Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng

0
604
Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêngĐể giúp cây sầu riêng được sinh trưởng và phát triển tốt nhất, cho năng suất cao và ổn định bà con cũng cần phải chú ý đến kỹ thuật tỉa cành tạo tán, tía hoa cho cây để cây được sinh trưởng ổn định trong thời gian dài.

Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán là một trong những công đoạn quan trọng khi trồng cây sầu riêng và cần được tiến hành sớm để cây có được bộ tán ổn định, tránh lãng phí dinh dưỡng trong quá trình chăm sóc, bộ tán vườn đồng đều sẽ giúp năng suất ổn định hơn.

Sau đây, Làm thợ sẽ chia sẻ đến mọi người kĩ thuật cắt tỉa, tạo tán cây sầu riêng đầy đủ và chi tiết nhất.

1. Chuẩn bị dụng cụ

– Kéo cắt cành loại nhỏ: Chuyên dùng cho cắt cành, sạch sẽ, không rỉ sét, lưỡi cong, có tay cầm, có lò so trợ lực để cắt các cành nhỏ, gần vị trí đứng thao tác.

Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng
Kéo cắt cành

– Cưa cầm tay: Yêu cầu lưỡi cưa phải sắc, sạch (không bị rỉ sét), răng cưa đều, dùng để cắt những cành mà kéo không cắt được. Nếu cắt thân lớn, dùng cưa có răng lớn, đường mở răng rộng để dễ dàng thao tác.

Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng
Cưa cầm tay

2. Định hình tán cây

Khi cây bắt đầu trồng đến khi ra hoa quả, hoạt động chủ yếu là tạo bộ rễ, hình thành thân chính và bộ khung cành lá. Tuy nhiên, nếu để cây tự phát triển thì các cành không đều nhau, cành khỏe, cành yếu. Cành yếu bị che khuất nên không có quả, còn cành khỏe lại mang quá nhiều quả vừa bị kiệt sức, ảnh hưởng chất lượng vừa dễ bị gẫy đặc biệt khi gió to.

Bên cạnh đó, theo thời gian một số bộ phận cành lá đã già che lấp các bộ phận cành lá non, hoặc những cành bị sâu bệnh, giảm hoặc không còn khả năng cho quả nữa nếu không được cắt tỉa thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây và chất lượng của quả.

Khi cây có bộ khung cành khỏe, phân phối đều trong tán mới có thể mang một khối lượng quả lớn được.

Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng
Trước tỉa cành                                Sau tỉa cành Tỉa cành, tạo tán cho sầu riêng

Dạng hình cây sầu riêng chuẩn

+ Có 1 thân chính khỏe và mọc thẳng;

+ Có 4 – 5 cành cấp 1;

+ Cành cấp 1 đầu tiên được giữ lại cách mặt đất ít nhất 50 cm;

+ Các cành mọc đều các hướng;

+ Tán lá tròn đều, cân đối.

-> Muốn vậy thì ta phải tiến hành cắt tỉa.

* Lợi ích của tỉa cành, tạo tán

– Đốn tỉa là loại bỏ bớt cành lá thừa, giảm khả năng quang hợp nhưng lại che lấp ánh sáng của các cành, lá non đang sinh trưởng mạnh nên giúp vườn cây phân phối đều ánh sáng qua đó tăng hiệu quả quang hợp. Quang hợp tốt sẽ tổng hợp được nhiều chất hữu cơ, đường, bột, chất béo và cả chất đạm làm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.

– Tỉa cành, tạo tán vừa phân phối lại ánh sáng vừa phát quang những nơi rậm rạp, làm mất đi nơi ở lý tưởng cho sâu bệnh phát triển và khi xịt thuốc để xử lý sâu bệnh hay bổ sung dinh dưỡng hoặc điều tiết sự ra hoa quả vụ cũng dễ dàng phủ kín toàn bộ tán cây.

– Tỉa cành, tạo tán cũng giúp tạo cho cây bộ khung cành khỏe, phân phối đều trong tán cây để có thể mang một khối lượng quả lớn.

