Mặt ngang màu nâu vàng không phẳng, chất cứng, dễ gãy, mặt cắt ngang có vết dầu ở lớp giữa.
Phân bố và thu hái của cây hậu phác
Cây tập trung ở nơi có khí hậu mát, ẩm như Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến, và một số tỉnh ở nước ta giáp với Trung Quốc như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang.
Sau khi cây có từ 20 năm tuổi trở lên, vào tháng 5-6 tiến hành bóc lấy vỏ, sau đó về bào chế. Có 2 cách sau:
- Cho vỏ vào ngăn gỗ, đun nóng cho bốc hơi nước, rồi phun nước lạnh vào, đun và phun nước lạnh liên tục 3 lần, rồi đem ra cuộn thành cuộn.
- Đào hố đất rồi cho vỏ vào, đậy rơm và ủ như vậy trong 3-4 ngày cho ra hơi nước, sau đó lấy ra rồi cuộn thành từng ống.
Thành phần hóa học của cây hậu phác
Trong hậu phác có chứa 5% phenol gồm magnolia C18H18O2, tetrahydromagnola và isomagnolola. Theo Trung Dược Học, magnolia có tác dụng phòng ngừa loét dạ dày trên thực nghiệm, có tác dụng ức chế Histamin gây co thắt tá tràng, ức chế dạ dày tiết dịch. Ngoài ra còn có khoảng 1% tinh dầu với thành phần chủ yếu là machilola C15H26O.
Theo đông y, hậu phác có vị đắng, cay, tính ôn, không độc, có tác dụng chữa các bệnh đầy hơi, đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa, táo bón.
Tác dụng của cây hậu phác
1. Giảm đầy hơi lúc châm tê cắt tử cung
Hậu phác tán thành bột và tiến hành cho 36 bệnh nhân uống trước khi phẫu thuật. Kết quả lúc rạch phúc mạc, đại trường không phình, một số ít hơi đầy, dùng tay đẩy nhẹ là được. So với 163 ca không uống thì tốt hơn rất rõ.
(Báo Cáo của Bệnh Viện Phụ Sản trực thuộc Học Viện Y Học Thượng Hải số 1, Tạp Chí Tân Y)
2. Tác dụng kháng khuẩn
Nước sắc thuốc hậu phác khi thực nghiệm in vitro, có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn phổi, tụ cầu vàng và nấm gây bệnh thường gặp.
(Trung Dược Học)
3. Trị đầy bụng mà mạch đi Sác
500g hậu phác, 5 quả chỉ thực cho vào đun sôi với hơn 1 lít nước, cho đến khi còn 400ml, thêm 120g đại hoàng, sắc tiếp còn 250ml. Ban đầu chỉ uống khoảng 75ml, thấy bụng sôi là có tác dụng. Trường hợp sau khi uống lần đầu không thấy bụng sôi thì ngừng uống.
(Hậu Phác Tam Vật Thang, Kim Quy Yếu Lược)
4. Chữa đau bụng, thổ tả
Lấy lượng hậu phác vừa đủ sao với nước cốt gừng, rồi đem tán thành bột. Mỗi lần uống 8g với nước mới múc ở giếng lên.
(Thánh Huệ phương)
5. Trị chứng táo bón, trường vị thực nhiệt
12g hậu phác, 12g đại hoàng, 8g chỉ xác, sắc lấy nước uống trong ngày.
(Hậu Phác Tam Vật Thang, Kim Quỹ Yếu Lược)
6. Chữa chứng bụng trướng kèm theo đau bụng
500g hậu phác, 120g đại hoàng, 120g cam thảo, 150g sinh khương, 60g quế, 10 quả táo, 5 quả chỉ thực, cho vào 1 lít nước sắc còn 400ml chia uống 3 lần trong ngày, uống nóng. Nếu kèm thêm hiện tượng nôn thì thêm bán hạ chế vào bài thuốc trên.
(Thất Vật Hậu Phác Thang, Cục phương)
7. Điều trị kinh nguyệt không thông
Dùng 120g hậu phác sao và xắt lát, rồi cho vào sắc với 300ml nước còn 100ml chia uống 2 lần lúc đói. Sau 3 thang sẽ có hiệu quả.
(Mai Sư phương)
8. Kích thích tiêu hóa, trị nôn mửa, tiêu chảy
Cho hậu phác cùng với gừng tươi vào 500ml nước sắc cho cạn. Sau đó sấy khô hậu phác, thêm 160g can khương, 80g cam thảo đun với 500ml nước cho cạn. Bỏ cam thảo, sấy khô 2 vị còn lại rồi tán bột.
Tiếp tục lấy táo nhục và sinh khương sắc chín, bỏ gừng, táo tán nhuyễn rồi trộn đều với hỗn hợp bột trên, làm thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.
(Hậu Phác Tiễn Hoàn, Bách Nhất Tuyển phương)
9. Trị đầy bụng và tiêu chảy
Mỗi vị lượng bằng nhau: hậu phác và can khương, tán bột rồi trộn mật làm thành hoàn bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.
(Bảo Thi phương)
10. Chữa chứng thổ tả, vị hư kèm theo động kinh kéo đàm ở trẻ nhỏ
40g hậu phác sắc với bán hạ trong 7 lần, rồi cho vào ngâm nước gừng 7 nửa ngày, phơi khô. Mỗi lần lấy 4g ngâm với 300ml nước vo gạo nửa ngày, cho đến khi khô, nếu chưa khô có thể sao khô, bỏ hậu phác lấy bán hạ tán bột. Mỗi lần uống 2-4g với nước sắc bạc hà.
