Cây long não là dạng cây thân gỗ to, thường dùng làm bóng mát và cây cảnh ở nơi công viên, đô thị,… Nhưng không phải ai cũng biết rằng cây còn được sử dụng như là một vị thuốc chữa bệnh phổ biến trong Y học cổ truyền. Bài viết sau đây,Backhoa.net xin chia sẻ đến bạn đọc những công dụng tuyệt vời của loại cây này.
Cây long não là gì
Còn có tên gọi khác là dã hương, thượng long não, kim cước não, băng phiến não, mai hoa não, phiến não, long não hương, mai hoa băng phiến, não tử, triều não,…. Tên khoa học là Cinnamomum camphora N. et E., thuộc họ Long não (Lauraceae).
Là một cây thuốc quý, dạng cây thân gỗ, cao 15-30m, vỏ thân cây dày nứt nẻ. Tán lá rộng xanh quanh năm, vỏ thân cây dày nứt nẻ, lá mọc so le. Lá đơn nguyên, hình mũi mác, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới màu nhạt hơn, có cuống lá, không có lá kèm. Gân lá lông chim, ở gốc của gân giữa với 2 gân phụ lớn nhất có 2 tuyến nhỏ.
Hoa mọc thành cụm có hình sim 2 ngã ở ngọn cành. Hoa nhỏ, màu vàng lục, lưỡng tính, đế hoa lõm, mang bao hoa và bộ nhụy xếp thành vòng 3 bộ phận một. Bao hoa gồm 3 lá đài và 3 cánh hoa. Bộ nhụy gồm 3 vòng nhụy hữu thụ và 1-2 vòng nhụy lép có tuyến. Quả mọng khi chín có màu đen, mọc thành chùm với đường kính khoảng 1cm.
Phân bố và thu hái long não
Cây có nguồn gốc ở khu vực Đông Á, bao gồm Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc,… Ở nước ta, cây mọc hoang ở khu vực vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, cây cũng được trồng làm cây cảnh và bóng mát, thậm chí có nơi trồng thành rừng.
Rễ cây, vỏ cây được thu hoạch quanh năm, rửa sạch, phơi khô trong bóng râm để dùng dần. Quả thường hái vào cuối thu đầu đông.
Bột long não hay long não đặc được bào chế từ gỗ (thành phần chính), rễ, lá cây long não bằng phương pháp chưng cất. Bột long não có màu trắng, mùi thơm mạnh, vị cay nóng, có thể được nén thành khối vuông hoặc tròn. Long não và tinh dầu sẽ được bào chế bằng cách dùng chẻ nhỏ thân, cành, rễ và lá cây long não rồi đem cất với nước.
Thành phần hóa học của cây long não
Trong gỗ có khoảng 0,5 long não đặc, 2% tinh dầu long não. Tinh dầu long não cất phân đoạn sẽ được tinh dầu long não trắng, tinh dầu long não đỏ (chứa safrola, carvacrola), tinh dầu long não xanh (chứa cadinen, camhoren, azulen).
Rễ, thân và lá chứa tinh dầu gồm các thành phần: d-Camphor, a-Pinen, Safrola, campherenol, Cineol, Caryophyllen, Terpineol, Phellandedrene, Azullen, Cadinen, d-Limone. Ngoài ra còn chứa tinh thể long não, tùy theo tuổi cây mà hàm lượng và tinh dầu long não cũng thay đổi, càng lâu năm hàm lượng càng cao.
Theo đông y, cây long não có vị cay, thơm, tính hơi ấm có tác dụng thông kinh lạc, long đờm, chống đầy hơi, làm ra mồ hôi và chữa lỵ. Dầu từ gỗ có tác dụng tiêu viêm, giải độc.
Tác dụng chữa bệnh của cây long não
1. Chữa sâu răng gây đau nhức
Lấy long não và chu sa một lượng bằng nhau, tán bột mịn, trộn đều và đắp vào chỗ đau nhức.
2. Trị lở ngứa ở trẻ nhỏ
Long não, mè đen, hoa tiêu, mỗi vị một lượng bằng nhau. Tán bột, trộn cùng Vaseline rồi bôi lên vùng da bị ngứa cho trẻ.
3. Trị giun kim
Dùng 1g long não, 3g bạch sửu, 6g binh lang, đem tán bột rồi trộn đều. Vào buổi tối trước khi ngủ lấy 100ml nước sôi, hòa thuốc, đợi nước ấm (khoảng 30 độ), dùng ống tiêm hút nước rồi bơm vào hậu môn, làm liên tục 3-5 lần.
4. Chữa viêm họng, ho có đờm, khò khè
Lấy 1,5g long não và 7g phèn chua, tán nhỏ, thêm vào 1 ít cồn và hòa tan trong nước ấm. Sau đó, dùng tăm bông thấm nước thuốc bôi trực tiếp vào họng, ngày 2-3 lần.
5. Điều trị chứng hôi nách
Dùng 0,4g long não và 1 củ gừng tươi giã nát lấy nước. Rồi bôi trực tiếp vào nách ngày 2-3 lần. Dùng kiên trì cho đến khi thấy mùi hôi giảm bớt.
6. Chữa hắc lào
Lấy 12g long não, 10g rễ bạch hạc và 1 quả chanh tươi. Tất cả đem giã nhuyễn rồi trộn với nước chanh. Sau đó dùng bôi lên vùng bị hắc lào, bôi hàng ngày cho đến khi khỏi.
7. Trị đau khớp do bong gân
Dùng long não đặc, tinh dầu hồi, ngải cứu, cúc tần, quế, menthol làm thành cao dán lên vết thương. Hoặc lấy dầu long não, dầu tùng tiết, trộn đều và bôi lên chỗ đau.
8. Chàm ở chân thường bội nhiễm hoặc lở loét
Lấy 3g long não, 2 miếng đậu hũ, trộn nát, đắp lên vết thương.
9. Chữa vết lở loét ở người phải nằm lâu
Dùng 2g long não, 2g não sa, nếu chưa bị loét thì dùng 200ml cồn 75% chế với thuốc rồi bôi. Còn trường hợp bị loét rồi thì nên dùng cao mềm Hoàng liên tố phối hợp với 2 vị thuốc trên bôi ngoài.
10. Trị hậu môn bị thấp chẩn lở ngứa
Lấy 2g long não, 2g minh phàn và 20g mang tiêu, hòa với 600ml nước sôi. Để nước hơi ấm thì ngâm mông vào chừng 10 phút, ngày làm 2 lần.
11. Chữa tiêu chảy thể hàn
Dùng 25g long não đặc, 20g đại hoàng, 10g nhục quế, 25g gừng tươi, 10g đại hồi. Đem tán nhỏ rồi ngâm trong rượu 70 độ sao cho đủ 1 lít. Mỗi lần lấy 25-30 giọt hòa với nước nguội, ngày uống 2 lần.
12. Trị bụng đau do uế khí thuộc sa chứng
Long não, một dược, minh nhũ hương, mỗi vị một lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 0,01g với nước trà.
Lưu ý khi dùng cây long não
- Ngoài ra, có thể dùng vỏ cây long não để ngâm rượu rồi dùng ngậm hoặc súc miệng để ngăn ngừa các bệnh về răng lợi (không được nuốt).
- Những người có thấp nhiệt và không phải là chân hàn thì không dùng long não.
- Phụ nữ mang thai và có khi hư thì cũng không được dùng loại này.
Những bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không nên tự ý áp dụng mà phải hỏi ý kiến của thầy thuốc.