– Cắt bỏ bớt những cành vượt sinh trưởng mạnh nhưng không cho quả nên lấy đi nhiều dinh dưỡng của cây mà không cho sản phẩm cũng là mục đích của việc đốn tỉa, đồng thời khi tạo hình tán cây có các cành đều nhau sẽ ra hoa, kết quả tập trung, tăng sản lượng và chất lượng quả đồng đều.

– Trong một số trường hợp như vườn cây đã già cỗi, sản lượng thấp cũng phải đốn phục hồi để cải tạo lại khả năng cho quả; Đốn phục hồi cũng có thể thực hiện để ghép một giống mới vào thay thế giống đã bị lỗi thời không có thị trường tiêu thụ…

Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng
Tán cây sầu riêng qua các giai đoạn sinh trưởng

– Cây non – Đốn tạo hình: Hoạt động của bộ rễ mạnh hơn hoạt động của bộ lá, chỉ đốn rất ít.

– Cây trưởng thành: Hoạt động của bộ rễ và bộ lá cân đối, đốn nhẹ cho thoáng.

– Cây già: Đất kiệt, bộ rễ yếu, bộ lá nhiều, đốn nhiều kết hợp bón phân.

3. Tỉa cành sầu riêng

Xác định các cành nhánh cần tỉa bỏ

– Cành mọc đứng, cành bên trong tán;

– Cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh;

– Cành mọc quá gần mặt đất.

Nên giữ lại:

– Cành khỏe mạnh;

– Cành ở độ cao 1m so với mặt đất (khi cây cho quả).

Xác định vị trí cắt cành

– Cắt chồi mọc từ gốc ghép;

– Cắt tất cả các cành mọc cách mặt đất ≤ 50cm;

– Để lại các cành trên thân chính cách nhau 30cm, còn những cành khác mọc ra trên thân chính thì nên cắt bỏ;

– Cùng một vị trí trên cây nếu có 2 cành mọc ra thì để 1 cành còn cắt bỏ 1 cành;

– Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất để cây phát triển tốt;

– Cắt ngọn sầu riêng khi cây cao trên 7m, cắt ở vị trí 5m – 5,5m (cách ngọn 1,5 – 2m).

Tiến hành cắt cành

Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng

– Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản:

Khi cây nhỏ chỉ để 1 ngọn, tỉa bỏ hết chồi gốc, cắt hết cành mọc ra từ gốc ghép (chỉ thực hiện năm đầu tiên, sau sẽ hết), cành đầu tiên để cách mặt đất > 50cm, sau đó để các cành nhỏ trên thân chính cách nhau từ 8 – 10cm, khi cây lớn khoảng cách không nên dưới 30cm.

Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất để cây phát triển tốt.

Nếu trên một cây có 2 cành mọc cùng 1 vị trí thì cắt đi 1 cành.

Không cắt ngọn cây sầu tiêng vì tự nó đã có dạng hình tháp. Nhưng nếu sầu riêng quá cao (vượt quá 7m) thì cắt bỏ từ 1,5 – 2m tính từ đỉnh ngọn trở xuống.

Khi cắt cành thực hiện vào những ngày trời nhiều mây để tránh nắng làm cháy vỏ những cành nằm ở bên trên.

– Trong giai đoạn kinh doanh: Sầu riêng ra hoa kết quả trên thân chính, trên cành (kể cả cành lớn và cành nhỏ), không ra hoa ở ngọn cây. Vì vậy chỉ để lại cành khỏe mạnh, cành mọc ngang ở độ cao 1 m so với mặt đất. Ở giai đoạn này có thể chia làm 3 lần cắt tỉa trong năm:

Lần 1: Sau thu hoạch, cắt bỏ cành khô, cành bị bệnh, ốm yếu, cành bị kiệt sức vì đã ra nhiều quả.

Lần 2: Cắt tỉa vào tháng 8 – 9, trước khi bón phân lần thứ 2, cắt bỏ những cành vượt, cành bệnh, cành khô, cành rết (cành có nhiều cành con hai bên), làm cho thông thoáng, nhiều ánh sáng, cắt tỉa xong mới bón phân.

Lần 3: Vào thời điểm cây cho quả bằng quả quýt, cắt tỉa lần này kết hợp với tỉa quả để dồn sức cho những quả còn lại.

Công tác tỉa cành tạo tán cần được tiến hành thường xuyên, liên tục mới có thể tạo được cây sầu riêng có bộ tán thông thoáng cân đối.

