Những sai lầm lặp lại nhiều lần hay tỉ lệ doanh thu bất thường chính là dấu hiệu cho thấy dự án khởi nghiệp đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công ty khởi nghiệp nhỏ đã phát triển rất mạnh và trở thành ‘kì lân’ trong khi những doanh nghiệp khác thất bại thảm hại. Theo Cục Quản lí Doanh nghiệp Nhỏ tại Mỹ, 20% các start-up thất bại trong 2 năm đầu tiên. Tại Việt Nam, con số này thậm chí cao gấp nhiều lần.
Nếu không chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo từ sớm, nhà khởi nghiệp sẽ sớm thấy doanh nghiệp của họ lọt vào nhóm thất bại.
Mọi nhà sáng lập doanh nghiệp đều hi vọng họ sẽ đạt đến tốc độ phát triển vượt bậc trong những năm tới, khi nền kinh tế hồi phục sau suy thoái. Bởi vậy, nhận biết từ sớm những vấn đề nghiêm trọng để giải quyết và khắc phục là yếu tố hết sức quan trọng với một người lãnh đạo.
Mọi thứ có thực sự ổn và thuận lợi cho công ty của bạn không? Hay bạn chỉ đang cố lừa dối chính mình? Các chuyên gia của Forbes đã liệt kê 7 dấu hiệu cho thấy các start-up đang thất bại và cách tránh xa những sai lầm này.
Tỉ lệ nhân viên nghỉ việc quá cao
Số nhân viên của doanh nghiệp xin nghỉ việc có quá nhiều không? Nếu câu trả lời là “cao”, khả năng giữ chân nhân sự kém có thể là một dấu hiệu đầu tiên cho thấy doanh nghiệp sắp thất bại.
Chắc chắn mọi công ty đều trải qua quá trình thay đổi của nhân viên. Đó là một phần của công việc kinh doanh nhưng nếu bạn nhận thấy tỉ lệ xin nghỉ việc hiện tại quá cao, điều bạn nên lo lắng không còn là nhân sự.
87% nhà tuyển dụng thừa nhận cải thiện tỉ lệ nhân viên làm việc lâu năm là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, theo một nghiên cứu. Lí do là nếu nhân viên không hài lòng và không nhìn thấy tương lai của công ty, họ sẽ nhanh chóng nhảy việc. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia của Forbes gợi ý một số giải pháp sau.
Để quảng bá hiệu quả thương hiệu còn non trẻ và cho nhân viên cảm thấy được trân trọng, bạn có thể:
– Đề xuất mức lương hoặc chế độ đãi ngộ cạnh tranh
– Xây dựng môi trường làm việc thân thiện
– Tổ chức các hoạt động xây dựng đội nhóm
– Khen ngợi và công nhận
– Vạch rõ lộ trình thăng tiến cho nhân viên
Ngân sách cạn kiệt
Lợi nhuận là yếu tố chính giúp doanh nghiệp của bạn tồn tại, phát triển và thành công. Nhưng nếu dòng tiền của bạn liên tục bị tắc nghẽn hoặc số lượng quá ít ỏi thì tương lai của doanh nghiệp có thể đang gặp nguy hiểm.
Nhiều công ty start-up hiện nay phải đối mặt với vấn đề về nguồn tiền quá thấp hoặc thậm chí về âm nhưng lại cho rằng đó là giai đoạn thông thường trong quá trình khởi nghiệp.
Để tăng lợi nhuận và khả năng tồn tại của doanh nghiệp, hãy từ đặt một số câu hỏi như sau: Tại sao doanh nghiệp không thể kiếm được tiền? Giá bán hiện tại có quá cao? Hay quá thấp? Đối tượng khách hàng mục tiêu có chính xác không?
Cùng với việc xác định rõ vấn đề đang gặp phải, bạn cũng nên lập kế hoạch ngân sách kinh doanh cụ thể, cắt giảm các chi phí không cần thiết và thường xuyên theo dõi dòng tiền. Để duy trì được nguồn vốn phục vụ công ty, hãy cân nhắc đầu tư thêm cho phần mềm kế toán nhằm giám sát tài chính chuyên nghiệp hơn.
Phải khắc phục sự cố thường xuyên
Bạn có thấy mình liên tục phải giải quyết các sự cố bất ngờ ở nhiều khâu kinh doanh không? Có vẻ như mỗi khi bạn kiểm tra một lĩnh vực nào đó thì luôn có một vấn đề chờ bạn? Nếu đúng thì đây là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp của bạn đang đi sai đường.
Tất cả những dự án khởi nghiệp đều có rất nhiều vấn đề. Đó là một phần không tránh khỏi của việc phát triển kinh doanh nhưng nếu bạn nhận thấy các vấn đề liên tục xảy đến, thì đó chính… vấn đề, tất nhiên, nhưng rất lớn.
Để dập tắt bất cứ rắc rối tiềm ẩn nào trước khi chúng phát sinh, hãy tìm đến tận gốc vấn đề. Rất có thể, một trong những vấn đề nhỏ hơn đang gây ra vấn đề lớn hơn. Dập tắt và tránh các vấn đề nhỏ sẽ loại bỏ một vấn đề lớn hơn trong tương lai.
