4 kỹ năng ‘mềm’ phải học trước khi cưới

0
3074

Muốn lái xe, bạn phải học luật giao thông và thi bằng lái. Khi lập gia đình cũng vậy, để hôn nhân hạnh phúc bạn cũng cần tự trang bị một số kỹ năng cơ bản.

Thử mường tượng xem bạn muốn lái một chiếc xe hơi, thời gian đầu điều khiển xe ra đường, bạn tham khảo kinh nghiệm của người đi trước về những nguy cơ có thể xảy ra trên đường đi. Nếu không tự mình trang bị những kiến thức ấy, bạn sẽ gặp nguy hiểm hoặc trở thành mối đe dọa gây tai nạn cho người khác.

Theo ông Thảo, có rất nhiều kỹ năng mà một người sắp bước vào đời sống hôn nhân cần phải trang bị. Riêng về lĩnh vực tâm lý, có 4 kỹ năng “mềm” cơ bản mà bất kỳ ai cũng cần học.

1. Kỹ năng đối thoại

Kỹ năng đối thoại bao gồm lắng nghe và trò chuyện một cách khéo léo, tế nhị, nhất là trong những tình huống khiến bạn dễ nổi điên lên. Trên thực tế, đa phần mọi người chỉ thích nói chứ không muốn lắng nghe. Theo các nhà tâm lý, lắng nghe là “chìa khóa” quan trọng nhất để duy trì sự hòa thuận, hợp tác rất cần thiết trong hôn nhân. Bên cạnh đó, việc lắng nghe chân thành sẽ giúp bạn kiềm chế, không gạt phắt lời của vợ/chồng, đồng thời hạn chế những lời nói bỗ bã gây tổn thương cho người bạn đời. Đa phần các cuộc hôn nhân tan vỡ là do người ta không làm được điều này.

2. Kỹ năng tự điều chỉnh cảm xúc

Trẻ nhỏ thường thể hiện cảm xúc bộc phát. Chúng khóc, giận, la ó mỗi khi không hài lòng về điều gì đó. Song người lớn thì tự chủ hơn về hành động của mình, càng trưởng thành họ càng bình tĩnh hơn khi đối diện với một rắc rối nào đó. Càng lớn, chúng ta càng gặp nhiều vấn đề nan giản hơn hoặc bị chọc tức nhiều hơn nhưng qua đó chúng ta có thể tự rút tỉa kinh nghiệm cho riêng mình, làm sao để kiềm chế cảm xúc và dung hòa mọi thứ.

Lúc đang yêu, bạn nhìn hôn nhân như một “bến đỗ” đầy màu hồng. Tuy nhiên khi bước vào đời sống vợ chồng, bạn mới biết sự thật không phải vậy, bên cạnh màu hồng còn có cả xám, thậm chí là đen. Nhiều người đã phải thốt lên rằng họ hối hận khi đã lập gia đình chỉ vì không chịu nổi thói hư tật xấu của bạn đời, hoặc không thể kiềm chế cơn nóng nảy khi đối diện với vợ/chồng.

Vì thế lời khuyên cho bạn trước khi kết hôn, hãy tự trang bị cho mình kỹ năng tự điều chỉnh cảm xúc. Nếu nhận thấy mình dễ to tiếng, nổi cơn tam bành hoặc hay giận hờn, thậm chí nói những lời gây tổn thương đến chồng/vợ thì bạn hãy hít thở thật sâu và điều tiết cảm xúc lại. Sau đó hãy tìm một dịp khác thuận tiện hơn  bày tỏ về nỗi lòng của mình để người ấy hiểu, mới giữ được tình yêu bền vững.

3. Kỹ năng giải quyết xung đột

Có yêu nhau đến mấy, bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng có những điểm khác biệt nhất định. Chẳng hạn như vào cuối tuần vợ  thích xem phim Hàn Quốc, chồng thích xem phim Mỹ; việc quản lý tiền bạc trong gia đình; các vấn đề chốn phòng the…

Theo chuyên gia tâm lý, các cặp vợ chồng thành công khi họ biết dung hòa giữa cái “của tôi” và “của cô” thành cái “của chúng ta” và cả hai đều đạt được sự hài lòng về điểm chung ấy. Để làm được điều đó, mỗi người cần bớt đi một chút cái tôi cá nhân, nhường nhịn, đồng thời tìm ra một đáp án chung nhất.

4. Kỹ năng thể hiện thái độ tích cực

Hãy thử tưởng tượng, chồng (hoặc vợ) đi làm về mà thấy mặt bạn đời âu sầu, ủ rũ liệu họ có vui vẻ được không? Một số ông chồng than thở: “Hễ thấy tôi về đến nhà, vợ lại mang đủ thứ chuyện trên trời dưới đất ra càm ràm, trách móc. Riết rồi đi làm xong tôi không còn thiết tha về nhà nữa”.

Theo các chuyên gia tâm lý, kỹ năng thể hiện thái độ tích cực trong hôn nhân không có nghĩa là bạn phải bày tỏ cảm xúc một cách giả dối. Đó có thể là những cử chỉ, lời nói nhã nhặn, một nụ cười tươi, lời cám ơn chân thành khi được người bạn đời giúp đỡ việc gì đó, hoặc đánh giá cao khi họ làm tốt công việc… Làm được như thế, bạn sẽ khiến người bạn đời của mình vui vẻ hơn, làm cho hôn nhân trở nên nhẹ nhàng, êm ái hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây