11 bí quyết để có một buổi phỏng vấn xin việc thành công (phần 01)

0
3055

Để có được một buổi phỏng vấn xin việc thành công, quá trình chuẩn bị của bạn là vô cùng quan trọng, nhưng buổi phỏng vấn còn quan trọng hơn nữa. Hôm nay, Bachkhoa.net giới thiệu đến bạn một số bí quyết để bạn có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng một cách thật thuyêt phục. Hãy cùng tìm hiểu đó là gì?

1.Đừng hỏi về tiền lương và các lợi ích ngay lập tức

Điều quan trọng là bạn cần phải cho nhà tuyển dụng thấy bạn quan tâm đến công ty và vị trí công việc đang ứng tuyển, chứ không phải cho họ thấy bạn quan tâm trước tiên đến tiền lương và các lợi ích mà vị trí ấy mang lại. Đặc biệt bạn không nên hỏi về vấn đề này ngay lại vòng đầu tiên của đợt phỏng vấn (nếu phỏng vấn có nhiều vòng). Họ sẽ có ấn tượng rất không tốt về bạn đấy!

Trong buổi phỏng vấn có rất nhiều điều quan trọng khác cần để hỏi. Là một ứng viên, bạn nên tận dụng cơ hội phỏng vấn để có được những thông tin quan trọng về công việc, môi trường làm việc khi nhận vị trí này. Khi cuộc trao đổi đi đúng hướng, chính nhà tuyển dụng sẽ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề lương bổng để có thể chiêu mộ bạn trở thành một thành viên trong công ty của họ.

2.Với công ty start up hay công ty nhỏ, không nên hỏi những câu hỏi liên quan đến việc đảm bảo công việc cho bạn trong tương lai

Hiện nay, khi thị trường tuyển dụng Việt Nam xuất hiện nhiều công ty start up, khởi nghiệp và nhu cầu tìm kiếm nhân sự vô cùng lớn, việc bạn muốn thử sức và thể hiện bản thân ở những công ty này là một trong những điều càng ngày càng phổ biến.

Tất nhiên, để có được sự ổn định trong công việc, bạn xứng đáng được biết về sự ổn định và hướng phát triển lâu dài của công ty. Tuy nhiên điều này không phải là điều bạn cần tìm hiểu ngay. Bạn có thể tìm hiểu về văn hóa công ty, môi trường làm việc, mức độ phát triển và có được đánh giá chủ quan của mình sau khi bắt đầu làm việc.

Khi cân nhắc đến một vị trí công việc, chắc chắn bạn cũng đã xem qua những thông tin về công ty này và nếu bạn không tin tưởng vào sự phát triển của nó hay nghi ngờ về sự tồn tại của nó trong tương lai thì tốt nhất bạn không nên apply vào vị trí nào ở đây. Điều đó sẽ làm mất thời gian của cả hai bên.

3.Hãy tập trung vào vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển

Có rất nhiều ứng viên ứng tuyển vào một vị trí nào đó để làm bước tiến cho việc có được một vị trí cao hơn. Đó là mục tiêu trong tương lai của họ và họ tin rằng việc ứng tuyển vào vị trí này là điều cần thiết để có được vị trí cao hơn kia trong thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, các câu hỏi được đưa ra hoàn toàn dựa trên vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển chứ không phải cho vị trí trong tương lai của bạn. Do đó, nếu bạn đang tham vọng cho một vị trí cao hơn, hãy tạm gác lại tham vọng đó và tập trung để trả lời những câu hỏi cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

Việc bạn không tập trung vào vị trí ứng tuyển sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn thực sự không quan tâm đến vị trí này và sẽ sẵn sàng gạch tên bạn ra khỏi danh sách ứng viên tiềm năng.

Tham vọng là tốt nhưng hãy tập trung vào hiện tại trước đã. Bạn cần phải có công việc này trước khi bạn đến với những nấc thang thành công tiếp theo.

4.Tránh hỏi những câu hỏi quá đơn giản

Một hoặc hai câu hỏi đơn giản trong một buổi phỏng vấn như “Công ty hiện có bao nhiêu nhân viên?” là điều rất bình thường trong một buổi phỏng vấn. Nhưng nếu số lượng câu hỏi đơn giản hay bất cứ câu hỏi nào có liên quan đến lịch sử của công ty xuất hiện quá nhiều thì nhà tuyển dụng sẽ tự hỏi bạn đã có bất cứ nghiên cứu nào về công ty của họ trước khi bạn đến đây hay không?

Những câu hỏi này thực ra bạn có thể tự tìm hiểu ở nhà. Chỉ cần một vài tìm kiếm trên Google, bạn hoàn toàn có thể tự biết được những điều này mà không cần phải hỏi lại nhà tuyển dụng. Hãy có những câu hỏi thông minh hơn, có sự đầu tư hơn và giúp bạn có được cái nhìn toàn diện hơn về công việc, môi trường và văn hóa làm việc của công ty này.

5.Hãy hỏi những câu hỏi có tư duy mở và khơi gợi suy nghĩ của nhà tuyển dụng

Với sự nghiên cứu trước đó, bạn hoàn toàn có thể hỏi những câu hỏi dạng này. Điều này không những cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã có sự chuẩn bị tốt mà còn giúp họ đánh giá được tư duy mở, khả năng thu nhận thông tin và quan điểm cá nhân của bạn về công việc cũng như về công ty của họ như thế nào.

Bạn có thể bắt đầu câu hỏi bằng cách “Tôi đã đọc một bài báo nói về […]” và sau đó đưa ra câu hỏi của bạn. Điều này sẽ giúp cho câu hỏi của bạn trở nên có cơ sở hơn. Từ việc thu thập những ý kiến được đưa ra từ nhà tuyển dụng và những gì bạn đọc được, bạn sẽ có những đánh giá chung hơn, xác thực hơn về những gì mà mình còn đang băn khoăn. Những câu hỏi này được nhà tuyển dụng đánh giá khá cao đấy!

(còn tiếp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây