Theo quan niệm của y học cổ truyền, người say nên ăn những đồ có tác dụng thanh nhiệt sinh tân.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, người say nên ăn những đồ có tác dụng thanh
nhiệt sinh tân, chỉ khát hóa đàm để giải rượu và phòng chống các tai biến không mong
muốn. Có thể dẫn ra một số thực phẩm điển hình dưới đây.
Lê: Tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, hóa đàm.
Người say ăn nhiều lê sẽ đỡ nhanh cảm giác miệng khô họng khát, ngực bụng nóng bức
không yên.
Táo: Tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân trừ phiền, chỉ khát
giải rượu. Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: “Táo nhuận phế duyệt tâm, sinh tân khai
vị, tỉnh tửu”. Để đạt hiệu quả giải rượu cao nhất, cổ nhân khuyên nên ăn táo tươi hoặc
ép lấy nước uống.
Cam: Tính mát, vị chua ngọt, có công dụng sinh tân chỉ khát, giải
rượu lợi tiểu. Sách Khai bảo bản thảo viết: “Lợi tràng vị trúng nhiệt độc, chỉ bạo
khát, lợi tiểu tiện, tỉnh tửu”, ý nói: Cam có khả năng trừ nhiệt độc trong đường tiêu
hóa, giải khát, lợi tiểu và giải rượu.
Trám: Có công dụng thanh phế, lợi họng, sinh tân và giải rượu. Sách
Bản thảo kinh sơ viết: “Cảm lãm năng sinh tân dịch, tửu hậu tước cho bất khát, cố chủ
tiêu tửu” (quả trám có thể sinh tân dịch, làm hết khát sau uống rượu, chủ về giải
rượu). Sách Bản thảo hội ngôn khuyên khi say rượu nên dùng trám tươi 10 quả, bỏ hạt,
sắc lấy nước uống.
Phật thủ: Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: “Phật thủ cam tính vị
khoát đàm, tịch ác, giải trình, tiêu thực, chỉ thống”. Từ “trình” ở đây dùng để chỉ
tình trạng say rượu. Cổ nhân cho rằng, phật thủ là một vị thuốc phương hương lý khí,
có tác dụng kích thích tiêu hóa, trừ đàm, làm hết nôn và giải rượu. Khi say rượu nên
dùng 12-15g phật thủ tươi (hoặc 6g khô) hãm với nước sôi, uống thay trà.
Chuối tiêu: Tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, nhuận
tràng, tiêu khát, giải rượu. Sách Nhật dụng bản thảo viết: “Hương tiêu sinh thực giải
tửu độc” (ăn chuối tiêu tươi có thể giải rượu, giải độc).
Quất: Có tác dụng lý khí, giải uất, hóa đàm, giải rượu. Sách Bản
thảo cương mục viết: “Kim quất hạ khí khoái hung, chỉ khát giải tửu, tịch uế, bì vưu
giai”, ý nói quất có công năng hạ khí, làm khoan khoái lồng ngực, giải khát giải
rượu, trừ uế, nếu dùng vỏ quất thì càng tốt.
Chanh: Tính mát, vị chua, cũng có công dụng giải rượu. Sách Bản thảo
thập di khuyên nên lấy chanh trộn với đường rồi ép thành bánh, khi say rượu cắt vài
miếng cho vào cốc nước sôi, hãm uống vì chanh có công năng “tiêu ngoan đàm, giáng khí,
hòa trung, khai vị, khoan cách, kiện tỳ, giải tửu”.
Nước mía: Tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt sinh tân,
nhuận táo giải rượu. Sách Nhật dụng bản thảo viết: “Cam giá (mía) chỉ hư nhiệt phiền
khát, giải tửu thanh phế”. Tuy nhiên, cổ nhân cũng cho rằng khi say rượu nên dùng nước
mía ép tươi chứ không nên dùng đường chế từ mía đã tinh luyện vì đường tính ấm, nếu
dùng nhiều có thể tích nhiệt.
Củ đậu: Tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân chỉ khát, giải
rượu. Sách Lục xuyên bản thảo viết: “Địa qua sinh tân chỉ khát, giải rượu, trị nhiệt
bệnh khẩu khát”. Sách Tứ xuyên trung dược chí cũng viết: “Địa qua chỉ khẩu khát, giải
tửu độc” và còn khuyên nên dùng củ đậu ép lấy nước uống hàng ngày để chữa ngộ độc
rượu mạn tính.
Ngoài ra, để giải rượu, kinh nghiệm dân gian còn dùng các loại rau quả như dưa hấu,
dưa chuột, dưa gang, canh đậu xanh, rau cải, ngó sen tươi, cà phê… Người bị say rượu
không nên ăn vải, đại táo, nhãn, hạt tiêu, hành, tỏi, quế, ớt, nhân sâm, tây dương sâm và
hoàng kỳ.