(Tử Phác Tán Phương)
11. Trị đại trường khô táo
Dùng hậu phác tán bột, rồi trộn với ruột heo nấu nhừ, làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên với nước sắc gừng.
(Thập Tiện Lương phương)
12. Nước tiểu đục
Cho 40g hậu phác đã sắc với nước cốt gừng, 4g bạch phục linh, sắc với 1 chén uống nóng.
(Kinh Nghiệm phương)
13. Chữa đầy bụng do thương thực
Lấy hậu phác, trần bì, chỉ xác, mạch nha, sơn tra, thảo quả, sa nhân, mỗi vị một lượng bằng nhau rồi sao khô, tán bột uống với nước.
(Trung Quốc Dược Học Đại từ điển)
14. Tiêu chảy do thấp nhiệt
Hậu phác, quất bì, hoàng liên, cam thảo, thương truật, bạch truật, cát căn, mỗi vị lượng bằng nhau rồi sắc lấy nước uống.
(Trung Quốc Dược Học Đại từ điển)
15. Điều trị bệnh bạch đới ở giai đoạn đầu
Lấy các vị sau sắc nước uống trong ngày: hậu phác, bình lang, mộc hương, hoàng liên, hoạt thạch, quất bì, cam thảo, bạch thược.
(Trung Quốc Dược Học Đại từ điển)
16. Trị ngực đầy do khí, kích thích ăn nhiều
Hậu phác, thương truật, quất bì, cam thảo, sao khô tán bột uống với nước sôi để nguội.
(Trung Quốc Dược Học Đại từ điển)
17. Chữa đau bụng do lạnh, bụng đầy không ăn được
12g hậu phác, 12g xích phục linh, 12g sinh khương, 12g đại táo, 8g trần bì, 4g can khương, 6g thảo đậu khấu, 4g mộc hương, 4g cam thảo, tất cả sắc lấy nước uống trong ngày.
(Hậu Phác Ôn Trung Thang, Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
18. Điều trị viêm phế quản mãn tính, ho suyễn, ngực đầy tức
Dùng 8g hậu phác, 16g tiểu mạch, 4g ma hoàng, 20g thạch cao sống, 12g bán hạ, 12g hạnh nhân, 4g ngũ vị tử, 3,2g can khương và 2g tế tân, sắc lấy nước uống trong ngày.
(Hậu Phác Ma Hoàng Thang, Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
19. Trị chứng sợ gió, ra nhiều mồ hôi, ho suyễn
12g hậu phác, 12g bạch thược, 12g đại táo, 12g hậu phác, 12g hạnh nhân, 12g sinh khương, 4g cam thảo sắc lấy nước uống.
(Quế Chi Gia Hậu Phác Hạnh Tử Thang, Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
20. Chữa kiết lỵ, đại tiện toàn xác thức ăn, lâu ngày không giảm
120g hậu phác, 120g hoàng liên sắc với 300ml nước còn 100ml, uống lúc đói.
(Mai Sư phương)
21. Trị đàm ủng, nôn khan, ngực đầy tức, khó ăn uống
40g hậu phác sao với sinh khương, tán bột, mỗi lần uống 8g với nước cơm.
(Thánh Huệ phương)
22. Chữa ăn chậm tiêu, ăn ít, ăn không tiêu
100g hậu phác, 100g củ sả, 100g thủy xương bồ, 100g cỏ gấu sao, 100g vỏ quýt, 50g gừng khô, 50g quế khâu, tất cả tán bột, mỗi lần uống 1 thìa cafe sau bữa ăn và tối đi ngủ, ngày 2-3 lần.
(nguồn báo mạng)
Lưu ý khi sử dụng hậu phác
Người tỳ vị quá hư, nguyên khí kém, phụ nữ có thai không nên dùng.
Ngoài ra, hậu phác Việt Nam hay nam hậu phác có thể là vỏ của một số cây sau:
1. Quế rừng
Cinnamonum iners Reinw., thuộc họ Long não (Lauraceae). Cây cao to, cao 8-10m, cành hình trụ, màu nâu đen. Lá to, thơm, phiến lá tròn dài, mặt dưới lá hơi mốc, có 3 gân gốc chạy đến gần chóp lá, chóp lá tù hay hơi nhọn. Hoa trắng mọc thành chùy ở đầu cành hay nách lá. Quả mọng hình bầu dục.
2. Bá bệnh
Eurycoma longifolia Jack subsp., thuộc họ Thanh thất (Simarubaceae). Cây nhỡ, cao 2-8m, nhiều lông, lá kép gồm 10-36 đôi, không cuống, mặt trên xanh bóng mặt dưới trắng xóa, cuống lá màu nâu đỏ. Hoa mọc dạng cụm, màu đỏ nâu. Quả hình trứng, hình dẹt, có rãnh giữa, khi chín có màu vàng đỏ.
3. Vối rừng
Eugenia jambolana Lamk., thuộc họ Sim (Myrtaceae), cây cao, lá thuôn hẹp ở đáy, mặt trên bóng và thẫm màu, mặt dưới nhạt hơn, khi phơi khô có màu nâu. Cụm hoa mọc kẽ lá.
Người bệnh không tự ý áp dụng bài thuốc trên khi chưa tham khảo ý kiến của thầy thuốc.