Doanh số bán hàng giảm mạnh
Đối mặt với doanh số bán hàng tăng và giảm là điều khá phổ biến. Các chủ doanh nghiệp đều hiểu khái niệm về ‘mùa cao điểm’ và ‘mùa ế’. Tuy nhiên, “mùa ế” quanh năm chính là dấu hiệu cho thấy công việc kinh doanh của bạn đang thất bại.
Doanh số sụt giảm và khách hàng biến mất là những điều không doanh nghiệp nào muốn thấy hoặc thừa nhận mắc phải. Tuy nhiên, hãy thẳng thắn nhìn vào thực tế và thực hiện một số thay đổi nhanh chóng để không mắc phải thất bại đáng tiếc.
Bạn có thể làm gì để thay đổi điều này hay thậm chí là tránh hoàn toàn dấu hiệu này?
– Phân tích phản hồi của khách hàng hiện tại
– Cung cấp phiếu giảm giá và quà tặng
– Bổ sung các chương trình khuyến mãi và bán hàng tại cửa hàng
– Tăng quảng cáo
– Tích cực hơn trong cộng đồng của bạn
Bạn dần đánh mất đam mê
Hãy nhớ lại khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, niềm đam mê và hứng khởi trong bạn đã bùng nổ như thế nào? Bạn có nhớ tất cả những nỗ lực bạn đã bỏ ra để biến ước mơ thành hiện thực? Và ngày hôm nay, bạn còn cảm thấy như vậy không?
Đánh mất đam mê kinh doanh cũng có thể là một trực giác cho thấy con đường bạn đã chọn dường như đã sai hưởng. Khao khát thúc đẩy doanh nghiệp của bạn thành công và nếu không có động lực, doanh nghiệp nhỏ của bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Nếu bạn cảm thấy niềm đam mê đã mất, hãy lùi lại một bước và nghĩ về quá khứ và tương lai của chính mình. Lí do tại sao bạn bắt đầu kinh doanh ngay từ đầu là gì? Hãy đào sâu và cảm nhận liệu trái tim bạn còn hướng về kinh doanh hay không.
Nếu đam mê với kinh doanh không còn, bạn nên thay đổi vì lợi ích của tất cả những bên liên quan như cộng sự, nhân viên, gia đình và chính bản thân.
Bạn lặp lại nhiều sai lầm
Ai cũng mắc phải sai lầm và dù bạn có muốn chấp nhận hay không, bạn sẽ không bao giờ trở thành một chủ doanh nghiệp hoàn hảo, toàn năng. Bạn nhất định sẽ mắc sai lầm, chỉ khác về tần suất.
Tuy nhiên, công ty khởi nghiệp của bạn có thể sẽ biến mất nếu định hướng và triển khai của bạn mắc phải một rắc rối nhiều lần.
Lặp đi lặp lại những sai lầm tương tự có thể là một dấu hiệu nghiêm trọng, đồng nghĩa với sự bất cẩn, không thực hiện đúng định hướng hoặc năng lực quản lí yếu kém.
Để xoay chuyển vấn đề này, hãy tìm ra mấu chốt sai lầm đã mắc phải và đưa ra kế hoạch ngăn chặn tình trạng xấu tái diễn. Đừng bám vào những sai lầm trong quá khứ nếu bạn muốn duy trì hoạt động kinh doanh. Nhận ra sai lầm mà không sửa chữa mới chính là sai lầm khủng khiếp nhất.
Hiệu ứng truyền thông của doanh nghiệp rất tệ
Tiếp thị theo dạng truyền miệng và đánh giá của khách hàng rất quan trọng đối với mọi chủ doanh nghiệp nhỏ. Khách hàng không hưởng ứng hoặc tò mò về doanh nghiệp của bạn chính là bước đầu tiên trong chặng đường sa sút tiếp theo.
Sự ‘im hơi lặng tiếng’ về mặt truyền thông là điểm yếu rất lớn của các doanh nghiệp nhỏ và nếu mọi người không nói về bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chắc chắn là không ai quan tâm hoặc muốn biết đến sản phẩm/ dịch vụ bạn cung cấp.
Vậy, bạn có thể làm gì để khiến mọi người biết đến mình? Tìm hiểu sâu hơn một chút về đối tượng khách hàng tiềm năng hiện tại để xác định lí do tại sao họ không tò mò về bạn. Họ đã nghe điều gì đó tiêu cực về doanh nghiệp của bạn? Họ đã có trải nghiệm tồi tệ?
Hãy thêm một số quà tặng hoặc mã giảm giá để khuyến khích khách hàng đánh giá trực tuyến. Những bài đánh giá này chính là cách rất tốt để cải thiện hình ảnh truyền thông cho công ty.
Đồng thời, hãy tạo ra chủ đề để khách hàng trao đổi. Cung cấp dịch vụ hậu mãi tuyệt vời, tương tác với khách hàng và lắng nghe mối bận tâm của họ là những ý tưởng không tồi.