Vệ sinh vết cắt

Gọt nhẵn vết cắt, quét sơn, vôi hoặc một loại thuốc trừ nấm cho vết cắt có đường kính ≥ 1cm. Hoặc có thể dùng băng keo nilon cuốn vết cắt cành lại cho nước và sâu bệnh không tấn công vào vết thương.

Nếu cắt ngọn để khống chế chiều cao cây: Quét hỗn hợp Agri-fos + Mancozeb để phòng bệnh và dùng vỏ chai thuốc cắt đôi rồi úp lên vết cắt.

Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng

Chăm sóc, kiểm tra sau khi cắt tỉa

– Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.

– Cây sau cắt tỉa rất dễ bị bệnh xì mủ thân, thối rễ gây chết cây, nên xịt thuốc để phòng bệnh xảy ra.

– Bón phân và tưới nước giúp cây nhanh hồi phục, có thể dùng phân bón gốc hoặc phân bón lá.

– Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại sớm cũng như các cành mới mọc ra sai vị trí thì tiếp tục cắt tỉa.

4. Tạo tán cho sầu riêng

– Khi cây còn nhỏ không nên tỉa bỏ ngọn cây. Nên tỉa bỏ những cành dày đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau trên thân cây.

– Tuyển chọn lại 4 – 5 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 30cm. Cành thứ nhất cách mặt đất 50 – 80cm, nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.

Hướng dẫn tỉa cành tạo tán cây sầu riêng
Mô hình tán cây sầu riêng

– Ở giai đoạn kinh doanh, nếu cây quá cao (lớn hơn 7m) thì nên cắt ngọn để hảm bớt chiều cao thuận lợi cho quá trình chăm sóc, thu hoạch (cắt tại vị trí cách gốc 5 – 5,5m).

5. Chú ý khi tỉa cành, đốn tỉa cho cây

– Phải kiểm tra theo dõi thường xuyên vườn cây để can thiệp kịp thời.

– Đốn tạo hình phải làm sớm ngay từ vườn ươm. Khi cây chưa có hoa quả, chú ý không quá nhiều, chỉ ngắt đi những nụ, mầm non, bấm ngọn và cắt bỏ những cành vô ích, mọc sai vị trí ngay từ khi còn nhỏ để tránh cây mất sức và tiết kiệm dinh dưỡng cho cây.

– Đốn khi cây cho quả quan trọng nhất là sau khi thu hoạch, cắt bỏ những cành già yếu, sâu bệnh, những cành bị oằn gãy do mang quả quá nặng… và giữa mùa mưa cũng cần phải cắt bỏ những cành vượt che lấp ánh sáng.

– Khi đốn phải xác định ở mỗi cây, đốn nhẹ, nặng, hay trung bình.

– Khi cây ra quá nhiều quả, nên bẻ bớt để tăng chất lượng quả (quả to, đồng đều và đẹp mã hơn) và quan trọng là giữ cho cây khỏe không sớm kiệt sức.

– Cây sầu riêng trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính thường cho nhiều nhánh mọc dầy gần mặt đất, do đó cần tạo hình cho cây trong những năm đầu. Ngay sau khi trồng lưu ý chọn giữ một thân chính mọc thẳng.

Sau khi các cành bên mọc ra, chọn giữ lại một số cành tốt làm giàn, loại bỏ các cành còn lại. Nên chọn các cành hợp với trục thân chính một góc khoảng 45 – 900. Trong thời gian cây tiếp tục phát triển, các cành giàn ban đầu cũng tiếp tục được chọn lại và loại bỏ các cành mới mọc xen kẻ giữa các cành giàn.

– Tỉa bỏ những cành mọc thấp hơn 50cm tính từ mặt đất để giảm bớt tác hại của bệnh chảy mủ gốc. Các cành mọc khít nhau cũng cần loại bỏ.

– Tỉa bỏ những cành nhỏ yếu mọc ra từ những cành lớn bên trong tán, những cành mọc thẳng đứng, để giúp cây được thoáng, thụ phấn dễ dàng và quả phát triển tốt hơn. Thường xuyên loại bỏ những nhánh sâu bệnh, khô chết và giập gãy.